05/09/2018 11:03 GMT+7

Mối nguy từ sản phẩm làm trắng da

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ở nhiều nơi trên thế giới, da trắng, sáng được coi là “sứ giả của sắc đẹp”. Sự ám ảnh này giúp ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm làm trắng da trị giá hàng tỉ USD trên toàn cầu. Tuy nhiên, sản phẩm làm trắng da tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe

Mối nguy từ sản phẩm làm trắng da - Ảnh 1.

Da lốm đốm do mỹ phẩm làm trắng - Ảnh: CNN

Một đại gia mỹ phẩm của Nhật Bản là Kanebo đã phải thỏa thuận bồi thường cho hơn 18.000 phụ nữ bị lốm đốm da, với mức bồi thường không được tiết lộ do tác dụng phụ của hóa chất làm trắng.

Đầu tháng 8-2018, Kanebo phải bồi thường thiệt hại cho 44 phụ nữ khác với số tiền tương đương 7,2 triệu USD.

Da lốm đốm như da beo

Theo nhật báo Mainichi, gần 20.000 khách hàng phản ảnh họ bị các mảng trắng lốm đốm như da beo (hiện tượng giảm sắc tố da) do sử dụng sản phẩm chứa chất làm trắng Rhododenol của Kaneno. 54 sản phẩm chứa hóa chất này của Kanebo bị thu hồi vào năm 2013.

Nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra cho người dùng, tùy vào thành phần của chất làm trắng. Sản phẩm chứa hydroquinone, steroid hoặc thủy ngân có thể gây "kích ứng, viêm, mỏng da, sẹo, dị tật ở trẻ sơ sinh nếu sử dụng khi mang thai, cho con bú và các tổn thương ở thận, gan hoặc thần kinh".

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thủy ngân trong các sản phẩm làm sáng da còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với các bệnh do vi khuẩn và nấm, gây tổn thương gan, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần.

Các thành phần này bị cấm trong mỹ phẩm bán ở châu Âu và Hàn Quốc, nhưng mỹ phẩm mua từ các trang thương mại điện tử - dù ở nước ngoài - vẫn có thể có các chất này.

Điểm nóng châu Á

Theo đánh giá của Tập đoàn Global Industry Analysts, nhu cầu về trên toàn cầu đang tăng trưởng tốt, dự kiến đạt doanh số 31,2 tỉ USD vào năm 2024. Con số này của năm 2017 là 17,9 tỉ USD. Nhu cầu đặc biệt lớn ở châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Không mâu thuẫn với nhận định trên, Future Market Insights - tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường tại 150 quốc gia - cho rằng thị trường châu Á tăng trưởng mạnh nhất về nhu cầu sản phẩm làm trắng da và chiếm hơn một nửa nhu cầu toàn cầu với doanh số 7,5 - 13,3 tỉ USD. Trong đó, doanh số tại Trung Quốc là 40%, Nhật Bản 21% và Hàn Quốc khoảng 18%.

Chuyên gia Rachit Kumar của tập đoàn này cho biết: "Nhu cầu về sản phẩm làm trắng da sẽ tiếp tục tăng bất chấp các nguy cơ về sức khỏe. Người châu Á, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên hiện nay, rất quan tâm đến vẻ đẹp và có ngân sách rất đáng kể đầu tư cho nhan sắc".

Số liệu cho thấy số lượng khách hàng "sẵn sàng chi hàng triệu đôla để củng cố toàn diện dung mạo của mình" đang tăng lên.

Mối nguy từ sản phẩm làm trắng da - Ảnh 2.

Những đốm da bị mất sắc tố sau khi dùng sản phẩm làm trắng

Rủi ro cho sức khỏe

Trong nghiên cứu của nhóm tác giả Hemal Shroff ở Ấn Độ về sản phẩm làm trắng da, 17% người dùng bị tác dụng phụ xấu do sản phẩm làm trắng, nhưng chỉ 3,1% tìm chuyên gia để điều trị.

Làm trắng da cấp tốc rất nguy hiểm, nhưng vẫn có nhiều người bất chấp vì không biết đến các vấn đề nghiêm trọng cho da như dị ứng hoặc bị giảm sắc tố da - một hội chứng làm một số vùng da hoặc cả cơ thể bị nhạt màu so với màu da tự nhiên của mình.

Về mặt xã hội, chính phủ các nước nên ủng hộ hoặc khởi xướng các chương trình khuyến khích mọi người tôn trọng các màu da khác nhau và không cổ súy những thông điệp "trắng là xinh đẹp, xinh đẹp là thành công".

Quản lý sản phẩm làm trắng trên thế giới

Các nước khác nhau sẽ có những quy định khác nhau trong việc quản lý sản phẩm chăm sóc da.

Tại Nhật, sản phẩm làm trắng da thuộc nhóm dược mỹ phẩm, các công ty chỉ được sử dụng các chất được cấp phép và bị giới hạn về nồng độ.

Ở Hàn Quốc, sản phẩm làm trắng thuộc nhóm mỹ phẩm chức năng và mọi cam kết về chất lượng phải có bằng chứng.

Ở Trung Quốc, các sản phẩm chính thống do cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc cấp phép.

Cẩn thận sản phẩm chứa hydroquinone

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu muốn trắng da an toàn, người dùng cần chắc chắn sản phẩm được phép sản xuất, hiểu rõ tác dụng của các nguyên liệu thành phần và kiên trì sử dụng chỉ trong trường hợp không bị dị ứng với sản phẩm.

Các sản phẩm có vitamin C nên sử dụng trong vòng một tháng, còn các sản phẩm chứa hydroquinone - một hỗn hợp làm da giảm sản xuất melanin - chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.


HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên