Môn sử đứng cuối danh sách lựa chọn

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT - Theo quy định, ngày 7-5 chốt môn thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Tuy tỉ lệ lựa chọn môn thi tốt nghiệp của HS có sự khác biệt giữa các trường vùng nông thôn và thành phố, nhưng một điểm giống nhau là môn lịch sử luôn đứng cuối bảng lựa chọn của HS.

QrAuPGgP.jpgPhóng to
Theo số liệu thăm dò của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, Trường THPT Khai Trí chỉ có 2 HS chọn thi tốt nghiệp môn lịch sử. Trưa 6-5, lãnh đạo trường này cho biết có thêm 1 HS đăng ký thi môn lịch sử - Ảnh: Đoàn Cường

Tại một số trường có tỉ lệ đăng ký các môn thi tự chọn lịch sử, địa lý thấp đến thời điểm này đã có kế hoạch mở riêng lớp, tăng cường tiết để ôn thi cho HS của mình. Cụ thể như Trường THPT Dân tộc nội trú Lâm Đồng, toàn trường chỉ có 10/149 HS đăng ký môn sử, 15/149 HS đăng ký môn tiếng Anh. Theo thầy Lê Đức Lợi - hiệu trưởng nhà trường, ngoài các tiết học bình thường, những HS đăng ký các môn này sẽ được trường mở lớp ôn thi riêng và tăng cường một tuần bốn tiết. “HS đăng ký ít cũng phải mở lớp ôn luyện cho các em, miễn sao đảm bảo kiến thức để các em đạt kết quả tốt cho kỳ thi sắp tới” - thầy Lợi cho biết.

Một HS: vẫn mở lớp...

Ôn tập... tại nhà

Tại Khánh Hòa, trường THPT có ít HS chọn môn lịch sử nhất là THPT Lê Thánh Tôn (TP Nha Trang) chỉ có một HS và THPT Trần Quý Cáp (thị xã Ninh Hòa) có hai HS. Ông Nguyễn Minh Kỳ - hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn - cho biết: “Do chỉ có một HS chọn thi môn sử nên nhà trường bố trí giáo viên hướng dẫn cho em ôn tập ở nhà chứ không xếp thời khóa biểu trên lớp. Môn sử em ôn tập ở nhà, còn các môn khác lên lớp ôn tập với các bạn. Và khi tổ chức thi thì cũng bố trí em thi một mình một phòng”.

Tương tự, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Đà Lạt) chỉ có bốn HS đăng ký môn thi lịch sử, nhưng nhà trường cũng mở lớp ôn thi riêng dành cho các em này từ nay đến cuối tháng 5. Tại Trường THPT Thăng Long (TP Đà Lạt) có 298 HS, chỉ có chín HS chọn môn lịch sử và 14 HS chọn môn địa lý. Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng nhà trường, cho biết các lớp có tỉ lệ HS đăng ký cao sẽ vẫn học ôn bình thường tại lớp. Riêng các lớp có HS đăng ký môn sử, địa rải rác sẽ được nhà trường gom lại và mở lớp ôn thi 3 tiết/tuần. “Dù là trường chuyên nhưng do kỳ thi này có nhiều điểm mới nên không thể không lo lắng. Hiện tại, trường phải tập trung cao độ cho công việc ôn thi, giúp các em tự tin với kiến thức đã được ôn luyện trước khi bước vào kỳ vượt vũ môn” - cô Dung cho hay.

Trong khi đó, Trường THPT Diên Hồng (Đà Nẵng) có tổng số 40 HS nhưng không có HS nào chọn thi môn lịch sử, môn địa lý có bốn HS, ngoại ngữ có 10 HS. Trường THPT Khai Trí có hai HS thi môn lịch sử, ngoại ngữ chỉ có một HS chọn. Tại Trường THPT Khai Trí, các giáo viên của trường đang tập trung ôn thi tốt nghiệp cho HS. Theo cô Nguyễn Thanh Hương - phó hiệu trưởng Trường THPT Khai Trí, đáng lý môn tiếng Anh không có HS nào của trường chọn thi vì nhiều năm qua thi môn này điểm thấp, các em không nắm vững nên rất ngại. Ngay cả HS có ý định thi ĐH khối A1 cũng không dám đăng ký thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, đến giờ cuối thì HS này mới xin đổi. Cũng như môn lịch sử, ban đầu chỉ có hai HS đăng ký, giờ cuối mới có thêm một em nên trường đang điều chỉnh lại với Sở GD-ĐT vì ngày 7-5 mới hết hạn. Cô Hương cho biết thêm lớp ôn toán, văn 39 HS cũng có một giáo viên/lớp dạy thì các môn thi tốt nghiệp như lịch sử, tiếng Anh dù chỉ có 1-3 HS nhà trường vẫn đảm bảo một giáo viên đứng dạy ôn cho HS, với phương châm dù một HS nhà trường vẫn ôn tập cho các em. “Ngay tôi là giáo viên dạy tiếng Anh thấy các em ít chọn thi thì cũng buồn, nhưng phải tôn trọng quyết định của các em chứ” - cô Hương chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Minh Hùng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết sở đã yêu cầu các trường tập trung ôn tập các môn thi tốt nghiệp và ĐH, chú ý các môn tự chọn có cấu trúc đề mới như ngoại ngữ, ngữ văn. Ông Hùng cũng cho rằng không nên đồng nhất việc HS chọn thi môn lịch sử thấp nghĩa là môn này bị xem nhẹ. HS phải có sự lựa chọn của mình để phù hợp với khả năng, với khối thi ĐH của các em.

HS vùng ven nghiêng về sử, địa

Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết các trường THPT đã có thống kê sơ bộ HS đăng ký các môn tự chọn thi tốt nghiệp. Môn vật lý, hóa học là những môn có tỉ lệ học sinh đăng ký nhiều nhất, tiếp đến mới là môn sinh học và tiếng Anh. Đa số trường vùng ven chọn thi môn lịch sử, địa lý nhiều như: THPT Thới Lai (Q.Ô Môn) có 84 HS chọn lịch sử, 232 HS chọn địa lý; Trường THPT Thuận Hưng (Q.Thốt Nốt) có 115 thí sinh dự thi tốt nghiệp thì có 92 HS đăng ký môn địa lý, 23 HS chọn môn sử... Trong khi đó, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng có số HS chọn thi môn sử thấp với chín HS, địa lý 17 HS. Các trường tư thục như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quốc Văn và Thái Bình Dương không HS nào chọn môn lịch sử.

Theo đánh giá của cô Lê Thị Thùy Dung - trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, việc hầu hết HS chọn các môn khoa học tự nhiên cũng tùy theo đặc điểm của vùng, ở trung tâm TP thì đăng ký ưu tiên về khối thi ĐH thường chọn các môn tự nhiên. Trong khi HS vùng sâu vùng xa lại ưu tiên đậu tốt nghiệp cho nên chọn các môn học thuộc lòng để dễ lấy điểm.

Không ngại ít HS

Tại Hà Nội, hiện còn hơn 20 trường THPT xin lùi thời hạn “chốt” đăng ký môn thi tới ngày 10-5, nhưng theo số liệu sơ bộ thì các môn vật lý, hóa học, ngoại ngữ cũng là những môn thi có tỉ lệ đăng ký cao nhất. Nhiều hiệu trưởng các trường THPT ở Hà Nội cho biết “môn sinh, sử đăng ký dự thi ít nhất”. Theo thầy Nguyễn Quốc Thắng - hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội), chỉ có 25 HS đăng ký thi sinh và 31 HS thi sử trong tổng số 632 HS lớp 12. Thầy Dương Văn Thuần, hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), cho biết trong số hơn 400 HS chỉ có 4% đăng ký thi sử, 10% đăng ký thi sinh. Trường THPT Trần Hưng

Đạo (TP Nam Định) cũng không có HS đăng ký môn sử và chỉ 28/529 HS đăng ký môn sinh. Theo ban giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), chỉ có hai HS đăng ký thi sử, hai HS thi địa lý...

Đa số hiệu trưởng các trường THPT ở Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... được hỏi đều cho biết “không ngại môn thi có quá ít HS”. Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Hào (Hưng Yên), cho biết: “Việc đăng ký dự thi không tập trung khiến việc tổ chức ôn tập phức tạp hơn, nhưng chúng tôi đã xác định chỉ có 1-2 HS đăng ký thi vẫn tổ chức ôn tập bình thường... Tương tự, việc tổ chức thi cũng như vậy, cứ đúng theo quy định để cử giám thị và các lực lượng tham gia tổ chức thi khác”. Thầy Dương Văn Thuần, Trường THPT Tiền Phong (Hà Nội), nhận xét: “Chúng tôi lo hơn cho những môn thi có số lượng đông thí sinh đăng ký. Vì giữa hai ca thi có đông thí sinh, việc bố trí để các thí sinh chờ đợi tới giờ thi là vấn đề phải nghĩ. Không thể để thí sinh đứng ngoài trời nắng nóng mà cần phải bố trí phòng nghỉ, phải quan tâm tới số đông thí sinh đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các em. Còn những môn thi chỉ có vài chục thí sinh hoặc ít hơn nữa cũng không đáng ngại. Càng ít thí sinh thì việc thực hiện các quy định của kỳ thi càng thuận lợi”.

* Khánh Hòa: Theo Sở GD-ĐT Khánh Hòa, toàn tỉnh có 11.424 HS THPT và 1.133 HS giáo dục thường xuyên (chưa tính thí sinh tự do) đăng ký thi. Đối với hệ THPT, trong các môn tự chọn, số thí sinh đăng ký dự thi cao nhất là hai môn vật lý (7.831 HS) và hóa học (7.081 HS), tiếp đến là sinh học (3.357 HS), tiếng Anh (2.325 HS), địa lý (1.723 HS) và thấp nhất là môn lịch sử (479 HS). Đối với hệ giáo dục thường xuyên, cao nhất là sinh học (565 HS), tiếp đến là vật lý (540 HS), địa lý (525 HS), hóa học (446 HS) và thấp nhất cũng là môn lịch sử (190 HS).

* Đà Nẵng: Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết qua thăm dò nguyện vọng đăng ký cho thấy trong tổng số 10.748 HS có 484 HS chọn thi môn lịch sử (chiếm 4,5%), địa lý là 27,92% và ngoại ngữ 30,89%.

* Lâm Đồng: Dự kiến có 14.858 thí sinh dự thi, trong đó có 368 thí sinh tự do. Tính đến thời điểm này, ngoài hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn thì tỉ lệ đăng ký môn tự chọn cao nhất thuộc về môn hóa học, thấp nhất là tiếng Pháp, lịch sử. Cụ thể, môn vật lý 7.289 HS đăng ký (49,5%), hóa học 9.076 HS (61,08%), sinh học 4.253 HS (28,62%), lịch sử 929 HS (6,25%), địa lý (31,67%), tiếng Anh 2.852 HS (19,19%) và tiếng Pháp 7 HS (0,05%).

* Nam Định: Theo Sở GD-ĐT Nam Định, tỉ lệ đăng ký môn vật lý là 72,29%, hóa học 72,19%. Chỉ có 4,33% HS đăng ký dự thi môn lịch sử và 14,3% đăng ký thi môn sinh.

* Hưng Yên: Chỉ có 7,1% trong tổng số 12.100 HS đăng ký dự thi môn lịch sử. Trong số 37 trường của tỉnh này, có hai trường không có HS đăng ký dự thi lịch sử và sinh. 76,8% HS đăng ký môn hóa học, 59,5% đăng ký môn vật lý.

* Cà Mau: Ông Cao Minh Hồng - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau - cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới trên địa bàn có 6.800 HS hệ THPT và 670 HS hệ giáo dục thường xuyên tham gia đăng ký dự thi. “Thông tin ban đầu chúng tôi nắm được thì các em đăng ký dự thi các môn tiếng Anh và lịch sử thấp hơn các môn khác”- ông Hồng nói.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên