Độ nguy hiểm của các món công phu trong thế giới của Kim Dung là không cần bàn cãi, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi đâu là môn võ công hài hước nhất trong thế giới võ hiệp nổi tiếng đó?
Hấp Tinh Đại Pháp
Hấp Tinh Đại Pháp là một môn nội công trông có vẻ nguy hiểm trong truyện Tiếu ngạo giang hồ. Đặc điểm của môn nội công này là hút nội lực của người khác để cho chính mình sử dụng. Quả thật là một món công phu nghe ớn ăn phải không nào?
Tuy nhiên, nhiều fan cuồng của nhà văn Kim Dung lại cho rằng Hấp tinh đại pháp có vài điểm hài hước ở… nhược điểm của nó.
Để sử dụng Hấp Tinh Đại Pháp, cao thủ phải phân tán đi toàn bộ công lực trong cơ thể không còn có chút chân khí nào. Nếu phân tán không hết hoặc là nội lực đi nhầm thì sẽ tẩu hỏa nhập ma.
Nhẹ thì toàn thân tê liệt, nặng thì kinh mạch đảo nghịch mà thăng thiên.
Thật là kỳ quái phải không nào? Võ công kiểu gì mà muốn sử dụng phải tự “xả hết” nội lực của mình.
Xả hết nội lực xong, cao thủ mới được hấp thụ nội lực của kẻ khác. Mà lúc này cao thủ còn gì nữa đâu, không khéo hút nội lực đối thủ lại bị nó đánh cho chầu ông vải thì khổ. Trong quá trình hút cũng dễ tẩu hỏa nhập ma như chơi.
Cũng phải công nhận Kim Dung đã tạo ra sự phức tạp rất logic cho môn Hấp Tinh Đại Pháp này. Bởi nếu ai cũng có thể dễ dàng sử dụng môn võ công này thì nó bá đạo quá!
Ngay cả Nhậm Ngã Hành dù tìm ra cách khắc chế nhưng cuối cùng cũng thăng thiên vì bị nội lực phản lại. Quả là kết cục bi hài!
Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Độc Tôn Công
Trong Thiên Long Bát Bộ, môn võ công do tổ sư phái tiêu dao Tiêu Dao Tử sáng tạo ra chân truyền cho Thiên Sơn Đồng Lão. Bản chất của công phu này là cải lão hoàn đồng, làm cho cơ thể trẻ lại còn nội công thì tăng tiến.
Người luyện Duy Ngã Độc Tôn Công mỗi 30 năm phải tiến hành cải lão một lần, mỗi lần lại mất thêm 30 ngày. Trong thời gian đó cơ thể sẽ tạm thời mất hết võ công, mỗi ngày đều phải uống máu tươi để điều hòa kinh mạch.
Nghe thật là ớn lạnh! Chính vì thế, môn võ này có lẽ chỉ hài ở… phần tên. Với 9 từ ghép lại, đây là một trong những môn võ có tên dài nhất trong thế giới của Kim Dung.
Di Hồn Đại Pháp
Trong Anh hùng xạ điêu, Di Hồn Đại Pháp là một môn võ trong Cửu Âm Chân Kinh, chỉ cần dùng suy nghĩ là có thể khống chế đối thủ.
Đây quả là môn võ “ảo tung chảo” mà Kim Dung đã sáng tạo ra, với kỹ năng không thua gì “Lạ Đại Phu” (Doctor Strange) trong thế giới Marvel hay các dị nhân X-men.
Chính vì ảo như thế, nên Di Hồn Đại Pháp có hạn chế là nếu tinh thần của người sử dụng bất ổn, ví dụ như bị người yêu đá, gia đình có việc, ruồi muỗi vo ve,… thì họ không thể thi triển. Nếu đối phương giữ được tinh thần trong suốt, không hề bị ngoại cảnh hay điều gì bên ngoài chi phối, thì thuật này không có hiệu lực lắm.
Nê Thu Công
Đây là môn võ ít được nhắc đến trong truyện Anh hùng xạ điêu. Nó được Anh Cô sáng tạo ra, dựa trên cách di chuyển của loài cá trạch bơi lội trong đầm. Nê Thu Công khi xuất chiêu với đối thủ khiến thân trơn trượt dị thường. “Võ cá trạch” là có thật nha quí vị!
Thần Toán Tử Anh Cô vốn tên là Lưu Anh, một quý phi trong cung Nam Đế Đoàn Hoàng gia nước Đại Lý. Lưu quý phi gặp gỡ và có tình cảm với Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông sinh ra một đứa con rồi bị Thiết chưởng Cầu Thiên Nhẫn giết chết.
Cáp Mô Công (Hàm Mô Công)
Đây là môn võ được nhiều bình chọn là mang tính hài hước nhất trong tác phẩm của Kim Dung. Nội cái cách mà Tây Độc Âu Dương Phong, người sáng tạo ra nó đặt tên và thi triển cũng khiến người ta buồn cười, bất chấp nó lợi hại ra sao.
Cáp Mô nghĩa là con cóc. Công phu này mô phỏng tư thế con cóc đang ngồi chuẩn bị nhảy. Cáp Mô Công của Âu Dương Phong chuyên lấy tĩnh chế động, toàn thân vận kình chứa thế, nén khí không phát, chỉ cần kẻ địch ra chiêu sẽ lập tức phát đòn phản kích trở lại.
Cáp Mô Công lợi hại là thế, nhưng nhiều người vẫn không ngậm được mồm khi chứng kiến Tây Độc lừng danh thi triển. Thực tế, Âu Dương Phong cũng là nhân vật bị Kim Dung “troll” khá nhiều trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu, nên người ta đồ rằng việc tác giả nghĩ ra môn võ công kỳ quái này là có lý do của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận