“Có phải K. không, mình là H. vừa qua Mỹ chơi, bạn T. gửi quà về cho K. nhưng do không biết mua gì và H. mang đồ đạc quá nhiều nên T. đã gửi một số tiền nhỏ nhờ H. mang về cho K”.
Tôi hơi ngỡ ngàng một chút và nhớ lại cách đây hai năm, bỗng dưng có người đến nhà tìm tôi, xưng là em họ của T., giao cho tôi một số tiền. Tôi nhận tiền và chẳng cảm thấy vui chút nào, bởi T. là một trong bốn người bạn thân cùng nhóm với tôi từ lớp 11, 12 đã lâu không liên lạc.
Tôi chẳng hiểu lý do gì T. đã gửi tiền cho tôi, nhưng trước khi về cô em họ của T. có hỏi thăm về mẹ tôi “Bà đã đỡ chưa hở chị?” khiến tôi nghĩ rằng có lẽ do biết tin mẹ tôi bệnh nên T. đã gởi tiền thăm. Tôi kể lại cho V., một người bạn thân cùng trong nhóm, nghe, V. cười: “Thì đã biết tính T. rồi mà, vả lại mày cũng đâu có cách nào để trả lại cho nó”.
Phóng to |
T. sinh ra trong một gia đình người Bắc sống kiểu đại gia đình, lúc mẹ T. mang thai T., bà nội T. tưởng rằng là con trai, không ngờ mẹ T. lại sinh ra một “vịt trời” và đó chính là lý do bà không ưa T.
Bạn bè đến nhà T. rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hai người chị gái của T. như hai cô tiểu thư, còn T. giống như con bé giúp việc nhà, tuy gương mặt xinh xắn nhưng ăn mặc quần áo xốc xếch, ống thấp ống cao, làm đủ việc trong nhà, thế nhưng lúc nào T. cũng cười dù khuôn mặt luôn có nét buồn. Tính tình T. cũng giống con trai, không biết điệu đà, ăn nói thẳng thừng, có lẽ bà mụ đã nặn sai rồi, lẽ ra T. phải là con trai mới đúng. Nhưng thật trớ trêu, vì tuy bà nội không thích T. nhất nhà nhưng cuối cùng chính T. là người cháu duy nhất còn ở lại chăm sóc bà lúc bà xuôi tay nhắm mắt, trong khi toàn bộ gia đình đều xuất cảnh sang Mỹ.
Trong lớp học, T. sống chân thật, hết mình với bạn bè. Năm lớp 11, khi cô giáo chủ nhiệm hỏi cả lớp xem bạn nào xung phong đứng ra tổ chức liên hoan tết cho lớp, T. liền giơ tay, nhóm chúng tôi há hốc miệng sững sờ nhìn T.. Chuông vừa reo, cả bọn xúm lại sạc T. một mách, T. vênh cái mặt lên, giận dỗi: “Thì tao làm một mình, đâu cần tụi bay giúp”.
Tuy nhiên, “giận thì giận mà thương thì thương” nên cuối cùng cả nhóm cũng đành về nhà xin phép gia đình để chiều hôm đó kéo nhau lên nhà một người bạn cùng làm và ngủ lại để sáng sớm hôm sau chở nhau mang thức ăn cho cả lớp liên hoan.
Sang lớp 12, tết đến, lớp liên hoan, T. lại tình nguyện nấu một nồi bò kho cho cả lớp. Tôi có nói với T.: “Nếu ngày mai tao có đi ngang nhà mày thì sẽ ghé vào chở mày đi”. Nhưng với tôi chỉ là “nếu”, nên cuối cùng khi đi ngang nhà T., tôi gặp một người bạn khác, rồi vui chuyện đi thẳng luôn, trong khi T. lại tin tưởng vào câu nói của tôi và ngồi chờ. Khi tôi đến trường không thấy T. đâu mới sực nhớ đến câu nói của mình, kể cho các bạn nghe, và cả nhóm phải xin cô chủ nhiệm đứng ra xin phép cô tổng giám thị cho chúng tôi được lấy xe ra khỏi trường để đến nhà T.
Đến gần nhà thấy T. đang bưng nồi bò kho đi bộ lên trường, cả nhóm liền chở T. đến trường. Chuyện xem như đã ổn nếu một bạn trong nhóm không buột miệng hỏi T. : “Sao mày không đem theo bát đũa thì lấy gì ăn?”. Câu nói giống như giọt nước làm tràn ly nước. T. bực bội la lên: “Thì tao khỏi ăn nữa”, rồi vùng vằng bỏ ra về. Một lần nữa, cả nhóm phải nhờ cô chủ nhiệm xin phép cho ra khỏi trường tìm T., gặp T. đang đi bộ về nhà, tất cả xúm lại năn nỉ, xin lỗi, và kết thúc bằng một trận khóc lóc sướt mướt với nhau và xí xóa tất cả.
Trong nhóm T. luôn là đứa hay làm sai mọi chuyện và thường bị cả nhóm xúm lại chỉ trích, lúc nào T. cũng chỉ cười xòa. Có ngày đi học, sau giờ tập thể dục nóng quá, T. cho luôn cả đầu dưới vòi nước, xối ướt hết đầu rồi lên lớp học, cô giáo nhìn thấy chỉ biết lắc đầu.
Trong lớp tôi chỉ nể phục T. nhất, vì bạn rất thông minh. T. rất giỏi ba môn toán, lý, hóa, nên bạn đăng ký thi vào Đại học Bách khoa. Tôi vẫn không thể nào quên, vào lúc 12g trưa hôm đó, gia đình tôi vừa ăn trưa xong, từ dưới bếp đi lên phòng khách, tôi nghe tiếng T. la lên từ xa: “Tao đậu rồi K. ơi !”, và mãi một lúc sau tôi mới thấy mặt T. xuất hiện ngay trước cửa nhà, nghĩa là mới đến cổng cư xá, T. đã không nhịn được nỗi vui mừng và la lớn rồi. Tính của T. là thế, không thể giữ được điều gì trong lòng.
Sau đó, tôi chỉ gặp T vài lần, cùng nhau đi thăm lại trường cũ, thăm cô giáo chủ nhiệm, đến nhà T. chia buồn khi bà nội T. mất.
Rồi T. xuất cảnh sang Mỹ và bặt luôn tin tức. Cả niên khóa chúng tôi có một website để trao đổi tin tức của tất cả các bạn trong cùng niên khóa trên khắp thế giới, thỉnh thoảng tôi thoáng thấy tên của T., tin tức của T. trong những email của các bạn. Một lần T. có email cho tôi hình hai đứa con, rồi biến mất, không có một liên hệ nào.
Vì thế, lần trước khi nhận tiền, tôi email cám ơn T. nhưng kèm theo lời phàn nàn, tôi rất buồn, vì đáng lẽ nếu T. có lời hỏi thăm, sẽ làm tôi vui nhiều hơn. Lần này, sau khi nhận tiền, tôi kể lại chuyện cho một người bạn thân trong nhóm khi xưa, và đùa: “Lần trước đã bị tao chửi một mách mà vẫn không chừa, vẫn tiếp tục gởi tiếp”, cô bạn tôi phì cười “T. là thế đấy!”.
Trước đây tôi có xem một phim bộ Hàn Quốc, cô gái trong phim rất tốt, cô rất thương người bạn có hoàn cảnh nghèo hơn mình, cô chia sẻ mọi thứ cho bạn, mỗi khi mua áo mới cô đều tìm cách mua thêm một cái nữa cho bạn, nhưng bạn cô không nghĩ thế, bạn cô lại cảm thấy bị tổn thương vì thấy mình trở nên đáng thương hơn trước mặt cô, và từ đó đã sinh ra sự thù hận cô. Và tôi đã cảm nhận được một điều, rằng khi muốn chia sẻ với ai cần phải chú ý đến cảm nhận của người nhận. Từ lâu tôi đã đọc được câu: “Của cho không bằng cách cho”. Như thế sự chia sẻ, món quà tặng mới có đầy đủ ý nghĩa.
Không biết hiện nay T. sống thế nào, nhưng tôi nghĩ với tính cách như thế, T. sẽ luôn phải làm thật nhiều nhưng nhận không được bao nhiêu, luôn phải hi sinh cho người khác. Nhìn bên ngoài sẽ thấy T. thật là vất vả và chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng dù sao, có lẽ điều quan trọng nhất là T. cảm thấy thế nào, T. có cảm thấy mình hạnh phúc không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận