Trao đổi với sinh viên tại hội thảo Xu hướng tuyển dụng và hành trang sự nghiệp (được tổ chức tại Trường đại học Văn Lang, TP.HCM chiều 6-3), bà Phạm Thị Phương Khanh - giám đốc marketing của Navigos Group, tập đoàn lớn trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng - cho rằng 2 năm kinh nghiệm mà nhiều doanh nghiệp đòi hỏi ở các ứng viên không nhất thiết phải là 2 năm làm việc toàn thời gian (full-time) ở một công ty, tổ chức từ trước.
Thay vào đó, 2 năm kinh nghiệm ở đây là 2 năm "thực chiến", nghĩa là một ứng viên tuyển dụng có trải nghiệm thực tế về một công việc trong 2 năm là có thể đáp ứng tiêu chuẩn này. Bà Khanh nói hiện nhiều sinh viên đã chủ động đi thực tập (intern) từ năm 2, năm 3, cũng sẽ được các doanh nghiệp tính là kinh nghiệm của ứng viên khi tuyển dụng.
Ngoài ra theo bà Khanh, có một số doanh nghiệp trong tin tuyển dụng yêu cầu 2 năm kinh nghiệm nhưng vẫn để mở cơ hội cho ứng viên có tiềm năng. Trường hợp này, chỉ cần sinh viên tốt nghiệp chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình có đủ những tố chất, kỹ năng mà công ty đang cần. Nếu phù hợp, ứng viên vẫn có thể được nhận dù mới có 1 năm kinh nghiệm.
"Câu chuyện đi tìm việc quan trọng nhất là hiểu người ta cần gì và trình bày cho họ thấy mình đang có những cái họ đang cần", bà Khanh nói.
Trong khi đó, bà Lê Dương Tường Vy - giám đốc hành chính nhân sự Công ty PNJP - nhấn mạnh thực tập đúng chuyên ngành ngay trong thời gian đi học thường sẽ tạo sự khác biệt rất lớn cho các bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Không chỉ giải quyết yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, theo bà Vy, khoảng thực tập này còn có thể cho sinh viên thêm nhiều cơ hội mới. Các nhà tuyển dụng thường nhìn vào sự thể hiện của thực tập sinh, nếu đáp ứng được các kỹ năng làm việc sẽ đề xuất trở thành nhân viên chính thức.
Ngoài ra, bà Vy khuyên sinh viên chủ động tham gia vào những hội nhóm ngành mình đang học, chẳng hạn các cộng đồng những người làm nhân sự, marketing… để học hỏi thêm từ những người đi trước. Những buổi hội thảo từ các chuyên gia cũng giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm.
Đặc biệt, bà Vy lưu ý để chinh phục nhà tuyển dụng, trước hết sinh viên phải vượt qua vòng CV (sơ yếu lý lịch - PV). Ở vòng CV, thông thường một ứng viên có thể phải cạnh tranh hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ứng viên khác. Vì thế trong CV, sinh viên cần biết cách làm nổi bật, thể hiện sự am hiểu về công việc, thị trường và những kỹ năng cần thiết cho vị trí ứng tuyển.
Top 10 việc làm gia tăng nhiều nhất
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Phương Khanh cập nhật top 10 việc làm gia tăng nhiều nhất và top 10 việc làm giảm nhiều nhất, theo khảo sát của Navigos Group.
Top 10 việc làm gia tăng nhiều nhất bao gồm: chuyên gia AI và máy học, chuyên gia phát triển bền vững, chuyên viên kinh doanh thông tin (business intelligence), chuyên gia an ninh mạng, kỹ sư fintech, chuyên gia phân tích dữ liệu và nhà khoa học dữ liệu (data analyst và data scientist), kỹ sư robotics, chuyên gia big data, vận hành thiết bị nông nghiệp, chuyên gia chuyển đổi số.
Top 10 việc làm giảm nhiều nhất bao gồm: giao dịch viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, thu ngân và nhân viên bán vé, nhân viên nhập dữ liệu, thư ký hành chính, kế toán vật tư và kho, kế toán và tính lương, nhân viên lắp đặt và sửa chữa gia dụng, nhà hoạch định chính sách, nhân viên thống kê, tài chính và bảo hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận