23/01/2014 10:35 GMT+7

Món quà cuộc sống

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Cuối hành lang bộ môn giải phẫu học có một căn phòng nhỏ đậm mùi formol, mấy chiếc tủ chứa tro cốt và xương người. Một người đàn ông nhỏ bé kính cẩn thắp nén nhang lên chiếc bàn thờ kê trong căn phòng. Mùi thơm của nhang và nụ cười nhân hậu của ông khiến căn phòng trở nên ấm áp.

ZNERQp32.jpgPhóng to
Ông Đỗ Thành Nhân bắt đầu ngày làm việc bằng nén nhang dành cho những người đã hiến thi hài cho khoa học - Ảnh: Ngọc Nga

Đã bao nhiêu năm nay, ông Đỗ Thành Nhân, đội trưởng đội tiếp nhận và xử lý thi hài của bộ môn giải phẫu học Trường đại học Y dược TP.HCM, đều bắt đầu ngày làm việc của mình từ một nén nhang thắp cho những người đã khuất như thế. 16 năm gắn bó với nghề, tiếp nhận và xử lý hơn 500 thi hài, với ông Nhân đó là một hành trình nếu không có chữ tâm thì khó khiến ông đi nổi.

Hành trình cần chữ tâm

Là người Sài Gòn nhưng sau khi đi bộ đội về, ông lấy vợ ở Tây Ninh và sinh sống luôn tại đó. Ông Nhân không bao giờ nghĩ mình lại gắn bó với nghề này mặc dù cha ông và người cậu ruột lúc đó đang làm ở bộ phận tiếp nhận thi hài của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TP.HCM. Một ngày, người cậu kêu ông Nhân xuống Sài Gòn làm việc cùng vì chẳng tuyển được ai chịu gắn bó với công việc này. Có khi tuyển được một vài người là người ta lại bỏ đi vì không chịu được cái nghề cực khổ mà thu nhập lại bèo bọt. Ông Nhân xuống Sài Gòn làm công việc tiếp nhận và xử lý thi hài nhưng chỉ nghĩ làm tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt giúp người cậu. Thế nhưng như một cái nghiệp vận vào thân, ông lại gắn bó với nghề này đến nay đã 16 năm trời.

Đội tiếp nhận gồm tám người nhưng công việc không lúc nào ngơi nghỉ và không có giờ giấc nhất định. Những cuộc gọi đến từ lúc nửa đêm báo người hiến vừa qua đời là chuyện bình thường. Bất kể gió mưa, đêm hôm khi nhận được điện thoại là đội tiếp nhận lập tức lên đường đi ngay để tiếp nhận thi hài cho kịp thời gian.

Trong những năm tiếp nhận thi hài, ông Nhân nhớ nhất là những chuyến đi miền Tây để nhận xác. Đó là những chuyến đi cực khổ vì đường sá xa xôi, khó khăn. Gần đây nhất, đội tiếp nhận nhận được điện thoại của gia đình báo người hiến thi hài đã qua đời ở Long Xuyên (An Giang). Mấy anh em trong đội tiếp nhận mặc trời mưa gió nhanh chóng lái xe đi. Tới nơi, cơn lũ đã làm con đường vào nhà người hiến bị chia cắt, chiếc xe bị sục bùn không thể nhúc nhích gì được. Tối hôm đó, anh em ngủ trong xe mà lòng bồn chồn nóng ruột vì sợ thời gian qua đi không kịp đưa thi hài về trường xử lý. Ngủ không được, mọi người bàn nhau đốt đuốc lội ruộng đi mấy cây số vào nhà. Sau đó chính ông Nhân không ngần ngại cõng xác băng đồng, trèo qua mấy cây cầu khỉ mới ra đến xe. Lúc về đến xe thì trời cũng vừa tang tảng sáng, anh em người đầy bùn đất, mệt đến nỗi không nói nên lời. Thế nhưng chẳng ai nghỉ tí nào mà vội vã đưa chiếc xe thoát khỏi vũng lầy để trở về trường cho kịp thời gian bảo quản thi hài. Tuy vậy, cũng như ông Nhân, những người làm công việc tiếp nhận và xử lý thi hài ít ai thôi việc. “Làm nghề này nếu không có chữ tâm thì khó lòng làm được, khi đặt chữ tâm vào đó rồi thì chẳng ai muốn rời xa công việc mình đang làm, còn cuộc sống biết thế nào là đủ, có cơm ăn áo mặc là đủ rồi”- ông Nhân giải thích.

Bây giờ con trai ông Nhân, anh Đỗ Ngọc Điệp, cũng theo nghiệp cha. Sự lựa chọn của anh khiến ông đôi lúc thương con đến ứa nước mắt vì nghề này không thể sung sướng được như người ta. Nhưng nghĩ đến những suy nghĩ trong tâm mình, ông tự nhủ chắc con trai cũng có suy nghĩ như mình về nghề này nên đã lựa chọn.

mM02iuTb.jpg
Thầy trò Trường đại học Y dược TP.HCM tri ân những người hiến thi hài cho khoa học - Ảnh: Ngọc Nga

Trân trọng những món quà!

Với ông Nhân, thi hài của người hiến là một món quà vô giá mà họ dành tặng cho cuộc sống này. Không chỉ thân thể họ rất quý giá mà để đi đến quyết định hiến thi hài, mỗi người đều phải có lòng can đảm để vượt qua được những định kiến, có lòng kiên trì để thuyết phục gia đình, có đức hi sinh để mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho người khác. Nhiều năm trong nghề, ông đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về sự hi sinh của người hiến thi hài và gia đình của họ. Đó là khi một người cha thiệt mạng vì tai nạn giao thông, những người con đã sẵn sàng bỏ qua cho người gây ra tai nạn, không thưa kiện để thi thể cha không phải mổ pháp y. Họ không lo sợ cha bị đau đớn mà sợ thi thể cha không đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học vì đơn vị tiếp nhận chỉ chấp nhận khi thi thể còn nguyên vẹn. Những người con hiểu được tâm nguyện thiêng liêng của cha mình nên đã gạt bỏ những thiệt hơn lại phía sau.

Vì xem thi hài người hiến tặng là một món quà quý mà họ dành tặng cuộc sống nên mỗi khi tiếp nhận thi hài, ông Nhân và mọi người trong đội rất nâng niu, trân trọng hết sức cẩn thận. Cũng vì xem đó là một món quà quý, là sự hi sinh đánh đổi của người hiến dành tặng cho cuộc sống và thầy trò trường y nên ông rất buồn khi thời gian gần đây xuất hiện những vụ lùm xùm, những biểu hiện xuống cấp của một bộ phận bác sĩ.

“Hầu hết bác sĩ đều được học từ thân thể người hiến thi hài, những người mà các em thường hay gọi là “người thầy lặng im”. Nhiều năm trong nghề, tôi chứng kiến các em sinh viên y khoa đều rất trân trọng khi nghiên cứu và học tập trên thi thể người hiến, vì vậy rất hi vọng các em sau này trở thành bác sĩ và những người đang là bác sĩ hãy nhớ điều này: đã có những người không tiếc thân mình cho các em học tập thì khi làm nghề hãy làm sao cho xứng đáng với điều đó. Khi đặt bút ký vào tờ đơn đăng ký hiến thi hài, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ để mong muốn các bác sĩ cứu được nhiều người hơn nữa, vì vậy đừng phụ lòng tin của họ, đó là cách thể hiện sự trân trọng những món quà quý ấy” - ông Nhân nhắn gửi.

Những điều cần biết về hiến thi hài cho khoa học

Tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tự nguyện đăng ký hiến thi hài cho khoa học. Người có ý nguyện hiến thi hài cần làm hồ sơ khi còn minh mẫn. Tùy theo nơi cư ngụ, người hiến có thể đăng ký làm hồ sơ tại Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khi mất, thi hài người hiến sẽ được xử lý, ướp hóa chất bảo quản để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Sau khi học xong nếu gia đình yêu cầu thì thi hài sẽ được hỏa thiêu, nếu gia đình không nhận lại tro cốt thì nhà trường sẽ giữ lại toàn bộ xương để giảng dạy. Người hiến thi hài cho khoa học là hoàn toàn tự nguyện nên đến nay chưa hề có bất kỳ chế độ đãi ngộ, quyền lợi nào dành cho người hiến thi hài.

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên