Món ngon ngày Tết cổ truyền mang theo giá trị văn hóa đặc biệt. Trong ảnh là mâm tết của một gia đình người miền Trung - Ảnh: NHƯ BÌNH
Tết là dịp bên mâm cơm đoàn viên mọi người chúc nhau an lành, thịnh vượng, vừa ôn cố tri tân, vừa thưởng thức các món ngon, vật lạ.
Ngày Tết, mâm cơm, mâm cỗ của người Miền Bắc thường có các loại giò, chả, nem, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, gà luộc, canh măng, rau nộm, thịt động, dưa chua… Ở Miền Trung làm sao thiếu được tôm chua thịt luộc, thịt heo, thịt bò ngâm mắm, giò bò, giò bê, hay Miền Nam phóng khoáng với bánh tét, tôm khô củ kiệu, thịt heo kho tàu, lạp xưởng, gà xé phay…
Các món ngon lần lượt xuất hiện trên mâm, nào giò, nào chả, nào dưa, nào thịt ngâm, nào chiên, nào xào, nào chưng, nào sốt, áp chảo… Các món khô bên cạnh dĩa gỏi, những chén súp bên đĩa salad, rồi đủ các loại bánh, mứt, chè, rau… cùng những sản vật trên rừng, dưới biển như cá, tôm, cua, ốc… Ngày thường, các đặc sản này vốn đã ngon, ngày Tết lại càng được đặc biệt chăm chút.
Bắp bò ngâm mắm và bắp bò ngâm tương là món ăn được ưa thích ngày Tết - Ảnh: TL
Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo luôn muốn tự tay mình chuẩn bị cho mâm cỗ, tự tay thắp hương gia tiên. Ngày đầu năm mới, bà tỉ phú luôn xuống bếp, tự mình trổ tài nấu các món ăn để đãi bạn bè, cộng sự… Bà Thảo cho biết điều đó, vừa như một tấm lòng thành kính với tổ tiên, vừa gợi lại ký ức ngày thời còn bé sống ở Hà Nội cùng với mẹ và bà, và là dịp trổ tài nữ công gia chánh trong ngày Tết.
Dịp Tết, Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu Đỗ Minh Toàn đưa gia đình về Phú Yên. Hai cậu con trai thường được bà nội đãi các sản vật địa phương trứ danh như bánh ít, bánh hỏi… nhưng lại lắc đầu vì đã quen với những pizza, gà rán, thức ăn hiện đại. Khoảng cách thế hệ đó nhắc tới một điều: Phong vị của Tết ngày càng da dạng, nhiều màu sắc, với những biến tấu theo nhịp sống của thời đại trong một sợi chỉ xuyên suốt lịch sử của Tết.
Hương vị Tết không chỉ gói gọn trong những nghi thức truyền thống mà còn bay xa, theo bước chân những người Việt ra bên ngoài, và các khách ngoại quốc đến Việt Nam dịp Tết.
Chả giò là món truyền thống, nhưng ngày nay được nhiều bà nội trợ sáng tạo và biến tấu để trở nên lạ miệng mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc biệt, nhất là trong các dịp lễ, tết.
Vậy là các món ăn đặc sắc ngày Tết cũng trở nên phong phú hơn. Đã có những biến tấu trong giai điệu Tết khi các món ăn mới, lạ mắt, lạ miệng được giới đầu bếp chuyên nghiệp lẫn các bà nội trợ. Bên mâm cơm đoàn viên, , những món mới được chế biến, chủ nhà mời khách: "Thử đi, ngại ngần chi".
Trong sự hối hả của những ngày Tết, các bà nội trợ hiện đại muốn dành thời gian hàn huyên nhiều hơn nên thường tạo ra những món mới nhanh, đơn giản không cầu kì mà vẫn trọn vẹn hương vị.
Cũng có những người phụ nữ luôn muốn thử những điều mới trong câu chuyện bếp núc như sáng tạo ra những món mới với nguyên liệu hay ho thay vì những món nhàm chán lặp đi lặp lại.
Chị em phụ nữ nào mà "tâm lý" chút cũng sẽ rất quan tâm đến trào lưu tốt cho sức khỏe vẫn bảo đảm sự ngon miệng, độc đáo, lạ mắt… mà vẫn nồng nàn hương Tết.
Vậy là, vừa nhâm nhi, vừa chuyện trò để rồi cả chủ lẫn khách đều tấm tắc món này "ngon ve kêu", món kia thật "quỷ khốc thần sầu", mà hương vị đó, mỗi lần nghĩ đến nhớ về lại ứa nước miếng, thèm được ăn tiếp…
Tết này bạn ăn những món nào? Hãy cùng tham gia Diễn đàn Món ngon ngày Tết trên Tuổi Trẻ Online.
Các bài viết xin kèm theo hình ảnh, video clip (nếu có), tối đa 1.000 chữ, về những trải nghiệm món ngon trong dịp Tết ở hiện tại hoặc trong ký ức. Món ngon như thế nào, cách chế biến ra sao, ăn ở đâu, với ai, có điều gì đặc biệt…
Bài viết xin gửi về email: [email protected] . Xin vui lòng ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng.
Diễn đàn do Báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của nhãn hàng Maggi, kéo dài trong thời gian 2 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận