TS cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề có liên quan xuyên suốt từ lớp 10, 11, 12 (lấy một ví dụ như nội dung văn học yêu nước sau Cách Mạng tháng Tám thì có liên quan tới cả văn học yêu nước đầu thế kỷ, thậm chí cả ở thời phong kiên...). Đó là những tinh thần cơ bản khi ôn tập để chuẩn bị cho môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới.
Những đề thi vào ĐH, CĐ gần đây đã bắt đầu có xu hướng yêu cầu TS phân tích và so sánh giữa các tác phẩm. Đối với những đề thi như thế này, TS phải chỉ ra được những nét giống và khác nhau của các tác phẩm.
Sự so sánh giống và khác nhau ấy không phải để loại trừ như suy nghĩ thông thường của TS lâu nay mà là so sánh để thấy được sự phong phú đa dạng của các tác phẩm.
Một điểm nữa là các đề thi đã chú ý nhiều đến sự đặc sắc về nghệ thuật của các tác phẩm chứ không đơn thuần chỉ đòi hỏi nêu những vấn đề về nội dung. Đây là điều TS cần đặc biệt lưu ý.
Để làm được điều này, TS cần biết cách học thi:
TS nên học kỹ từng tác phẩm, từng văn bản trong SGK (thơ thuộc lòng, văn xuôi thì nắm chắc cốt truyện). Thông thường học sinh hay học ngược do lối học thực dụng ngày nay: các sĩ tử thường bắt đầu bằng các bài giảng của các thầy cô trước, rồi học đến các tài liệu tham khảo và không hiếm các trò không động đến văn bản (tác phẩm).
Tài liệu tham khảo cũng nhiều loại và thường viết theo hai kiểu: viết theo “đề văn mẫu” và theo cách “giảng văn”. Với sách viết dưới dạng văn mẫu cụ thể, nhiều TS do không học, không hiểu tác phẩm, đề thi thật đặt yêu cầu khác nhưng khi thi, TS cứ bê nguyên xi bài làm của đề thi mẫu vào bài làm.
Lời khuyên cho tất cả các TS là hãy học môn văn theo thứ tự ngược lại: hãy bắt đầu bằng việc học văn bản, cảm thụ tác phẩm; sau đó mới là bài giảng và là sách tham khảo...
Tuy nhiên, nếu cứ nhồi nhét quá nhiều sách tham khảo cũng không phải là uống thuốc bổ cả; bởi lẽ, văn chương mỗi tác giả một cảm nhận, tùy cảm thụ, tùy khía cạnh...
Nếu “tham khảo” nhiều quá TS sẽ không xử lý được thông tin và dễ bị loạn chiêu. Trong các sách tham khảo hiện nay, TS nên đọc các sách thiên về “giảng văn” hơn là thiên về “đề mẫu”.
Hai cuốn sách tham khảo sau đây là sách nên đọc: “Giảng văn” (nhóm tác giả) của NXB Giáo Dục và cuốn “Những bài giảng văn trong chương trình phổ thông” (Trần Đình Sử).
Sau cùng, đó là sự sáng tạo. Đề thi của Bộ GD-ĐT ra theo hướng hạn chế học vẹt, chép nguyên xi sách giáo khoa hay sách tham khảo. Văn học, giống như xếp hình - chỉ có một số mảnh có thể xếp tới trăm, ngàn hình khác nhau tùy sự sáng tạo và cảm hứng của mỗi người.
Hãy cảm nhận tác phẩm bằng cảm xúc mới mẻ của riêng mình. Đặc biệt, thi Văn ở ĐH đòi hỏi phạm vi kiến thức rộng, không thể học trong một lúc. Các học sinh sắp thi ĐH còn nên chuẩn bị cho mình từ năm lớp 10 cũng chưa phải là đã đủ.
LÊ PHẠM HÙNG(Giáo viên Văn, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận