Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 30-9, triều cường tại TP.HCM bắt đầu lên cao, khiến hàng loạt tuyến đường như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đường Calmette (quận 1), đường số 6 (TP Thủ Đức), đường Phạm Hùng nối dài (huyện Bình Chánh)… bị ngập.
TP.HCM: Triều cường bủa vây, từ đường lớn đến hẻm nhỏ xe cộ bì bõm lội nước
Tại đường Trần Xuân Soạn và Huỳnh Tấn Phát, từ 16h triều cường đã bắt đầu xuất hiện. Nước từ miệng cống và kênh, rạch gần đó tràn lên đường.
Đến khoảng 17h, mực nước đã dâng cao khoảng 40cm. Có điểm nước ngập cao quá đầu gối, người dân phải lội bì bõm qua lại. Nhiều hàng quán gần ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Tân Thuận phải dọn hàng hóa lên cao hoặc dùng ván gỗ "ngăn lũ".
"Năm nào cũng vậy, đến tháng tám âm lịch là ngập. Tôi bán hàng gần kênh nên phải canh nước dâng cao để dọn hàng" - ông Trí Lâm, người bán hàng trên đường Huỳnh Tấn Phát, nói.
Tại đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), nước từ rạch Cống đoạn giáp đường số 1 tràn ra ngoài gây ngập diện rộng. Các con đường, hẻm hướng vào khu dân cư Đại Phúc và lân cận bị nước ngập bủa vây.
Người dân sống khu vực này cho biết năm nào nước cũng ngập, nhưng mức độ ngày càng cao. Vì vậy nhiều nhà dân ở đây phải nâng nền để tránh ngập nặng.
Từ tháng tám, tháng chín đến Tết âm lịch, khu vực Nam Bộ và TP.HCM bắt đầu chịu ảnh hưởng của triều cường. Càng về cuối năm mức độ ảnh hưởng và đỉnh triều càng cao. Những năm gần đây đỉnh triều liên tục phá vỡ kỷ lục bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng.
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy từ năm 1980 đến 2007, triều cường đo được tại các trạm luôn dưới 1,5m. Nhưng từ năm 2008 đến nay, biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện các đợt triều cường cao, có thời điểm đạt 1,8m.
Ngoài ra, triều cường trùng với thời điểm gió đông bắc hoạt động mạnh sẽ cao hơn bình thường. Nguyên nhân do gió đẩy nước từ cửa sông vào sâu trong đất liền.
Hình ảnh triều cường chiều 30-9
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận