18/11/2015 09:51 GMT+7

Môn sử có bị khai tử? Nếu là học sinh, tôi cũng chán!

VĨNH HÀ ghi (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
VĨNH HÀ ghi ([email protected])

TT - Môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đang bộc lộ rất nhiều bất cập dẫn tới tình trạng học sinh chán học sử. Có phải vậy không?

Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM trong giờ học môn sử - Ảnh: Như Hùng
Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM trong giờ học môn sử - Ảnh: Như Hùng

Đây là điều cần được nhìn nhận thẳng thắn để thay đổi, nếu muốn quyết liệt thay đổi. Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của người trong cuộc xung quanh cuộc bàn cãi với những ý kiến trái chiều về câu chuyện tích hợp hay độc lập môn học lịch sử trong chương trình giảng dạy.

Chương trình giảng dạy môn lịch sử từ trước đến nay đã quá thiên về nội dung giáo dục chính trị tư tưởng mà xem nhẹ tính khoa học và tri thức lịch sử. Việc thay đổi chương trình theo kiểu tích hợp sẽ không cải thiện được tình trạng dạy và học sử như xã hội bức xúc lâu nay

TS NGUYỄN THỊ HẬU

* Cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên lịch sử bậc THPT, Hải Phòng):

Học sinh học đối phó

Áp lực phải dạy đúng, dạy đủ chương trình khiến cho giáo viên và học sinh đều vất vả. Vì môn lịch sử dày đặc sự kiện, số liệu phải ghi nhớ. Nếu năm nào lịch sử không phải môn học thi tốt nghiệp THPT thì tâm lý của nhiều học sinh là buông bỏ để tập trung cho các môn học khác.

Còn những năm môn lịch sử là môn thi THPT thì hai tháng sau cùng của năm học, giáo viên phải cùng học sinh chạy đua với thời gian. Giáo viên phải làm đề cương theo dạng hỏi đáp cho học sinh học thuộc lòng làm sao để có điểm tốt.

Cách học đối phó như thế diễn ra nhiều năm rồi. Nhiều khi cũng thấy buồn. Nhưng đó là tình hình chung.

Những giáo viên tâm huyết thì cố tìm tòi các câu chuyện bên ngoài sách giáo khoa, những câu chuyện gắn với thời sự cuộc sống hiện nay để kể cho học sinh.

Thường những tiết “kể chuyện lịch sử” như thế các em rất thích. Thích không phải vì cần để đi thi mà thích vì nó nhẹ nhàng, không áp lực, không phải ghi nhớ. Nhưng không phải ai cũng tâm huyết được trong bối cảnh môn lịch sử chỉ là môn phụ.

* Cô Hà Thu Thủy (giáo viên THCS, Hà Nội):

Nhiều học sinh thích lịch sử

Tôi thấy nói học sinh chán ghét học lịch sử là nói oan cho học sinh. Vào những tiết học thử nghiệm dạy học với các thiết bị trình chiếu, sử dụng tư liệu hình ảnh sinh động, hoặc các tiết học yêu cầu học sinh tự tìm tài liệu, trình bày theo nhóm trước lớp, các em rất hào hứng. Có những nội dung, câu chuyện do các em sưu tầm cô giáo cũng phải ngạc nhiên.

Trong lớp tôi cũng có những học sinh tỏ ra rất yêu thích lịch sử. Đó là những em được bố mẹ thường cho đi tham quan bảo tàng, mua sách về danh nhân, sách lịch sử đọc. Khi tôi hỏi các em về những câu chuyện lịch sử gắn liền với các di tích lịch sử, danh lam ở Hà Nội, các em nắm rất tốt.

Điều đó chứng tỏ học sinh chán học sử theo lối cũ, theo nội dung không được đổi mới chứ không quay lưng với lịch sử. Vì thế tôi nghĩ, môn sử độc lập hay tích hợp không phải vấn đề nên bàn mà điều đáng quan tâm là nội dung dạy học như thế nào để học sinh không sợ học.

* PGS.TS Kiều Thế Hưng (ĐH Sư phạm Hà Nội):

Chán do thầy dạy tẻ nhạt

Có quan điểm cho rằng học sinh chán học lịch sử vì khó kiếm việc làm. Nhưng trên thực tế, có những lĩnh vực nhận thức không chịu sự chi phối của một nghề nghiệp nào.

Người ta có thể thích nhạc, thích thơ dẫu nghề nghiệp không liên quan đến thơ, đến nhạc. Người thích đọc truyện, xem phim cũng có thể không theo nghiệp viết văn. Sự hấp dẫn của môn học không phải lúc nào cũng lệ thuộc thụ động vào mục tiêu nghề nghiệp cụ thể.

Một giờ dạy sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn được xem là tiêu chí cơ bản của việc dạy học lịch sử. Trên thực tế có nhiều thầy dạy đúng, dạy đủ, nhưng tẻ nhạt, kém hấp dẫn, sinh động.

Trong những giờ học như thế, học sinh buộc phải học chứ không phải khao khát, hứng thú. Mà khi không hứng thú thì giá trị lịch sử không còn ý nghĩa vốn rất cao đẹp của nó.

Điều đó giết chết niềm say mê, sáng tạo không những của học sinh mà còn của chính những người thầy dạy lịch sử. Người thầy dạy lịch sử giỏi bây giờ không chỉ là người nắm kiến thức lịch sử mà phải là người giỏi kỹ năng sư phạm. Muốn thế phải đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đào tạo giáo viên lịch sử.

Chúng ta đã xem nhẹ tính khoa học và tri thức lịch sử

Theo tài liệu của Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (hội thảo Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học lịch sử tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội), môn lịch sử được tích hợp trong một môn học có tên công dân và Tổ quốc mà dự thảo chương trình giáo dục phổ thông xác định là một trong bốn môn bắt buộc thuộc lĩnh vực đạo đức - công dân, nhưng xuất phát từ yêu cầu giáo dục chính trị tư tưởng.

Đây chính là điều mà tôi lo ngại, bởi vì chương trình giảng dạy môn lịch sử từ trước đến nay đã quá thiên về nội dung này mà xem nhẹ tính khoa học và tri thức lịch sử: chương trình và sách giáo khoa không toàn diện các lĩnh vực của lịch sử xã hội, lịch sử chiến tranh thì nặng về những đánh giá, nhận định chính trị, hạn chế nhiều kết quả nghiên cứu mới và một số sự kiện lịch sử quan trọng không được đưa vào giảng dạy... Môn lịch sử không phải là môn chính thường xuyên thi tốt nghiệp phổ thông nên trên thực tế từ lâu lịch sử đã trở thành một môn học phụ.

Việc tích hợp môn sử với hai môn học có mục tiêu cụ thể khác nhau sẽ càng làm cho môn lịch sử xa rời mục tiêu quan trọng là trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức lịch sử như một khoa học.

Không thay đổi quan điểm về môn học này thì việc thay đổi chương trình theo kiểu tích hợp cũng không cải thiện được tình trạng dạy và học sử như xã hội bức xúc lâu nay, mà có thể còn làm cho lịch sử biến mất trong tâm thức học sinh mặc dù vẫn có những giờ học “môn sử”.

TS NGUYỄN THỊ HẬU
(phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN)

Kỳ tới: Học sinh yêu thích môn sử, nếu...

VĨNH HÀ ghi ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên