Các bác sĩ tạo hình phần gan còn lại cho người mẹ - Ảnh: Hữu Khoa |
Đây là ca ghép gan thứ 8 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Bệnh nhi được ghép gan là bé P.N.M.H., hôm nay (5-9) bé tròn 1 tuổi và người cho bé gan chính là mẹ của bé, chị N.H.H., 29 tuổi, ở Q.8, TP.HCM.
“Khá căng thẳng”
Tại Việt Nam, ca ghép gan đầu tiên trên trẻ em được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội năm 2003. Đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã ghép gan cho tám bệnh nhi và Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã ghép gan cho tám trường hợp. |
9g30 ngày 4-9, hai êkíp mổ ở hai phòng phẫu thuật kề nhau tại khu phẫu thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật lấy gan từ người mẹ và bóc tách gan từ con.
Đến 13g30, êkíp mổ bên phòng cho gan đã lấy được hai phân thùy gan trái (nặng 250 gam) của người mẹ.
Khoảng 15g một phần gan của người mẹ được đưa vào phòng phẫu thuật kế bên để ghép gan cho bé H..
Bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú, khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bé H. được chỉ định ghép gan vì trước đó bé được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối, có biến chứng nhiễm trùng đường mật, viêm phổi, tăng áp tĩnh mạch cửa, suy dinh dưỡng.
Trước khi mổ bé nặng 7,7kg, vàng da, bụng to, gan, lách to.
Nếu không được ghép gan, bệnh nhi sẽ có nguy cơ tử vong.
Có mặt trước khu phẫu thuật cùng với ông bà nội ngoại hai bên, anh P.Q.M. - 31 tuổi, ba bé H. - đứng ngồi không yên. Anh M. chia sẻ anh cảm thấy khá căng thẳng khi cả vợ và con cùng đang trải qua một cuộc đại phẫu.
Từ khi biết con phải ghép gan, anh M. - một kỹ sư hóa học - đã xin phép nghỉ việc tại công ty để chăm sóc con nhiều tháng nay.
Anh M. cho biết không chỉ riêng anh mà cả gia đình nội ngoại hai bên cùng đặt rất nhiều hi vọng vào ca phẫu thuật này.
Gan mẹ mọc lại sau 3 tháng
Giáo sư Trần Đông A - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, người tham gia từ ca ghép gan đầu tiên đến ca ghép gan thứ 8 này - cho biết ngay sau khi khâu thành bụng khoảng 30 phút, người mẹ cho gan ở ca thứ 8 đã tỉnh. Điều đặc biệt trong tám ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có tới bảy người cho gan là
mẹ bệnh nhi, chỉ một trường hợp người cho là cha. Theo giáo sư Đông A, nhiều ông bố cũng xung phong cho con gan nhưng khi thực hiện các xét nghiệm thì gan lại không đạt tiêu chuẩn, trong khi gan các bà mẹ lại đạt.
Gan của những bà mẹ này đều mọc lại sau ba tháng tính từ lúc cho con gan.
Điều đặc biệt hơn, trong sáu bà mẹ cho gan có đến bốn người đã có thai sau đó. Những bà mẹ này đều sinh con bình thường và con sinh ra cũng bình thường.
Theo GS.BS Trần Đông A, từ tháng 12-2005 Bệnh viện Nhi Đồng 2 phối hợp với các bác sĩ từ Vương quốc Bỉ đã ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên.
Trong bảy ca được ghép gan trước đó, đến nay có bốn trẻ còn sống, sức khỏe ổn định, còn ba trẻ đã tử vong do mắc bệnh PTLD (bệnh phát triển tế bào lympho sau ghép), do dùng thuốc chống thải ghép Tacrolimus.
TS.BS Trương Quang Định, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng cho biết về kỹ thuật, bệnh viện đã hoàn thiện theo cách thức của các trung tâm trên thế giới, với một tỉ lệ tử vong tương đương các trung tâm khác trong giai đoạn khởi đầu.
Không có tử vong trong năm đầu tiên chứng tỏ về mặt lựa chọn, chuẩn bị cặp ghép khá chu đáo, kỹ thuật phẫu thuật hoàn chỉnh, gây mê hồi sức vững vàng.
Tỉ lệ tử vong tăng cao vào năm thứ hai trở đi nguyên nhân chủ yếu do nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, đặc biệt là tình trạng nhiễm EBV và bệnh PTLD trên trẻ ghép tạng. Đây là một thử thách rất lớn trong ghép tạng ở trẻ em không những ở Việt Nam mà cả ở các trung tâm lớn trên thế giới.
Ngoài ra, bác sĩ Định cho hay hiện có nhiều bệnh nhi cần được ghép gan. Mỗi năm nước ta có khoảng 96 trường hợp teo đường mật bẩm sinh, trong đó phân nửa cần được ghép gan. Bên cạnh đó, qua một nghiên cứu dịch tễ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh lý gan mật chiếm tỉ lệ 8% số trẻ em đến khám cũng như nhập viện.
Một vấn đề quan trọng được bác sĩ Định đưa ra là chi phí cho ca ghép gan quá lớn, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cho đến 18 tuổi còn gây khó khăn cho hầu hết các bệnh nhân được ghép tạng.
Ca ghép gan đã thành công bước đầu Lúc 19g ngày 4-9, ca ghép gan đã kết thúc sau 9,5 giờ phẫu thuật. Sau phẫu thuật, các bác sĩ siêu âm bụng cho bệnh nhi thì thấy động mạch gan hoạt động không tốt. Các bác sĩ đã mở bụng để tìm nguyên nhân và thấy động mạch gan bị chèn ép bởi những mô xơ xung quanh. Các bác sĩ đã cắt bỏ những mô xơ này và khâu lại thành bụng lúc 22g. Kết quả siêu âm sau đó cho thấy động mạch gan đã hoạt động tốt. Sau khi ca phẫu thuật này hoàn tất, GS.BS Trần Đông A nhận xét ca ghép gan đã thành công bước đầu. Ca phẫu thuật đã diễn ra tương đối thuận lợi. Hiện sức khỏe của người mẹ rất tốt, đã nói chuyện được. Câu đầu tiên mà bà mẹ nói sau khi tỉnh lại là hỏi bác sĩ về sức khỏe của con mình. Bệnh nhi được ghép gan hiện vẫn thở máy, đã đưa ra phòng hồi sức để các bác sĩ tiếp tục theo dõi những dấu hiệu sinh tồn, nhiễm trùng sau mổ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận