Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Móng Cái đã, đang vươn mình trỗi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế của một thành phố vùng biên, ven biển, hướng tới việc tạo lập những khu thương mại tự do, phi thuế quan quy mô lớn của cả nước.
Và để hiện thực hóa khát vọng về một thành phố thương mại tự do trong tương lai, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng, đặc biệt là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được thông xe mới đây đã "kéo" Móng Cái gần hơn với Hà Nội.
Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng mở thêm nhiều đường bay quốc tế để đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ kết nối của Việt Nam, ASEAN với khu vực Đông Bắc Á.
Những tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn cũng đang được lên kế hoạch đầu tư tại Móng Cái với sự góp mặt của những "đại bàng" trong và ngoài nước.
Đây chính là bước đệm để thành phố vùng biên "chuyển mình ngoạn mục", hướng tới việc xây dựng một thành phố thương mại tự do với những lợi thế vượt trội về thương mại vùng biên, cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Hoàng Bá Nam, bí thư TP Móng Cái: Quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh xác định Móng Cái là một trong những vùng động lực để phát triển
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Bá Nam, bí thư Thành ủy TP Móng Cái, hào hứng chia sẻ, dư địa để Móng Cái bứt phá là rất lớn, thành phố đang chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một cuộc chuyển mình mới trên hành trình "dọn tổ" đón "đại bàng".
"Chúng tôi đã gặp gỡ, làm việc với một số nhà đầu tư lớn với mong muốn sau này thành phố biên mậu phải có những trung tâm mua sắm hàng hiệu miễn thuế đầu tiên tại Việt Nam, lớn cỡ như Dubai ở Trung Đông" - ông Nam chia sẻ.
Thưa ông, với định hướng phát triển Móng Cái thành trung tâm dịch vụ thương mại, biên mậu, logistics, cảng biển, thời gian tới thành phố sẽ làm gì để cụ thể mục tiêu đã đề ra?
Ông Hoàng Bá Nam: Với vị thế là một thành phố giáp biên, quy hoạch chiến lược của tỉnh đã xác định Móng Cái phải có những mũi đột phá để sớm trở thành một trong những vùng động lực để phát triển cả về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh.
Móng Cái phải chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba là quy hoạch chiến lược. Cái này thì đã hoàn thiện quy hoạch chung rồi, nên giờ phải khẩn trương triển khai hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng để sớm đón các nhà đầu tư chiến lược.
Như ông chia sẻ thì TP Móng Cái đang mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến thực hiện nhiều dự án lớn, vậy thời gian qua thành phố đã làm những gì để thuyết phục họ bỏ tiền đầu tư vào Móng Cái?
Chúng tôi tập trung vào mấy chiến lược. Thứ nhất là thực hiện nguyên tắc lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư trong sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ hai là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có môi trường tốt nhất khi họ đến Móng Cái thực hiện dự án đầu tư.
Để làm được điều này, thời gian qua thành phố tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị quỹ đất và giải quyết nhanh nhất những vướng mắc của nhà đầu tư.
Tiếp theo nữa là công tác quản lý nhà nước luôn bám sát vào quy hoạch được phê duyệt. Đây là công cụ hữu ích nhất cho việc kêu gọi đầu tư và chúng tôi luôn nhất quán quan điểm quy hoạch chiến lược tốt cộng với sự tâm huyết, hỗ trợ của thành phố thì sẽ đón được nhà đầu tư tốt.
Là thành phố vùng biên, ông thấy Móng Cái đang có những lợi thế gì vượt trội, khác biệt so với những thành phố nằm sâu trong nội địa?
TP Móng Cái là vùng đất đang hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" - có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại đặc biệt.
Nằm ở cực tăng trưởng phía Bắc Tổ quốc, là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia được Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á, được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 2 "mũi đột phá" trong chiến lược phát triển.
Móng Cái cũng là một trong số ít địa phương "cấp huyện" của cả nước được trung ương, tỉnh Quảng Ninh quan tâm phê duyệt đầy đủ các quy hoạch chiến lược phát triển quan trọng, nhất là quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2040 với quy mô lập quy hoạch chung trên 120.000ha.
Một lợi thế quan trọng khác là truyền thống đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn dân Móng Cái luôn được duy trì và nâng cao, hướng vào mục tiêu xây dựng thành phố giàu mạnh nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
TP Móng Cái đang có những thời cơ, vận hội mới và đang trong khí thế quyết tâm lan tỏa, hiện thực hóa khát vọng đổi mới, phát triển, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên 3 khâu đột phá (cải cách hành chính, nhân lực, kết cấu hạ tầng), tạo đột phá mới trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phát triển dịch vụ, thương mại, logistics...
Chung quy lại, lợi thế rất khác biệt của Móng Cái chính là thành phố giáp biên, chúng tôi ở sát với một thị trường lớn là Trung Quốc. Bên cạnh đó, các lợi thế về quỹ đất, con người, điều kiện tự nhiên và khí hậu, tất cả đều là những tiềm lực quan trọng để Móng Cái có thể bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới.
Và đặc biệt, người dân, chính quyền đang cùng chung một khát vọng, mong muốn có sự phát triển nhanh, bền vững hơn để giàu hơn.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đóng vai trò như thế nào trong bức tranh phát triển tương lai của TP Móng Cái?
Đó là vai trò kiến tạo, là "chìa khóa" mở ra dư địa lớn, tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển bền vững trong tương lai.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có 6 điểm nhấn khác biệt, cụ thể đây là con đường của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bằng sự đồng thuận, ủng hộ, hiến đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
Con đường của khát vọng, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư tư nhân thông qua phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Con đường mang tầm nhìn chiến lược mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam với khu vực Đông Á, Đông Nam Á, cửa ngõ ASEAN với Trung Quốc, khu vực hợp tác "hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt - Trung, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng…
Con đường của kết nối đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.
Con đường của trách nhiệm với sự nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư; cường độ làm việc không ngừng nghỉ của hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ, công nhân viên và máy móc thiết bị để hoàn thành trên 80km đường cao tốc, với 35 cây cầu trong vòng 500 ngày đêm trong điều kiện đại dịch COVID-19 bùng phát, địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.
Con đường thân thiện chào đón bạn bè trong, ngoài nước tới các vùng di sản. Với tất cả những điểm nhấn đó, rõ ràng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mở ra một dư địa lớn, thể hiện một khát khao lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP Móng Cái nói riêng.
Khi khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Thủ tướng đã khẳng định, "đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin". Vậy ở đây có thể hiểu khát vọng và niềm tin đó chính là sự hạnh phúc của người dân, của chính quyền, người dân về một Móng Cái phát triển nay mai?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Quảng Ninh đã không ngừng sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương, lấy đầu tư nhà nước dẫn dắt, làm vốn mồi kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội.
Đúng như nhà báo nói, khi khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (ngày 1-9-2022), Thủ tướng đã khẳng định, "đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin. Tuyến cao tốc gia tăng kết nối vùng, tạo động lực phát triển cho 3 cực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh".
Cái khát vọng ở đây là khát vọng của người dân, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, của tỉnh Quảng Ninh, của các huyện có tuyến đường đi qua, khát vọng đổi mới để phát triển.
Khát vọng này có thể nói là ấp ủ bao nhiêu đời, bởi đối với Móng Cái cũng như các huyện phía Đông của tỉnh thì trước đây chỉ có mỗi một tuyến đường độc đạo, và mọi người luôn khao khát có một tuyến đường cao tốc.
Còn niềm tin, ở đây là niềm tin của người dân đặt vào Đảng bộ và chính quyền, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền. Vì có niềm tin nên đã tạo ra những hạ tầng phục vụ cho sự phát triển.
Có thể nói, tuyến cao tốc hoàn thành thì nó là tuyến đường của niềm tin, khát vọng, trách nhiệm, kết nối và thân thiện.
Khách du lịch trong nước đến Móng Cái tăng vọt trong 9 tháng năm nay lên 860.000 lượt khách, gấp 9,2 lần cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 9 có 320.000 lượt khách đến du lịch tại thành phố vùng biên, địa đầu Tổ quốc Móng Cái.
Đây là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả kinh tế khi hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái từ đầu tháng 9 năm nay.
Và để khai thác tối đa lợi thế du lịch biên giới, du lịch biển đảo, TP Móng Cái đang mời gọi những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư các dự án hạ tầng lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, đẳng cấp trên địa bàn.
Và khi các nhà đầu tư chiến lược lớn trong nước như Sungroup, Bến Thành Holdings, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương… đang lên kế hoạch đầu tư những tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, quy mô lớn tại thành phố vùng biên Móng Cái thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đã bỏ vốn để đầu tư những khách sạn 5 sao ngay trên trục đường chạy thẳng ra cửa khẩu Bắc Luân 1, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Thái Sơn - chủ khách sạn Luxury Móng Cái, quy mô 101 phòng tại TP Móng Cái - chia sẻ sau khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được thông tuyến, lượng khách nội địa ra Móng Cái du lịch tăng rất mạnh.
Trước đây tỉ lệ "full phòng" khách sạn chỉ rơi vào các ngày thứ sáu, thứ bảy trong tuần, các ngày còn lại thông thường hằng ngày khách sạn chỉ khai thác 30% số phòng hiện có.
Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay ba ngày cuối tuần không còn phòng để cho khách thuê, các ngày còn lại trong tuần tỉ lệ "full phòng" tăng khoảng 50-60% số phòng hiện có, gấp đôi trước đây.
Ông Sơn kỳ vọng việc thông tuyến cao tốc, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội và Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ đồng hồ, cộng với việc Trung Quốc chuyển sang thời kỳ thích ứng linh hoạt với COVID-19 vào những tháng cuối năm sẽ giúp lượng khách lưu trú đến Móng Cái đông đúc trở lại.
Và để đón đầu dòng khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố trong thời gian tới, ông Sơn đang đầu tư xây dựng thêm một khách sạn 5 sao tại phường Trần Phú, TP Móng Cái.
"Khách sạn được xây dựng trên khu đất 4.000m2, quy mô khoảng 200 phòng, dự kiến sẽ mua lại thượng hiệu của khách sạn nổi tiếng của nước ngoài để nâng cấp dịch vụ ở mức tốt nhất có thể", ông Sơn cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thanh, một chủ kinh doanh nhà hàng tại phường Ninh Dương (TP Móng Cái), cho biết từ đầu tháng 9 đến nay lượng khách du lịch trong nước đến Móng Cái đã đông đúc hơn nhiều.
Hoạt động mua bán cũng sôi động hơn, ngày nào nhà hàng cũng có khách đặt bàn, mong rằng những tháng cuối năm mọi người sẽ đến Móng Cái để du lịch, mua sắm và ăn uống nhiều hơn.
Theo ông Lê Đức Tâm - bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường Ninh Dương (TP Mong Cái), việc thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã rút ngắn một nửa thời gian đi lại từ Móng Cái đến Hà Nội. Điều này đã khắc phục điểm yếu lâu nay của ngành du lịch thành phố, khách du lịch đến Móng Cái ngày càng đông đang tạo ra sự thay đổi về mặt thương mại, dịch vụ, trong đó nhiều nhà đầu tư cũng đến để nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư dự án.
Vừa rồi khách du lịch ra TP Móng Cái dịp nghỉ lễ 2-9 không có phòng nghỉ, đường phố đông đến tắc đường, điều này rất ít xảy ra, ông Tâm nói.
Bà Phạm Thị Oanh, trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, chia sẻ thời gian qua khách đông nhưng cơ bản TP Móng Cái vẫn đáp ứng được nhu cầu dịch vụ. Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ 2-9 đã xảy ra tình trạng thiếu phòng nghỉ cục bộ vì có tới hơn 150.000 lượt khách đến Móng Cái du lịch.
Về cơ sở lưu trú, theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, cả thành phố có gần 200 cơ sở lưu trú, quy mô hơn 7.000 giường. Bên cạnh đó, còn gần chục khách sạn lớn đang đầu tư xây dựng, chuẩn bị đi vào hoạt động.
Và để hỗ trợ du khách tìm kiếm dịch vụ dễ dàng, ngoài lực lượng lao động truyền thống, thành phố tập đang trung thúc đẩy chuyển đổi số du lịch.
Theo đó, tại các điểm đến du lịch tại Móng Cái đều được gắn mã QR Code để tìm hiểu thông tin về điểm đến, kết hợp công nghệ hướng dẫn viên ảo để giới thiệu.
TP cũng yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ của thành phố phải thực hiện quét mã QR Code tại khu vực lễ tân, điều này giúp du khách dễ dàng nắm bắt thông tin về các điểm đến du lịch.
Nhiệm vụ thứ ba trong chuyển đổi số du lịch đang được TP Móng Cái tập trung xây dựng là gửi tin nhắn SMS tự động giới thiệu về du lịch, thông tin các điểm đến của thành phố cho tất cả du khách, khách du lịch khi đặt chân đến Móng Cái.
Không chỉ ứng dụng công nghệ để hỗ trợ du khách, TP Móng Cái cũng đang thí điểm mô hình lữ hành đón khách, sử dụng giấy thông hành để đón khách quốc tế qua cửa khẩu, đồng thời áp dụng mô hình xe tự lái cho khách du lịch nước ngoài để khám phá du lịch trên cung đường từ TP Móng Cái về TP Hạ Long.
Ngược lại, khách du lịch trong nước cũng được thí điểm lái xe sang tới thành phố Đông Hưng (Trung Quốc). Điều này tạo sự cởi mở cho khách du lịch hai bên, nhiều du khách cũng thích thú với những cơ chế thí điểm này.
Với một loạt chính sách cởi mở, ứng dụng công nghệ để hỗ trợ tối đa cho du khách, bà Oanh tin du lịch Móng Cái ngày càng thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.
Theo ông Hồ Quang Huy - chủ tịch UBND TP Móng Cái, việc thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa vào sử dụng đã đồng bộ tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, nối liền hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Từ khi đưa tuyến cao tốc vào sử dụng đã khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Thành phố đang hoàn thiện hệ thống quy hoạch, từng bước triển khai quy hoạch phát triển thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cụ thể, tháng 10-2021 thành phố đã khởi công tuyến đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với cảng tổng hợp Vạn Ninh. Đồng thời khởi công giai đoạn 1 cảng biển Vạn Ninh, với thiết kế để đón tàu biển khoảng 20.000 tấn.
Chủ tịch TP Móng Cái
Dự báo trong năm 2022, các hoạt động xuất nhập cảnh sẽ khôi phục trở lại khi nước bạn chuyển sang chiến lược ứng phó linh hoạt với COVID-19, từng bước khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, thúc đẩy hoạt động giao thương, buôn bán thương mại.
Tương lai TP Móng Cái sẽ là cửa ngõ giao thương giữa khu vực Đông Bắc Á với khu vực Đông Nam Á thông qua tuyến cao tốc và cảng biển Vạn Ninh, ông Huy nhận định.
Ông Lương Xuân Đào, đại diện cho Công ty CP Thành Đạt - chủ đầu tư cảng biển Vạn Ninh (cách trung tâm TP Móng Cái khoảng 18km), cho biết doanh nghiệp đã bỏ ra 2.248 tỉ đồng để xây dựng cảng tổng hợp Vạn Ninh.
Việc đầu tư cảng biển cạnh cửa khẩu quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
Theo ông Đào, hiện TP Móng Cái chỉ có cảng cạn là bến bốc xếp hàng hóa để xuất qua Trung Quốc chứ chưa có cảng nước sâu nào đón trực tiếp tàu biển.
Việc đầu tư xây dựng cảng biển Vạn Ninh có khả năng đón tàu biển chở hàng chục ngàn tấn cập cảng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Ví dụ, nếu chạy đường bộ thì 1 container hải sản như cá ba sa, hoa quả như mít, thanh long, xoài… từ miền Nam ra cửa khẩu Móng Cái cước vận tải khoảng 80 triệu đồng/chuyến, còn nếu vận chuyển bằng đường biển ra cảng Hải Phòng, sau đó vận chuyển tiếp bằng đường bộ ra Móng Cái doanh nghiệp mất chi phí khoảng 10 triệu đồng/container.
Thời gian tới nếu tàu biển cập cảng Vạn Ninh thì hàng hóa xuất khẩu chỉ phải vận chuyển đường bộ khoảng 18km là tới cửa khẩu xuất hàng, chi phí vận chuyển sẽ giảm đáng kể, đồng thời hàng hóa thông quan qua Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng sẽ tăng mạnh.
Theo thông tin từ UBND TP Móng Cái, năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đóng góp khoảng 1.300 tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Dự báo năm 2022 cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ đạt khoảng 1.400 tỉ thuế xuất nhập khẩu.
Những ngày cuối thu, chúng tôi tìm đến xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - nơi có địa danh Pò Hèn và cũng là xã biên giới nằm xa trung tâm thành phố nhất, để tận mắt thấy sự đổi thay của người dân nơi đây.
Hải Sơn những ngày này không khó để bắt gặp những căn biệt thự, nhà hai, ba tầng bề thế đang dần thay cho những mái nhà cấp bốn, chất lượng cuộc sống người dân nơi đây cũng ngày càng được nâng cao khi các trục đường huyết mạch kết nối liên vùng tiếp tục được đầu tư mở rộng.
Ngồi lấy mật ong trước ngôi nhà hai tầng khang trang được xây dựng từ năm 2020, ông Nình A Phú (46 tuổi, người dân tộc Sán Chỉ, trú tại thôn Thán Phún Xã) cười tủm tỉm cho biết ngôi nhà là thành quả sau 7-8 năm trồng rừng, phát triển kinh tế mới.
Ông Phú cho hay đời sống của người dân khu vực khấm khá hơn vẫn là nhờ nghề nông - lâm kết hợp và cũng nhờ gỗ sản xuất thời gian qua "được giá" nên nhiều gia đình có của ăn của để, đại đa số đều đã "đủ sống" chứ không bí bách đói nghèo như trước.
Còn ông Đặng Văn Dánh (65 tuổi, trú tại xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn) nhớ lại thời điểm khi xã mới được thành lập (tháng 7-1998) thì nơi đây đúng nghĩa là một xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn về nhiều mặt, từ hạ tầng kinh tế - xã hội với các công trình thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, chợ cho đến trụ sở làm việc của xã đều thiếu và tạm bợ.
Đặc biệt, hệ thống đường giao thông nông thôn đi lại khó khăn nên đời sống nhân dân bấp bênh và hệ thống giáo dục, y tế thời điểm đó cũng nghèo nàn, lạc hậu.
Sau gần 25 năm, xã Hải Sơn hiện nay với tổng cộng ba thôn Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún Xã có thể nói là "thay da đổi thịt" khi đường sá giao thông được mở mang và vẫn đang được nâng cấp mở rộng nhằm giúp cho kết nối với trung tâm TP Móng Cái được thuận tiện hơn.
Vừa tất bật chăm sóc khu vườn cam sắp cho thu hoạch, ông Nình A Lùi (52 tuổi, trú tại thôn Thán Phún Xã) vừa hào hứng khi nói về những đổi thay của vùng đất này.
Theo ông Lùi, trước kia xã Hải Sơn và đỉnh Pò Hèn còn hoang sơ, dấu tích của chiến tranh còn nhiều và đường sá đi lại khó khăn, rừng rú hoang vu.
"Trước kia có nhiều người ở địa phương khác đến xây dựng kinh tế mới không chịu được khổ phải bỏ dở giữa chừng. Còn giờ như anh thấy đấy, đường sá giao thông thuận tiện, đời sống người dân ngày một được nâng cao.
Để xây dựng kinh tế thì gia đình tôi trồng thêm cây cam và mở một nhà hàng nhỏ cũng đủ trang trải cuộc sống, đáp ứng phần nào nhu cầu của du khách đến đây" - ông Lùi chia sẻ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phùn Văn Huy - phó chủ tịch UBND xã Hải Sơn - cho biết từ một xã vùng cao đầy khó khăn, cái đói và nghèo đeo bám thì đến nay xã cơ bản không còn hộ nghèo.
Trong số 349 hộ dân tại ba thôn, hiện chỉ còn lại hai hộ nghèo và xã vẫn đang tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để những hộ này sớm thoát nghèo.
Nói thêm về niềm trăn trở để Hải Sơn có thể bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, ông Huy cho biết địa bàn xã chưa có cơ sở lưu trú, sản vật riêng hấp dẫn để có thể níu chân du khách ở lại lâu hơn, hiện nay phần lớn du khách chỉ đi qua Pò Hèn tham quan khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sau đó dạo qua xóm họ Đặng chiêm ngưỡng những bức tranh bích họa rồi lại rời đi ngay nên kinh tế của bà con nơi đây vẫn phụ thuộc chính vào nông - lâm.
Ông Huy cho hay ở xã có một số tiềm năng như khu thác 72 gian - hồ Tràng Vinh, đỉnh Mã Thàu Sán (Sơn) hay đồi sim tự nhiên… nhưng cần một đơn vị có tiềm lực đầu tư để có thể khai thác hiệu quả.
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận