Hiện trường vụ lái xe không đội mũ bảo hiểm tông thẳng vào CSGT khi bị ra hiệu lệnh dừng xe - Ảnh: TTO
Đọc bài Cảnh sát giao thông có phải chào lái xe say rượu? trên Tuổi Trẻ Online ngày 6-10, tôi rất mừng vì phần nào giải tỏa được những gì bấy lâu nay băn khoăn.
Trước đây, tôi cũng thấy báo chí phản ảnh nhiều những vụ người lái xe say xỉn không hợp tác với lực lượng kiểm tra, thậm chí là ăn vạ với CSGT mà bực mình.
Bực mình vì mấy tay đệ tử lưu linh là đương nhiên rồi, đã say xỉn mà còn chống đối công an thì không thể chấp nhận được. Nhưng cũng bực mình vì thấy sao lực lượng CSGT hiền quá, lẽ ra phải mạnh tay trấn áp để răn đe.
Tôi đã tự hỏi CSGT quá hiền, yếu nghiệp vụ hay do quy định ngành không cho phép?
Từ bài báo của Tuổi Trẻ Online, tôi đã tìm đọc toàn văn dự thảo thông tư Bộ Công an đang đưa ra lấy ý kiến người dân để chuẩn bị thay thế thông tư 01/2016 và thấy đúng là có những điều lần đầu tiên được quy định công khai về quy trình, tác phong của CSGT.
Ví dụ, điểm b, khoản 2, điều 8 của dự thảo quy định khi CSGT kiểm tra tại một điểm trên đường giao thông thì phải "lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật".
Quy định này có nghĩa CSGT không được tùy tiện muốn dừng xe kiểm tra chỗ nào cũng được mà phải lựa chọn vị trí rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn để khi CSGT ra hiệu lệnh thì người lái xe có thể nhìn thấy để chấp hành.
Nếu thực thi điều này chắc chắn sẽ không còn hình ảnh CSGT "núp lùm" ở những khúc cua, những nút cổ chai để bắt người vi phạm. Được như thế sẽ cải thiện hình ảnh "đường đường chính chính", xua đi những suy diễn không hay về CSGT.
Hay như tại khoản 2, điều 10 của dự thảo có quy định tác phong của CSGT khi ra hiệu lệnh dừng xe là phải lựa chọn vị trí thích hợp; đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện cần kiểm soát; phát hiệu lệnh dừng phương tiện ở khoảng cách đảm bảo an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, đồng thời thổi còi dứt khoát. Người điều khiển phương tiện khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng vào vị trí theo hướng dẫn của CSGT.
Theo tôi, quy định như vậy là rất rõ ràng, dễ thực hiện cho cả hai bên. CSGT không được "nhảy xổ ra đường" giơ gậy thổi còi để dừng xe mà phải lựa chọn vị trí đứng an toàn cho mình và người khác. Vì thực tế có không ít trường hợp xe đang chạy thì CSGT từ lề đường đột ngột lao ra buộc dừng ở khoảng cách quá gần, dẫn tới người lái xe giật mình lạc tay lái gây tai nạn, có khi là đâm thẳng vào người CSGT.
Ở chiều ngược lại, người lái xe khi thấy CSGT ra hiệu lệnh thì phải dừng xe và chấp hành yêu cầu kiểm tra. Nếu CSGT đứng ở vị trí trống trải, không bị che khuất, người lái xe có thể nhìn thấy ở khoảng cách đủ để dừng xe an toàn thì không có lý do gì mà không chấp hành.
Tuy nhiên, tôi xin góp ý là dự thảo cần quy định CSGT ưu tiên sử dụng trang bị hiện đại để ghi hình người vi phạm giao thông để phạt nguội, hạn chế tối đa việc rượt đuổi người vi phạm những lỗi không nghiêm trọng để tránh gây tai nạn không đáng có.
Những trường hợp xe vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường có thể gây nguy hiểm cho người khác thì nên ghi hình hành vi vi phạm rồi tổ chức đón lõng ở phía trước để buộc dừng xe, chấm dứt hành vi vi phạm. Việc CSGT rượt đuổi để xử lý trong những tình huống này dễ gây tai nạn cho người đi đường, người vi phạm và cả chính CSGT.
Tôi rất ủng hộ sự minh bạch những quy định trong dự thảo này, bởi lẽ có minh bạch thì CSGT mới tự tin thực thi những gì mình được cho phép, đồng thời cũng để người dân biết để vừa chấp hành cho đúng, vừa giám sát việc làm của lực lượng CSGT.
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: hoặc gửi bài vở qua email: [email protected] .
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận