13/05/2016 06:28 GMT+7

Mong bộ trưởng lắng nghe và hành động

TT
TT

TTO - Lá thư của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền (“8 thỉnh cầu gửi bộ trưởng”, Tuổi Trẻ ngày 11-5) tiếp tục nhận được những đồng tình, ủng hộ từ khắp nơi của bạn đọc.

Làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các em học sinh. Trong ảnh: nụ cười ngày khai giảng năm học mới của một học sinh tiểu học - Ảnh: Hữu Khoa
Làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các em học sinh. Trong ảnh: nụ cười ngày khai giảng năm học mới của một học sinh tiểu học - Ảnh: Hữu Khoa

Tuổi Trẻ xin được giới thiệu tiếp những ý kiến tâm huyết của độc giả nhằm chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.

Đừng coi nghề giáo như nghề kinh doanh!

Tôi tin là bộ trưởng đã đọc lá thư của cô giáo Thu Hiền. Và tôi cũng tin bộ trưởng đã nhìn ra những mặt hạn chế trong việc quản lý cũng như phương cách làm việc yếu kém của ngành giáo dục. Vấn đề bây giờ là chúng ta có dám mạnh dạn vượt qua những rào cản để làm cho nền giáo dục của chúng ta tốt hơn không?

Cô giáo Thu Hiền và rất nhiều người công nhận là chúng ta đang quá thiên về việc “nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ việc giáo dục đạo đức”. Theo tôi, điều này là do triết lý giáo dục thực dụng của chúng ta mà ra.

Thử hỏi số học sinh chọn ngành học cho mình vì lý do yêu thích, say mê, để cống hiến cái hay, cái đẹp cho mọi người được bao nhiêu phần trăm? Và số học sinh thi vào ngành để kiếm nhanh và thật nhiều tiền là bao nhiêu phần trăm? Có biết bao học sinh coi thường, quay lưng với môn văn, sử, địa lý chỉ với lý do: ra trường không kiếm được nhiều tiền!

Trên thực tế, ai cũng thấy khá nhiều vấn đề liên quan đến trường lớp có thể giải quyết dựa trên tiền bạc. Ví như một em bé vào lớp 1 để được học trong một trường khác tuyến, cha mẹ phải xìa tiền! Thế là xong. Rồi các kiểu phong bì, bao thư dấm dúi cho các cô giáo mầm non, cô bảo mẫu để con mình được quan tâm...

Ngay từ thời thơ bé các em đã cảm nhận được sức mạnh, quyền lực của đồng tiền, thử hỏi lớn lên nền đạo đức nào đưa các em ra khỏi “vòng kim cô tiền bạc”?

Chính người lớn - là cha mẹ và những người thầy, lối sống của họ ảnh hưởng đến cung cách sống của các em. Nếu người lớn không trung thực trong thi cử, vì thành tích, vì thi đua khen thưởng, vì cái ghế của mình... vậy thì thử hỏi học sinh sẽ học ở đâu, lấy ở đâu ra lòng tự trọng, sự trung thực?

Cần coi lại nền giáo dục của chúng ta có đặt trọng tâm vào giáo dục con người? Nếu có thì tại sao số người tài, đức thì hạn chế, mà những tệ nạn lại phát triển theo cấp số nhân!

Để thay đổi nền giáo dục, trước hết những người bước chân vào nghề này phải có cái tâm, đừng coi đây như là một nghề kinh doanh!

TUYẾT PHẠM

Bao giờ tất cả học sinh đến trường luôn được vui vẻ như thế này? - Ảnh: Duyên Phan
Bao giờ tất cả học sinh đến trường luôn được vui vẻ như thế này? - Ảnh: Duyên Phan

 

Hãy chấn chỉnh dạy thêm - học thêm

Điều thỉnh cầu tiếp theo của tôi đối với bộ trưởng là chuyện dạy thêm - học thêm tràn lan hiện nay.

Tôi nghĩ rằng hồi còn đi học bộ trưởng chắc không bao giờ đi học thêm. Tôi cũng vậy. Thời chúng ta đi học có mấy ai đi học thêm mà thế hệ chúng ta vẫn học hành giỏi giang, vẫn tiến bộ đàng hoàng. Còn ngày nay con em chúng ta cứ mở mắt ra là học, nhắm mắt lại cũng học, học đến khi mờ mắt, mụ người... mà chất lượng có nâng lên đâu?

Tôi có hai con đều học ở một trường chuyên nổi tiếng. Các cháu đều cho rằng thà đừng đi học thêm để mỗi người có xuất phát điểm như nhau trong thi cử và đặc biệt là để thầy cô giáo đối xử tất cả học sinh như nhau. Bây giờ, phần lớn học sinh đều coi việc dạy và học như đi chợ! Vì theo quy luật của xã hội, bất cứ mối quan hệ nào được trao đổi bằng tiền đều là chợ búa.

Người thầy đáng kính đến đâu, khi cầm trong tay đồng tiền của trò thì sẽ không còn đáng kính nữa. Người thầy khi bị đồng tiền chi phối sẽ không còn đủ toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp dạy dỗ. Một điều cực kỳ tai hại nữa là việc dạy thêm - học thêm đã làm phân hóa về ý thức và lối sống của giáo viên.

Đều bằng cấp như nhau, đều được đào tạo trong ngành sư phạm như nhau - thậm chí có người còn học lên thạc sĩ, tiến sĩ - nhưng khi đi dạy lại có sự chênh lệch rất lớn về thu nhập.

Bộ trưởng nghĩ gì khi có những người đi dạy thêm hằng tháng thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng; trong khi rất nhiều đồng nghiệp của họ vẫn sống thanh đạm, nghèo khổ bằng những đồng lương còi cọc, thậm chí có nhiều giáo viên cắm bản, đứng lớp vùng sâu vùng xa còn bị nợ lương năm này qua năm khác.

Liệu những giáo viên đó có toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy ở trường hay đến trường chỉ dạy qua loa, còn lại để dành cho việc dạy thêm ở nhà, ở trung tâm.

Nền giáo dục phong kiến ngày xưa tôn sùng vai trò người thầy (chỉ sau vua). Hình ảnh trong sáng, nhân hậu, đạo đức của người thầy luôn được đặt lên hàng đầu. Thời đại ngày nay, việc dạy thêm - học thêm tràn lan, vô lối đã làm mất đi hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ đó.

Với tư cách là tư lệnh ngành, đề nghị bộ trưởng hãy mạnh dạn cấm ngay việc dạy thêm - học thêm làm khổ học sinh, làm phân hóa ý thức của giáo viên, gây nhiều bất công cho ngành giáo dục.

NGUYỄN LINH

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT điện thoại trao đổi với cô giáo viết 8 thỉnh cầu

Thông qua Tuổi Trẻ, lúc 11g20 ngày 12-5-2016 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp gọi điện cho cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền. Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Hiền cho biết: “Nói về bức thư “8 thỉnh cầu”, bộ trưởng bày tỏ thái độ quan tâm về những điều tôi đã nêu trong thư.

Ông cũng mong muốn lắng nghe thêm các ý kiến đóng góp khác của những người có tâm huyết với nghề giáo, ngành giáo dục. Bộ trưởng thể hiện mong muốn và quyết tâm thay đổi ngành giáo dục đất nước trong nhiệm kỳ của mình.

Bộ trưởng còn nói rằng hiện ông đang đi công tác ở Bình Định, cuối tháng 5 ông đi công tác tại TP.HCM, hẹn sẽ trực tiếp gặp tôi để trao đổi cụ thể”.

Vì sự chấn hưng của nền giáo dục đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng”. Những ý kiến, bài viết gửi về diễn đàn vui lòng gửi theo địa chỉ: tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), email: [email protected].

Bài viết sẽ được chúng tôi đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ra hằng ngày và trên tuoitre.vn. Vui lòng ghi rõ địa chỉ, tài khoản ngân hàng để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút khi bài được sử dụng.

TUỔI TRẺ

* Ông CAO HUY THẢO (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM):

Cải tiến quản lý giáo dục theo hướng minh bạch

Trên thực tế, ở một số trường thì cái tâm, cái tầm của người hiệu trưởng không đáp ứng đúng yêu cầu của giáo viên. 

Do đó giáo viên bức xúc với nhà quản lý. Nhưng còn một nguyên nhân khiến họ bức xúc nữa nhưng ít người nhận ra: đó là do hệ thống quản lý giáo dục thiếu tính minh bạch và dân chủ. Điều này không chỉ gây bức xúc cho giáo viên, mà gây bức xúc cho cả học sinh, phụ huynh.

Vì vậy, tôi mong bộ trưởng sẽ cải tiến hệ thống quản lý giáo dục theo hướng minh bạch và dân chủ, cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý sao cho hạn chế được tình trạng tiêu cực mà vẫn chọn được người có tâm, có tầm và có tài. 

Có thể trước khi bổ nhiệm cán bộ quản lý cần yêu cầu họ cam kết về trách nhiệm và vạch ra đường hướng phát triển cho đơn vị. Hết nhiệm kỳ, cần đánh giá khách quan và công bằng xem người quản lý đã hoàn thành nhiệm vụ chưa, có thực hiện được đường hướng đã vạch ra không, mức độ như thế nào...

Và không chỉ hiệu trưởng mà cả phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên nếu an vị mãi ở một môi trường nào đó sẽ khiến tư duy của con người cũ kỹ, ý chí tiếp cận với cái mới không mạnh mẽ.

Thế nên rất cần thay đổi môi trường làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên theo nhiệm kỳ để tạo tâm lý đốc thúc người ta thay đổi nếp nghĩ cũ kỹ, tìm cách đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đối tượng học sinh mới.

Ảnh: H.H.

* Ông NGUYỄN QUANG MINH (giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):

Mong tạo sự ổn định về thi cử

Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Mong rằng ông sẽ tạo được một sự ổn định về thi cử để phụ huynh, học sinh và cả giáo viên chúng tôi không phải lo lắng, hồi hộp, đoán già đoán non rằng năm nay sẽ thi theo kiểu nào. Nếu có thay đổi về thi cử, hãy thông báo trước vài năm rồi thực hiện để xã hội an lòng và có thời gian chuẩn bị. 

Xin bộ trưởng hãy giảm bớt các phong trào thi đua không cần thiết trong ngành GD-ĐT để giáo viên không phải giảng dạy theo kiểu đối phó, học sinh không phải học theo kiểu lấy thành tích.

Tôi mong chương trình sách giáo khoa mới sẽ có sự cải tiến triệt để, không phạm phải những nhược điểm của chương trình cũ: dài dòng, khô khan, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tế, quá trừu tượng...

Ảnh: H.H.


* Ông TRƯƠNG MINH ĐỨC (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Phải giảm bớt tình trạng bổ nhiệm “theo truyền thống”

Ở TP.HCM có trường THPT làm công tác quy hoạch cán bộ rất hay: công bố cho mọi người biết các tiêu chí để được chọn vào diện quy hoạch; công bố danh sách những người thuộc diện này, đồng thời nói rõ rằng họ sẽ có thời gian thử thách trong vài năm. 

Bước tiếp theo, nhà trường giao nhiệm vụ cho những người được quy hoạch để họ phấn đấu, thể hiện mình. Sau đó nếu người được quy hoạch làm tốt công việc được giao, đạt đủ các tiêu chí cần thiết thì sẽ được đề xuất bổ nhiệm làm cán bộ quản lý; không thì bị gạch tên.

Tôi mong bộ trưởng đưa quy trình này thành quy định bổ nhiệm cán bộ quản lý, thực hiện tại tất cả các trường trên cả nước nhằm làm giảm bớt tình trạng bổ nhiệm “theo truyền thống” - con ông cháu cha, hoặc thân thiết, chạy chọt mới được bổ nhiệm.

H.HG. ghi

 

TT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên