Biệt thự 124 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã bị xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên giấy chủ quyền do UBND quận 3 cấp cho các hộ dân ở địa chỉ 3/13 Võ Văn Tần ghi là biệt thự, nhưng thực tế thì ít ai nhận ra biệt thự trên lô đất này.
Căn biệt thự chính được chia cho hai gia đình sử dụng, một phần khuôn viên biệt thự được tách ra thành thửa đất riêng, có hàng rào ngăn với biệt thự chính. Diện tích khuôn viên còn lại thì bị lấn chiếm, xây chen...
Nhà sập vì chờ phân loại biệt thự
Theo các chủ nhà nơi đây, tình trạng chia tách, lấn chiếm ở khu biệt thự trên diễn ra từ 10 năm nay và đã được cơ quan chức năng hợp thức hóa, cấp giấy chủ quyền nhà đất. Nhưng do căn nhà có nguồn gốc là biệt thự nên việc xin xây dựng mới, cải tạo đều không được.
Bà Nguyễn Thị Chung đang sử dụng một phần biệt thự số 3/13 Võ Văn Tần cho biết bà đã có đơn xin xây nhà từ năm 2017, nhưng đến nay chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Phần nhà gia đình bà Chung đang ở đã hư hỏng, rệu rã. Trong nhà, bà Chung phải căng bạt nhựa kín trần nhà để che mưa và phải dùng thau hứng nước ở những chỗ mép tấm bạt chùng xuống...
Năm 2017, bà Chung nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Phòng Quản lý đô thị quận 3 trình Sở Quy hoạch - kiến trúc (QHKT) xem xét có ý kiến về việc tháo dỡ biệt thự và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của khu đất.
Tại sao căn biệt thự là tài sản của gia đình tôi mà gia đình lại không được quyết định việc tháo dỡ, phá bỏ hay xây dựng lại?
Đại diện chủ biệt thự 124 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh
Sở QHKT cho rằng căn biệt thự trên không thuộc địa điểm các danh mục được xem xét nghiên cứu bảo tồn, nhưng nhà của bà Chung nằm trong khuôn viên biệt thự xây trước 1975 nên cần được kiểm kê phân loại. Nếu chủ nhà có nhu cầu, UBND quận 3 có thể xem xét hướng dẫn sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng.
Bà Chung cho biết nhà bà đã quá mục, tường, mái nhà có thể sụp bất cứ lúc nào trong mùa mưa nên nếu Nhà nước cho sửa theo hiện trạng thì bà cũng không biết sửa kiểu gì!
Tương tự như bà Chung, chủ căn biệt thự 124 Nơ Trang Long, phường 14, quận Bình Thạnh cũng đang mong Nhà nước cho phép tháo dỡ căn biệt thự đã mục nát của mình.
Tháng 5-2018, căn biệt thự này có dấu hiệu sắp sập nên chủ nhà đã báo với cơ quan chức năng xin tháo dỡ. Tuy nhiên, chưa kịp tháo dỡ thì căn biệt thự đã sập phần mái. Chủ nhà tháo dỡ thì bị UBND quận Bình Thạnh yêu cầu ngưng thi công đến nay. Hiện tại, toàn bộ phần mái của biệt thự này đã sập, chỉ còn lại các bức tường trống.
"Gia đình tôi đã xin chính quyền cho tháo dỡ toàn bộ căn nhà để tránh bị sập lần nữa nhưng vẫn chưa được chấp nhận" - đại diện chủ nhà cho biết.
Sẽ sớm phân loại
Theo Sở QHKT, hiện có khoảng 120 trường hợp biệt thự cũ xin được cải tạo, sửa chữa, xây mới nhưng chưa được giải quyết vì còn chờ kết quả của chương trình phân loại biệt thự.
Theo Sở QHKT, nhu cầu được xây dựng cải tạo các công trình trong khuôn viên biệt thự cũ nhằm thay thế các công trình đã hư hỏng, xuống cấp làm tăng diện tích sinh hoạt, làm việc hoặc kinh doanh, tách thửa đất là nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân. Nhu cầu này ngày càng tăng thể hiện qua số lượng hồ sơ xin sửa chữa, xây dựng gửi về sở hằng năm.
Theo nhận định của Sở QHKT, đa số những biệt thự được người dân xin xây dựng, cải tạo lại rơi vào các trường hợp như không còn biệt thự (chỉ có trên giấy tờ pháp lý, hiện trạng là lô đất trống) hoặc đã bị cơi nới, xây dựng thêm, hoặc biệt thự chia thành nhiều phần, thuộc sở hữu của nhiều người, có căn bị xuống cấp hư hỏng, không có đặc trưng kiến trúc, hoặc phần sân vườn đã bị xây chen, chia cắt...
Theo hướng dẫn, những trường hợp xin tháo dỡ biệt thự cũ thì Sở QHKT phải trình từng trường hợp để UBND TP xem xét. Từ năm 2014, UBND TP chỉ đạo những hồ sơ xin tháo dỡ biệt thự phải trình qua Hội đồng phân loại biệt thự xem xét. Tuy nhiên, hội đồng này cũng phải chờ UBND TP ban hành tiêu chí đánh giá phân loại biệt thự thì mới có cơ sở để chấm điểm, xếp loại.
TS Nguyễn Trọng Hòa - chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự - cho biết trên cơ sở những tiêu chí do UBND TP ban hành vừa có hiệu lực nói trên, hội đồng sẽ họp các thành viên, chuyên gia để chấm điểm, đánh giá từng biệt thự. Sau đó, danh sách các biệt thự theo từng nhóm bảo tồn sẽ trình UBND TP quyết định và công bố cho người dân biết.
Quyết định của UBND TP về danh sách biệt thự cần bảo tồn cũng là cơ sở để UBND các quận huyện giải quyết các quyền lợi về nhà đất của người dân. Những biệt thự nào không nằm trong danh mục bảo tồn thì người dân sẽ được xây dựng mới theo quy hoạch của khu vực.
"Trước hết, hội đồng sẽ chấm điểm và phân loại các biệt thự mà người dân có đơn xin sửa chữa, xây dựng mới để chính quyền sớm có cơ sở trả lời cho dân" - ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết.
Rất ít biệt thự thuộc diện bảo tồn
Theo Sở QHKT , UBND các quận, huyện thống kê có 1.227 biệt thự cũ. Nhiều nhất là quận 3 với hơn 800 căn, quận 1 khoảng 180 căn, quận Thủ Đức 140 căn... Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở QHKT đã kiểm kê 1.027 biệt thự. 200 biệt thự còn lại không kiểm kê được do chủ nhà không hợp tác, bị tường rào che khuất, khuất tầm nhìn...
Trong hơn 1.000 biệt thự đã được kiểm kê, hơn một nửa đã không còn biệt thự trên thực tế. Trong số biệt thự hiện còn tồn tại, chỉ có 6 biệt thự được xếp vào nhóm 1 (bảo tồn nguyên trạng), khoảng 90 biệt thự xếp nhóm 2 (bảo tồn bên ngoài biệt thự).
Những biệt thự không thuộc hai nhóm này, chủ nhà được phép xây dựng, sửa chữa theo quy hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận