Cùng câu chuyện trên, Tuổi Trẻ Online cũng đã nhận được rất nhiều bình luận, ý kiến khác của bạn đọc xoay quanh việc chồng bị vợ tịch thu lương, quản siết chi tiêu.
Muốn lì xì cha mẹ phải xin, vì vợ tịch thu lương
Ngọn nguồn câu chuyện bắt đầu từ nỗi niềm cùng đôi lần than thở của Hoàng An (đã đổi tên) với Thi là đôi bạn chí cốt.
Đó là khi Thi có thu nhập mỗi tháng không dưới 25 triệu đồng nhưng mỗi sáng được vợ phát đúng 55.000 đồng. Toàn bộ lương bị "tịch thu" về tài khoản vợ.
Với số tiền được vợ phát ấy, Thi bắt buộc phải chi li tính toán, cân đối để ăn từng ổ bánh mì, cốc cà phê đá và đôi khi chẳng dám ngồi uống nước, gặp ai, kể cả An là đứa bạn thân nối khố đã từng ăn học, sống chung và làm chung rất lâu.
Đọc câu chuyện, tài khoản bạn đọc lvng****@gmail.com hoài nghi rằng "đây là câu chuyện không thể nào có thật".
Tuy nhiên, bạn đọc DuHu lập tức trả lời: "Vậy một bạn là nữ, hai là bạn may mắn. Tôi thấy con tôi đi làm nhiều tiền mà lúc nào cũng không có tiền. Hỏi tại sao thì bảo tiền lương vào thẻ vợ giữ hết. Nản luôn đây".
Dinh chia sẻ từng về thăm cha mẹ, muốn lì xì cho cha mẹ một ít nhưng vẫn phải xin tiền vợ. "Cha mẹ rớt nước mắt với thằng con mình", Dinh viết.
Cao Thiên Bảo còn bày tỏ việc Thi được 55.000 đồng để tiêu xài mỗi ngày là quá ngon, bởi "tui sáng nay còn không được 1 đồng xu".
Hà tiện hay tiết kiệm?
Nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về đều đồng ý rằng với 55.000 đồng để chi tiêu một ngày ở TP.HCM là rất căng.
Với bạn đọc Lại Quang Tấn, việc tiết kiệm là tốt, vui hơn là người trong cuộc (Thi - PV) chấp thuận với việc này bởi đó là mục tiêu gia đình. Tuy nhiên, với 55.000 đồng thì cô vợ rất cần cân đối lại, bởi kẻo đi đường hỏng lốp xe thì rất dễ dẫn bộ về nhà đấy!
Bạn đọc Huong Tuoi cho rằng chi tiêu dè sẻn không hoang phí là tiết kiệm, nhưng chi tiêu bóp mồm bóp miệng là hà tiện. Riêng việc có tiền nhưng chẳng dám ăn, không dám uống thì thành bần tiện.
Tài khoản đọc báo Tuổi Trẻ Online quan****@gmail.com cũng cho rằng tiết kiệm và keo kiệt rất gần nhau. Từ câu chuyện trên, tài khoản này cho rằng ít ra cũng phải để quỹ dự phòng cho Thi lận lưng phòng hờ. "Nếu có thật thì tôi xin chịu, chắc chỉ mỗi anh này làm được", tài khoản quan****@gmail.com viết.
Tuy nhiên, một bạn đọc khác lại cho rằng nói gì thì vợ của Thi đã quản lý tài chính, thắt chặt chi tiêu rất tốt, bởi chỉ như thế mới có thể dành dụm mua nhà ở TP được. Phải tiết kiệm bởi không lẽ con bệnh phải chạy vạy mượn vay. "Riêng bạn bè ai giúp được thì giúp, không giúp được thì thôi, không cần khóc giùm", tài khoản này viết.
Phụ nữ quyết định tiền bạc là thiệt hại kinh tế gia đình?
Bạn đọc Nguyễn Đức Huy thừa nhận tiền bạc, tài khoản của Huy đều do vợ giữ hết, "cần gì cứ nói, vợ đưa".
Tuy nhiên, độc giả Hoàng nêu quan điểm, rằng trừ 10% chị em xuất chúng, toàn bộ các quyết định về tiền bạc được phụ nữ đưa ra đều là sự thiệt hại cho kinh tế gia đình!? "Chắc chẳng chị em nào tự nhận mình thuộc 90% còn lại đâu, nhưng sự thật thì vẫn là sự thật. Đàn ông nên tự quản lý tiền bạc cho gia đình, phụ nữ có những vai trò tuyệt vời và không thể chối bỏ họ, nhưng không phải là tiền bạc, sự hào sảng, phóng khoáng của người nam gia chủ sẽ kéo theo sự thịnh vượng chung", Hoàng viết.
Tài khoản Flam bày tỏ sự đồng tình của mình với ý kiến của Hoàng. Flam cho biết đồng tình ý kiến đó ngay cả khi mình là phụ nữ. Flam không hiểu mấy cô cứ đòi quản lý tiền bạc của chồng để làm gì?
"Theo quan sát của tôi, nhà nào tiền bạc mạnh ai người đó quản, việc lớn thì vợ chồng có tài khoản chung để giải quyết, nhà đó khá phát triển", Flam viết.
Bạn nghĩ sao về chuyện vợ/chồng thắt chặt chi tiêu của bạn đời, hay quan điểm giao tiền cho phụ nữ quản lý sẽ gây thiệt hại cho kinh tế gia đình? Những người bạn bè chí cốt có nên than thở "mất bạn rồi", hay nên ủng hộ bạn bè tiết kiệm cho những mục tiêu lớn hơn? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, ý kiến về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận