03/03/2017 08:51 GMT+7

Mối tình Việt - Nhật hơn 50 năm biền biệt

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TTO - Sáng 2-3, đại gia đình cụ bà Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi) ở Đông Anh, Hà Nội tề tựu đầy đủ, riêng bà Xuân dậy rất sớm, thoa một chút phấn, chỉnh lại trang phục gọn gàng. Cả nhà đều trong niềm hân hoan vì hôm nay được diện kiến Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu.

Cụ Xuân bên những tấm ảnh của chồng - Ảnh: Hoài Nam
Cụ Xuân bên những tấm ảnh của chồng - Ảnh: Hoài Nam

Lúc chia tay, bà Xuân có ý trách yêu, bảo ông về bên đó (Nhật Bản) không nhớ gì Việt Nam. Ông Đức tỏ ra buồn lắm nói nhớ vô cùng, kể đã có lần bước chân sang địa phận Trung Quốc định về Việt Nam rồi nhưng không biết vợ con mình lưu lạc nơi đâu, nếu tất cả đều đã chết thì sẽ còn đau đớn vô cùng nên quay lại...

Bà Xuân là vợ của sĩ quan Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Đức (tên tiếng Việt). Sau Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, ông Đức là một trong những cựu binh Nhật ở lại Việt Nam cùng tham gia Việt Minh đánh Pháp giai đoạn 1945 - 1954.

Lấy ngày chia ly làm ngày giỗ

Bà Xuân người gốc ở Cầu Đất, TP Hải Phòng. Thuở trẻ, bà bán hàng ăn ở Cầu Đất và quen, yêu ông Đức từ những lần ông đến quán hàng của bà. Năm 1946 hai người lấy nhau, sau đó cùng tham gia Việt Minh. Ông Đức làm nhiệm vụ huấn luyện, còn bà Xuân làm cứu thương. Ông bà đi theo các chiến dịch từ Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa...

Đến năm 1954, hòa bình lập lại, ông Đức và bà Xuân lúc này đã có 4 mặt con (người con đầu đã mất khi còn rất nhỏ do bệnh thủy đậu). Năm đó, ông Đức nhận được lệnh quay trở lại Nhật Bản nhưng không rõ đi bao lâu, còn bà Xuân lại chỉ nghĩ đơn giản là ông Đức đi làm nhiệm vụ, chừng một hai năm sẽ quay lại mà không ngờ đó là cuộc chia ly dài đằng đẵng hơn nửa thế kỷ.

Ký ức đó được hiện thực bằng bức ảnh đen trắng chụp buổi chia tay ở thôn Phú Cốc, xã Thạch Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Bức ảnh đó có ông Đức, bà Xuân, con gái lớn, con trai cả và cậu con út vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ...

Bức ảnh này cùng với rất nhiều tấm ảnh của ông Đức thời trai trẻ, lúc về già được bà Xuân treo xung quanh chỗ nằm, nhiều tấm huy chương, bằng khen của ông Đức cũng được bà trân trọng cất giữ như báu vật.

Bà Xuân năm nay bước sang tuổi 94 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Đặc biệt, khi nhắc đến người chồng Nhật, bà tỏ ra rất hào hứng, kể lại từng kỷ niệm, không quên một chi tiết nào. Bà kể suốt 9 năm sống chung chưa thấy ông Đức to tiếng, quát nạt ai mà rất hay giúp đỡ người khác.

Trong suốt những năm đằng đẵng xa chồng, bà ở vậy nuôi con mà không có ý định tiến đến với ai khác. Sau vài năm sống ở Thanh Hóa chờ chồng nhưng chẳng thấy, bà Xuân cùng các con di cư về Hà Nội để sinh sống.

Bẵng đi thời gian dài không thấy ông Đức quay trở lại, bà Xuân nghĩ rằng chồng đã chết nên lấy ngày chia tay ở Thanh Hóa làm ngày giỗ chồng mà không thể ngờ có ngày bà còn được gặp chồng bằng xương bằng thịt.

Hội ngộ bất ngờ

Năm 2005, gia đình bà Xuân bất ngờ khi có đoàn truyền hình của Nhật Bản tới thăm đưa đến những thước phim quý giá thông tin về cuộc sống của ông Đức ở Nhật Bản. Khi nhìn thấy ông Đức qua hình ảnh phải ngồi xe lăn vì vừa qua tai biến, bà Xuân trào nước mắt vì thương.

Cùng lúc đó tất cả ký ức hờn tủi, cay đắng từ ngày chồng đi biền biệt cũng theo đó mà quay về khiến bà khóc thành tiếng. Sau đó, những cuộc gặp “gián tiếp” giữa ông Đức và gia đình Việt Nam nhiều hơn. Lần nào có người quen từ Nhật Bản sang Việt Nam ông Đức đều gửi thư, hình ảnh cho thấy cuộc sống của ông tại Nhật Bản.

Sau những lần gặp gỡ gián tiếp đó, bà Xuân ước ao có thể gặp ông Đức bằng xương bằng thịt để chụp một tấm ảnh. “Ngày ông ấy đi cả tôi và ông ấy còn trẻ, tóc còn xanh mà giờ tôi đã già thế này, chỉ mong muốn có một tấm hình chụp chung với ông ấy khi về già cho xứng đôi... Thế mà ước mong đó thành sự thật” - bà Xuân tâm sự.

Năm 2006, ông Đức về Việt Nam thăm bà Xuân cùng các con, cùng đi còn có người vợ Nhật Bản sau này của ông. Cuộc gặp sau nửa thế kỷ của cha con ông Đức chìm trong nước mắt, riêng bà Xuân không khóc được nữa. Bà bảo khó khăn đã qua mà giận hờn cũng đã hết.

Phút giây nhìn thấy ông Đức đi xe lăn bước vào cổng bà đã không còn một chút oán trách nào với ông. Ông Đức ốm yếu, ngồi xe lăn mà vẫn quyết tâm sang Việt Nam thăm lại vợ con thì đủ biết tình nghĩa của ông dành cho vợ con như thế nào.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên