Đa số tín đồ mì ăn liền đều cho rằng nó tiện dụng, ngon miệng, một số người ăn liền tù tì đến mức ghiền, coi đó là thực phẩm “ruột”, không thể thiếu hàng ngày. Nó còn là biểu trưng của sinh viên xa nhà vì rẻ. Chỉ cần đổ nước sôi vô, 3 phút sau là cho vào bụng được. Nhưng sau khi cho mì ăn liền vào bụng ta được gì?
Thành phần mì ăn liền
Bột mì (98-99%), có công ty trộn thêm một ít bột ngũ cốc hoặc bột khoai tây. Có 1 gói bột nêm trong chứa muối natri clorua, monosodium glutamate (MSG) rất mặn. Cao cấp hơn một chút thì có gói sa tế (dầu cọ + gia vị tỏi, tiêu…) hoặc gói hành phi. Dầu mỡ để chiên khi chế biến mì (thường là shortening: loại acid béo trans) chiếm 15-20%.
Những phát hiện không tốt cho sức khỏe
Gọi là mì tôm để vẽ con tôm trên bao bì biểu diễn “cho vui”, chớ hầu như không có hãng nào bỏ tôm vô mì, làm gì có protein động vật trong đó! Giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền là không cân đối, vì thiếu đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi. Nói theo ngôn ngữ của bà con là ăn nhiều mì ăn liền sẽ dẫn đến “thiếu chất”.
Chưa kể nếu bạn có thói quen nêm hết gói bột nêm, thì lượng muối vào cơ thể quá nhiều, sẽ dần dần đưa bạn đến với bệnh tăng huyết áp rồi suy thận. Chất béo transfat có lợi là chống oxy hóa nên bảo quản mì được lâu, nhưng nó làm tăng cholesterol LDL là loại gây xơ vữa động mạch dẫn đến thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Các nước Âu Mỹ hiện đã cấm sử dụng loại chất béo này.
Xơi 3 gói mì ăn liền/tuần, cơ thể sẽ phản ứng ra sao?
Theo y học cổ truyền, những món chiên, rang đều gây nóng. Vì thế các bạn thấy ăn nhiều mì ăn liền trên mặt sẽ xuất hiện “những bông hoa nhỏ”. Tại sao vậy? Khi sản xuất họ chiên dầu ở nhiệt độ cao nên sợi mì giòn, bạn ăn sống, nhai phát ra tiếng kêu lốp cốp.Tuy nhiên sau khi “thanh toán” nhanh tô mì, bạn sẽ cảm thấy háo, khô miệng và uống nhiều nước. Một thời gian sau sẽ thấy nóng trong người. Bản thân sợi mì được bọc bởi transfat nên chậm tiêu, bạn ăn 2 gói sẽ thấy cảm giác ậm ạch trong bao tử. Chưa kể trong mì có chất phụ gia, hương liệu tạo áp lực cho quá trình tiêu hóa của dạ dày. Sau một thời gian ăn mì ăn liền bạn sẽ thấy ợ chua, đầy hơi và đau dạ dày.
Ngoài ra, mì ăn liền cũng chứa nhiều phosphate, một chất làm tăng mùi và vị ngon. Khi ăn nhiều phosphate sẽ làm mất cân bằng can xi, phosphor dễ gây loãng xương, răng yếu, tạo cơ hội cho sâu răng. Mới đây bà con lại chấn động khi nghe trong bột mì chứa hơi nhiều acid oxalic. Người nào ăn nhiều mì ăn liền dễ bị sỏi oxalat ở thận.
Một lời cảnh báo nữa khiến những tín đồ mì ăn liền nghe xong phát hoảng, đó là có nhiều nghiên cứu đánh giá sự độc hại của mì ăn liền, với các thành phần phụ gia như màu thực phẩm, quá nhiều muối, chất béo bão hòa… Và hầu hết các nghiên cứu đều kết luận mì ăn liền có khả năng gây ung thư nếu ăn nhiều trong thời gian dài.
Có câu chuyện ở bên Mỹ kể rằng một số người thích làm le với cộng đồng nên mua xe Lexus hay Mercedes (trả góp) về chạy cho thiên hạ biết mình đâu có thua kém ai, nếu giở cốp xe của họ ra thì thấy trong xe toàn…mì ăn liền. Chả trách ở Mỹ ung thư cũng hà rầm chứ chả riêng ở ta, có điều bên đó họ đi khám định kỳ nên được phát hiện sớm. Vì vậy, chỉ cần mỗi tuần bạn ăn 3 gói mì là ảnh hưởng đến “các cơ quan đoàn thể” trong người rồi.
Nấu mì như thế nào để bớt hại cơ thể?
Khác với cách xưa nay chúng ta vẫn làm, các chuyên gia khuyên chúng ta nấu mì như sau:
Đầu tiên luộc qua nước sôi, đến khi sợi mì chín thì đổ nước luộc đi. Nấu nồi nước thứ hai, bỏ rau vô nấu chín, tiếp đến đổ mì vào rồi tắt lửa. Sau khi tắt lửa mới bỏ 1/3 gói bột nêm vào. Bấy nhiêu là đủ, không nên cho cả gói.
Một gói mì ăn liền chỉ cho 180-190 calo, tương đương với 1 chén cơm, lại thiếu chất đạm và vitamin. Vì thế nếu muốn ăn thay bữa thì bạn cho thêm 1 trứng gà (hoặc 30gr thịt) + rau xanh mới gọi là bữa ăn cân đối về dinh dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận