Tôi không biết những năm tôi còn là một đứa con nít, ở vùng miền khác có món thịt heo muối bó mo cau - một cách để dành thịt heo tươi - như ở xứ của tôi không.
Chỉ biết rằng hễ Tết đến mà không có mấy bó thịt bó mo cau của ba treo lủng lẳng trên chạn bếp, để dành luộc ăn dần đến hết rằm tháng giêng, thì cái Tết của những năm tháng tuổi thơ tôi sẽ vô vị biết bao.
Trong trí nhớ non nớt của tôi, ba má tôi lo Tết từ rằm tháng mười. Cứ qua rằm tháng mười, các nhà trong xóm tôi lại rủ nhau hùn tiền đặt cọc một con heo cỏ của một nhà trong xóm nuôi thịt. Heo cỏ nuôi để ăn Tết chỉ ăn rau lang nấu với cám và chuối cây nên thịt rất chắc và thơm.
Cứ bốn nhà là chung nhau chia một con heo, mỗi nhà là một đùi (1/4 con heo). Nhà tôi hay có khách đến thăm Tết nên ba tôi thường chia hai đùi là nửa con.
Má tôi hay càm ràm, còn nhiều thứ phải sắm Tết chớ đâu chỉ có thịt; ba tôi cười, thôi kệ mỗi năm có một cái Tết, cứ bó mo cau để đó, bà con tới thăm gặp bữa có cái để mời, với để dành cho sắp nhỏ ăn, đi đâu mà thiệt.
Bao giờ cũng vậy, cứ chiều 29 Tết là xóm tôi mổ heo ăn Tết. Đám con nít tụi tôi rất thích thú khi được người lớn sai chạy làm mấy việc vặt và chờ để được ăn cháo lòng heo sau khi chia thịt cho mỗi nhà xách về.
Một phần cho mỗi nhà có cả xương, thịt và một cái chân giò. Xương và chân giò, má tôi cho vào hầm để dành nấu canh ba ngày Tết. Riêng thịt heo, ba tôi để bó mo và đây là phần làm nên cái Tết đầy ắp hương vị của bếp nhà tôi.
Trước ngày mổ heo, má tôi lấy mớ mo cau cất trên giàn bếp từ giữa mùa hè đem xuống rửa sạch cho mềm ra để dễ bó thịt.
Mớ lạt tre chẻ gói bánh tét, ba cất lại một nắm để dành bó thịt. Ba sai tôi cạo vỏ mớ củ riềng và lột tỏi để riêng. Giã riềng là việc mà tôi ghét nhất vì củ riềng rất cứng, khó giã nát nên tôi hay viện cớ này cớ nọ để không phải làm.
Ba tôi rửa thịt bằng nước muối loãng, rồi dùng dao sắc phổ thịt ra thành từng khổ cỡ hai ngón tay người lớn và dài chừng một gang tay rồi để riêng ra cái rổ tre ghếch trên cái chậu đồng cho rỏ hết nước.
Sau khi cho mớ riềng vào cái cối đá giã nát, ba trộn riềng, tỏi đã giã với muối sống rồi xát vào từng miếng thịt đã khô ráo. Cứ vậy cho đến hết mớ gia vị và rổ thịt heo. Mớ mo cau tôi đã lau bằng khăn sạch và nắm lạt tre đã để chờ sẵn một bên.
Ba lật cái nia, lót mo cau xuống nia và cho vào mỗi mo chừng sáu khổ thịt xếp chồng lên nhau. Ba cẩn thận thắt từng nút lạt không để hở để bọn ruồi không thể đột kích vào mo thịt thơm nức mùi riềng, mùi tỏi kia. Ba cột túm hai đầu rồi thêm một nút lạt treo một đầu lên bên trái cái chạn bếp, phía dưới có hứng cái chậu để nước muối ướp thịt rỉ ra.
Món thịt bó mo của ba chỉ hai ngày sau là ăn được. Mỗi bữa ăn, má sẽ sàng mở một bó thịt, lấy ra hai, ba miếng thịt, rửa sạch mớ gia vị và cho vào nồi luộc. Chỉ cần má cho thịt vào nồi nước sôi thôi, tôi đã nghe mùi thơm tỏa khắp gian bếp.
Cái mùi thơm của món thịt heo bó mo cau của ba tôi lạ lắm, tôi đã nếm qua rất nhiều món ngon nhưng chưa và không bao giờ tôi có thể tả đúng cái vị thơm riêng có của món thịt heo bó mo cau của ba tôi - có lẽ vì tôi là con gái của ba nên thiên vị ba mình chăng?
Nhưng thú thật, bao nhiêu cái ngon, cái béo và mùi thơm riêng có của những mùa Tết thời thơ ấu như dồn hết vào món thịt bó mo cau của ba tôi mất rồi.
Cho dẫu thịt ngâm nước mắm, thịt xíu, rồi thịt kho tàu hay bất cứ món thịt nào khác tôi đã làm cho những mùa Tết sau này khi ba khuất bóng thì vẫn không tìm được mùi thơm đặc biệt của món thịt mà ba tôi đã làm.
Trong khi chờ thịt chín, má sai tôi ra vườn nhổ mấy cây xà lách, mớ cải con, ngắt mấy ngọn tần ô, rau húng và mớ ngò rồi đem vào rửa sạch. Giã thêm chén mắm ớt tỏi và nhúng ràng bánh tráng gạo là cả nhà quây quần bên mâm ăn với món bánh tráng cuốn thịt heo, rau sống quen thuộc của những ngày Tết ở quê tôi.
Miếng thịt heo bó mo cau luộc chín ngả sang màu hồng đào, mỡ heo trong veo, thơm nức, chỉ nhìn thôi đã muốn ăn ngấu nghiến vì thèm, vì không chờ đợi được nữa.
Trong khi chúng tôi ăn như tằm ăn lên, một loáng mà hai đĩa thịt đầy có ngọn đã vơi thì ba tôi vẫn ngồi từ tốn, chậm rãi ăn từng miếng một, như muốn thưởng thức hết cái ngon của món ăn mà mình đã bỏ công chăm chút.
Mấy ngày Tết, nhà tôi hay có khách đến thăm. Khách là bà con trong họ tộc - vì ba tôi là trưởng tộc - nên món thịt bó mo cau của nhà tôi luôn được việc.
Cứ hễ khách đến thăm ở nhà trên thì nhà dưới má tôi bắc bếp luộc thịt, rồi hái rau trong vườn làm món bánh tráng cuốn thịt heo đãi khách.
Ai được mời ăn món thịt heo bó mo của nhà tôi cũng đều tấm tắc khen thịt ngon và có vị rất lạ. Dù món thịt heo cuốn bánh tráng là món ăn đã quá quen thuộc với người dân xứ Quảng quê tôi.
Từ khi ba ngã bệnh rồi về với tổ tiên ông bà, mỗi năm Tết về, bếp nhà tôi vắng bóng những mo thịt treo lủng lẳng bên chạn.
Xóm tôi cũng không còn cảnh mổ heo chia nhau ngày giáp Tết để đám con nít tụi tôi chờ đợi được ăn món cháo lòng. Chúng tôi lớn lên, rời xa xóm nhỏ đi học, đi làm rồi vào đời. Mỗi đứa một phương. Thỉnh thoảng gặp nhau lại nhắc nồi cháo lòng của những cái Tết thời thơ ấu và nhớ về xóm cũ.
Riêng tôi, hình ảnh đọng lại trong tôi của những cái Tết ngày xưa cũ là bóng ba ngồi cặm cụi ướp thịt rồi cẩn trọng bó từng mo thịt để chúng tôi có những bữa ăn ngon ướp đầy hương vị thương yêu của tình phụ tử. Tôi nhớ ba và thèm được ăn lại món thịt bó mo cau của ba. Bao giờ trở lại ngày xưa?
"Món Tết quê nhà" cảm ơn gần 1.000 bạn đọc đã gửi bài
Cuộc thi Món Tết quê nhà là nơi bạn đọc báo Tuổi Trẻ chia sẻ những bí quyết về các món ăn truyền thống ngày Tết, cũng là cơ hội cho những người con xa quê được dịp chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết, những câu chuyện đón Tết, ký ức sum họp ấm áp, mâm Tết xa quê của bạn...
Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 bài dự thi từ bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc. Các bạn không chỉ viết về những câu chuyện thú vị quanh mâm cơm Tết, những món ăn tình thân sum họp gia đình, những món ăn "bắt buộc" phải có trong mâm cơm ngày Tết của từng vùng miền, những món ăn đặc trưng... mà còn từ đó nói lên tâm tư về ngày Tết quê mình qua ẩm thực.
Do khuôn khổ của cuộc thi, ban tổ chức chỉ có thể chọn số lượng bài nhất định vào sơ khảo để ban giám khảo (gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên báo Tuổi Trẻ, ông Trịnh Đình Lê Minh - đạo diễn phim Mùi hương nước mắm, Chung cư của tôi, Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình…) chấm xét giải.
Tác giả và tác phẩm đoạt giải cuộc thi sẽ được công bố trên giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023. Các bài sơ khảo sẽ được in thành sách để tặng miễn phí cho các bạn có bài được đăng tải, là món quà xuân của báo Tuổi Trẻ gửi tặng bạn đọc trong các hoạt động của báo.
Lễ trao giải Món Tết quê nhà, ra mắt giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân, ra mắt sách Món Tết quê nhà dự kiến diễn ra vào ngày 31-12-2022 tại Đường sách TP.HCM. Sự kiện này chào đón các bạn đọc của Tuổi Trẻ, nhất là các bạn đã gửi bài đến cuộc thi. Ban tổ chức cảm ơn bạn đọc đã hưởng ứng để cuộc thi thành công tốt đẹp.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận