Dù còn lâu mới đến thời điểm thu hoạch sầu riêng, nhưng ngày nào ông Hoàng Minh Niềm (69 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng tiếp hoặc nghe điện thoại từ thương lái hỏi mua. Ông Niềm cho hay vụ này dự kiến thu hoạch 10 tấn sầu riêng nhưng đang chờ ai trả giá tốt nhất mới bán cho người đó.
Thương lái giành nhau mua
"Tôi đang đợi người trả giá trên 80.000 đồng/kg. Ngoài ra khi đã chốt giá xong thì các thương lái không được xin giảm giá nếu giá xuất khẩu giảm, đồng thời phải cắt đúng hẹn chứ không xin neo trái", ông Niềm ra điều kiện.
Nông dân có vị thế "hét giá, chọn người mua" như ông Niềm hiện không phải là cá biệt mà rất phổ biến với người trồng sầu riêng khắp nơi vì nhu cầu cao, trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ.
Thời gian gần đây do lượng sầu riêng tại các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang còn ít nên thương lái lùng sục tranh nhau mua. Thậm chí nhiều thương lái chi tiền hoa hồng cho người giới thiệu vườn để vào cắt.
Chị Nguyễn Thị Sáu (ngụ huyện Cai Lậy) cho biết dù nhiều năm thu mua sầu riêng và có nhiều nhà vườn là mối lái từ lâu nhưng giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn.
"Một phần do đợt này các vườn chưa có sầu riêng trong khi thị trường Trung Quốc đang rất hút, phần nữa nhiều người thấy công việc bán sầu riêng có ăn nên họ cũng nhảy vào lĩnh vực này khiến nguồn hàng càng khan hiếm. Đáng nói là những thương lái mới họ mua giá rất cao, nhiều nhà vườn chuyển sang bán cho họ. Chúng tôi mua lâu năm nên biết giá nào là có lợi cho đôi bên và cũng không dám mua với giá quá cao vì biết chắc sẽ nắm phần lỗ", chị Sáu nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Hiền, chủ vựa sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang, cho hay trước đây ông có rất nhiều mối là các nhà vườn ở Bến Tre, nhưng từ đầu năm đến nay các nhà vườn lần lượt bỏ ông để bán cho các thương lái trả giá cao hơn. "Thậm chí có những vườn dù đã đặt cọc rồi nhưng họ vẫn hủy hợp đồng để bán cho thương lái", ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, việc các thương lái cạnh tranh nhau trong việc gom sầu riêng có mặt lợi trước mắt là nhà vườn sẽ bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, hệ lụy lâu dài là rất khó tránh khỏi khi thương lái mua bất chấp, cắt sầu riêng chưa chín, chưa đạt chuẩn để xuất khẩu gây mất uy tín tại thị trường nhập khẩu.
Nhìn người Thái để học hỏi
Xuất trái cây qua thị trường Trung Quốc nhiều năm qua, ông Ngô Văn Đình, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, thừa nhận Thái Lan hơn hẳn Việt Nam ở cả chất lượng và số lượng trái cây, và sầu riêng cũng không ngoại lệ.
Theo ông Đình, lý do giúp Thái Lan duy trì sự ổn định chất lượng trái sầu riêng nhờ họ đặt ra một tiêu chuẩn quốc gia cho loại quả này, và khuyến cáo, thậm chí bắt buộc các nông dân, doanh nghiệp phải tuân theo. Trong tiêu chuẩn này có các nội dung cụ thể như thời gian thu hoạch, cách thu hoạch sầu riêng, tiêu chí đặt ra như cơm, độ ngọt khi thu hoạch...
"Việc đặt ra tiêu chuẩn này giúp nông dân, doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng chất lượng trái sầu riêng, và cơ quan quản lý có cơ sở để đưa ra chế tài nếu người trồng, thu hoạch vi phạm.
Đây là điều căn bản không chỉ giúp sầu riêng Thái Lan mà còn nhiều mặt hàng khác tạo ra thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa quan tâm điều này, mạnh ai nấy làm dẫn đến chất lượng bấp bênh. Do đó, chúng ta phải sớm có tiêu chuẩn này", ông Đình nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết năm nay Trung Quốc có thể chi khoảng 5,5 - 6 tỉ USD để nhập sầu riêng, trong đó đứng đầu là từ Thái Lan với khoảng 3,5 tỉ USD, Việt Nam khoảng 1,7 tỉ USD.
Không chỉ áp đảo về giá trị, sản lượng sầu riêng Thái Lan khoảng 1,5 triệu tấn, gần gấp đôi Việt Nam. Như vậy, dù lượng và giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam năm nay tăng mạnh so với năm ngoái nhưng vẫn còn thua xa Thái Lan, tương lai sầu riêng Việt Nam cũng khó vượt qua đối thủ này.
Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói Việt Nam chỉ khoảng 300 - 400, trong khi Thái Lan đến hàng nghìn. Tuy vậy, ông Nguyên cho rằng nếu có giải pháp tốt cho khâu chất lượng và sản lượng, sầu riêng Việt Nam có thể sớm tiệm cận Thái Lan.
"Người dân mình phải trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và tăng liên kết để mở rộng diện tích, từ đó có cơ sở đề xuất để cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, phải hạn chế và tiến tới chấm dứt việc xộn lộn trong mua bán, đặc biệt tình trạng nông dân "bẻ kèo" không bán hàng cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không đủ hàng xuất, từ đó mất uy tín với đối tác, rất khó làm ăn lần sau. Chuyện này ở Thái Lan rất ít khi xảy ra", ông Nguyên nói.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cho rằng ngoài quy trình chung, do tính chất thổ nhưỡng khác biệt, cơ quan nông nghiệp tại các địa phương cần xây dựng một quy trình trồng cho cây sầu riêng ở khu vực đó, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để tăng năng suất, chất lượng cao nhất. Đây là điều Thái Lan họ làm rất tốt.
Diện tích thanh long Trung Quốc đã vượt Việt Nam
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc có 67.000ha thanh long với sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, còn Việt Nam có 55.000 - 60.000ha với trên 1,4 triệu tấn. Điều đáng nói là trong khi diện tích thanh long của Trung Quốc tăng khoảng 10% mỗi năm thì ở Việt Nam sụt giảm.
Giá trị xuất khẩu cũng giảm từ trên 1 tỉ USD/năm (giai đoạn 2017 - 2021) còn trên dưới 600 triệu USD. Do đó, nếu Trung Quốc đạt 100.000ha trong những năm tới, dự báo trái thanh long Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều năm qua 80 - 90% sản lượng loại quả này được Việt Nam xuất qua Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho hay Trung Quốc chiếm 80 - 85% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Thái Lan, điều này cho thấy họ khai thác tốt thị trường tỉ dân này. Thái Lan có 22 mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, còn Việt Nam chỉ có 12 nhưng mới có 4 mặt hàng có nghị định thư.
"Với thuận lợi về địa lý, Việt Nam phải sớm chỉnh đốn sản xuất, tăng tính ổn định chất lượng và sản lượng nông sản để khai thác tốt hơn nữa thị trường Trung Quốc, bởi thị trường này yêu cầu ngày càng cao. Việc chủ động nâng cao chất lượng giúp nông sản Việt Nam có nhiều đầu ra, nhưng nếu dựa vào được thị trường Trung Quốc thì nên dựa", ông Nguyên nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận