Tài xế xe cấp cứu 115 TP.HCM Trần Tuấn Anh tức tốc khởi hành cùng đồng nghiệp đi đón người nghi nhiễm COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
115 là đường dây nóng, mọi người gọi đến đều được nghe, được sơ cấp cứu tại hiện trường hoặc được hướng dẫn những việc cần làm ngay. Sao có thể tiếp tục chấp nhận lý do đã cũ: thiếu người, bận việc không kịp nghe tổng đài?!
Phạm Ngọc Tơ
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc và chuyên gia về việc này.
Thà rằng không có thì thôi...
Một lần ba tôi bị tai biến mạch máu não, biết là bệnh này cần cấp cứu đúng cách và phải đến bệnh viện sớm nhất, chúng tôi đã gọi tổng đài 115 tỉnh nhà.
Lần thứ nhất không ai nghe máy, lần thứ hai (sau 5 phút) đầu dây bên kia hỏi rất nhiều câu theo kiểu loại trừ khả năng chúng tôi phá máy, rồi chúng tôi được yêu cầu chờ.
Gần nửa giờ sau xe chưa đến, tổng đài lại yêu cầu chờ. Chúng tôi đã nhờ xe cá nhân của hàng xóm đưa người nhà vào bệnh viện, sau khi báo với tổng đài.
Nhiều người quen của tôi cũng bất bình về chuyện gọi xe cấp cứu không ai nghe máy hoặc phải chờ đợi quá lâu. Ở tỉnh địa bàn rộng, chờ được xe thì cả thân nhân cũng "lên tăng xông" vì lo lắng. Nên người dân thường tự kêu xe đến thẳng bệnh viện thay vì gọi 115.
Nhiều người đã không chấp nhận cách lý giải từ ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi sau vụ nạn nhân tử vong, sau khi gọi 115 không có ai nghe máy.
115 mở ra để gọi cấp cứu bệnh nhân nguy kịch, lý do y bác sĩ bận cấp cứu không nghe máy có lẽ khó thuyết phục. 115 là số điện thoại nóng, nhất định phải có người nghe máy, không có tổng đài viên trực nghe máy thì bệnh nhân mong chờ gì ở công đoạn tiếp sau (được sơ cấp cứu tại hiện trường và được đến bệnh viện trên xe cứu thương)?
Và sự thật là 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng ở Bệnh viện Quảng Ngãi đang lo 17 bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện nên đã không còn thời gian lo nhiệm vụ trực 115. Thực tế này diễn ra bao năm nay, theo thông tin tôi biết từ bạn bè ngành y, các tỉnh không có (hoặc rất thiếu) nhân sự chuyên lo chuyện cấp cứu ngoại viện. Chuyện điện thoại reo không ai nghe cũng không phải chuyện cá biệt của nơi nào.
Khi xảy ra chuyện đáng tiếc như ở Quảng Ngãi, trách nhiệm thuộc về ai khi y bác sĩ ca trực đã và đang quá tải với công việc của họ? Làm thế nào để lực lượng 115 các tỉnh thành hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mình khi nhân sự kiêm nhiệm và vì vậy không thể làm nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất?
Thực tế này chắc hẳn lãnh đạo ngành y tế các tỉnh thành và trung ương đã nhìn rõ, vậy sao chưa thể có thay đổi nhanh trên cả nước. 115 có thể thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng ít nhất phải có một tổ trực riêng biệt. Đây là chuyện ngành y tế phải quyết tâm thực hiện để có 115 chuyên nghiệp, chuyên nghiệp từ việc trực điện thoại đến cả trang bị nhân sự, xe cứu thương, trang thiết bị cấp cứu tại hiện trường.
Đó cũng là điều ngành y tế cần quyết tâm làm sớm để người dân tin cậy hơn vào 115 và mỗi khi gọi đến tổng đài này sẽ được hỗ trợ nhanh nhất.
Đội ngũ trực đường dây nóng tất bật nhận các cuộc gọi khẩn cấp - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cần có trung tâm cấp cứu độc lập
Ngày 15-4, nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM bị một số thuê bao "khủng bố" khi gọi 251 cuộc, với thời lượng từ 1 giây đến 23 giây từ chiều đến khuya. Các cuộc gọi này khi tổng đài viên bắt máy đều không có nội dung, chỉ nghe tiếng... tivi.
Ngoài tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu 24/24 giờ, các tổng đài viên 115 được ví như "cái bồ đựng rác". Họ phải "chịu trận" với vô số cuộc gọi không rõ nội dung, thậm chí chửi bới, quấy nhiễu. Những cuộc gọi này gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý các cuộc gọi thật sự cần thiết cấp cứu của người bệnh khác.
Để tránh sự cố đáng tiếc như ở Quảng Ngãi vừa qua, theo tôi, các tỉnh cần phải tính toán đến việc lập một trung tâm cấp cứu 115 độc lập, tách rời khỏi bệnh viện đa khoa tỉnh. Mặt khác, cần có sự liên thông các đầu số (113, 114, 115) để khi số này có trục trặc thì cuộc gọi của người dân vẫn được kết nối đến các lực lượng chức năng tiếp nhận xử lý kịp thời.
Người đảm nhiệm công việc cấp cứu tại trung tâm cấp cứu 115 vốn chịu nhiều áp lực đè nặng. Đó là phải có chuyên môn sàng lọc ca nặng, ca nhẹ, ca phải cấp cứu khẩn. Và nếu như ở trong bệnh viện các bác sĩ khi thăm khám được tiếp xúc trao đổi trực tiếp với người bệnh để chẩn đoán, thì với các tổng đài viên mọi việc lọc bệnh đều qua giọng nói điện thoại. Điều này đòi hỏi tổng đài viên phải có cảm xúc và lường định được các khả năng xảy ra với người bệnh, để có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh mọi thứ đều quá tải.
Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, Bộ Y tế có khuyến cáo mỗi một tỉnh thành, đặc biệt tỉnh thành loại 1 trực thuộc trung ương, phải có trung tâm cấp cứu 115 trực thuộc sở y tế quản lý. Thế nhưng hiện nay chỉ mới các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... có trung tâm cấp cứu 115 được tạo cơ chế hoạt động tách biệt. Ngoài ra, các hệ thống đầu số 113, 114, 115 đều được liên thông nên hiếm có chuyện bỏ lọt cuộc gọi cấp cứu.
Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM do tác chiến độc lập nên bất cứ cuộc gọi nào đến đều có tổng đài viên bắt máy ghi nhận để điều xe cấp cứu kịp thời. Chưa ghi nhận trường hợp nào gọi mà tổng đài viên không bốc máy.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long (giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM)
115 và những nhiệm vụ quan trọng khác
Trong đợt phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM được giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận sàng lọc, tư vấn, chuyển bệnh những trường hợp nghi ngờ hoặc có liên quan từ sân bay, ga xe lửa, bến tàu, các khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế, chốt kiểm dịch và cộng đồng đến các bệnh viện. Đặc biệt, trung tâm còn kiêm nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi từ hãng taxi để sàng lọc các đối tượng cách ly chở về gia đình miễn phí. Từ đầu đợt dịch đến nay, đơn vị vận chuyển được 250 ca nhiễm, nghi nhiễm đến các bệnh viện và khu cách ly tập trung.
H.LỘC
Sớm mở trung tâm 115 riêng ở các địa phương
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-4, đại diện Bộ Y tế cho biết việc tổ chức hệ thống cấp cứu hiện nay theo quyết định 01 năm 2008 của Bộ Y tế, với nhiều mô hình khác nhau và tùy theo từng địa phương, hiện có 27 tỉnh thành chưa có trung tâm vận chuyển cấp cứu riêng. Có địa phương có trung tâm vận chuyển cấp cứu riêng như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng..., có địa phương lại giao cho bệnh viện. Lý do vì sao mô hình lại khác nhau, theo vị đại diện này là tính trên quy mô dân số, cách tổ chức của địa phương.
Trong khi đó, các địa phương có mô hình vận chuyển cấp cứu 115 thì hoạt động vận chuyển cấp cứu được hiệu quả hơn, số điện thoại 115 cũng là số điện thoại trong hệ thống quốc gia như Tổng đài trẻ em quốc gia 111, gọi cấp cứu 115...
Cuối năm 2019, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị về cấp cứu ngoại viện và đã giao một đơn vị khảo sát, lấy ý kiến các địa phương xem mô hình từng địa phương như thế nào là phù hợp, có nhu cầu tổ chức trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 tại địa phương hay không, bố trí nhân lực như thế nào... do nhân lực cho trung tâm vận chuyển cấp cứu không dễ thu xếp? Hướng tới đây, những nơi chưa có có thể mở rộng mô hình trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 riêng, thay vì dựa vào bệnh viện như hiện nay.
Tại Hà Nội, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 mỗi ngày vận chuyển cấp cứu 100-130 bệnh nhân, số này mới đáp ứng được cho khu vực nội thành, khu vực ngoại thành vẫn phải liên lạc với các bệnh viện. "Nếu bệnh viện có xe thì có thể đáp ứng, nếu bệnh viện đang sử dụng xe cho việc khác thì khó có thể đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện" - một đại diện của 115 Hà Nội cho biết.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận