01/04/2012 08:30 GMT+7

"Mỗi ngày, tôi dành bốn giờ dạo hàng quán Việt"

JOHN RUSSACK (người Mỹ)
JOHN RUSSACK (người Mỹ)

TT - Trước đây tôi làm phi công ở Mỹ, bay khắp nơi, đến nhiều vùng đất lạ. Một trong những nơi tôi được đặt chân đến là VN và rất ấn tượng với con người thân thiện, ấm áp và nhiều món ăn đậm đà mùi vị.

Tôi quyết định dừng chân ở đây và làm việc cho một hãng hàng không trong nước, mới đây mà đã được hai năm.

7M1OYhz8.jpgPhóng to
Phi công John Russack - Ảnh nhân vật cung cấp

Sống ở VN, tôi nhanh chóng nhận ra rằng ẩm thực chính là cầu nối của những khác biệt văn hóa. Bất kể chúng ta đến từ đâu, ẩm thực là những gì gần gũi, thân quen nhất đối với mỗi người.

Một bữa ăn đậm chất địa phương là cách mở đầu câu chuyện giữa những con người có những xuất xứ khác nhau. Hành trình các nguyên liệu đi từ chợ đến đĩa thức ăn cũng cho thấy sự khác biệt giữa văn hóa VN và Mỹ.

Người Mỹ thường đi mua thức ăn một tuần một lần trong những siêu thị to được trang bị máy điều hòa. Theo thống kê năm 2010, trung bình người Mỹ chỉ đi mua sắm 1,7 lần/tuần, tại siêu thị. Rau, củ, quả được bọc nilông kỹ càng rồi đem về cho vào tủ lạnh, tủ đông... để tiêu thụ cho tuần tiếp theo. Thực phẩm mua siêu thị được chế biến sẵn, dạng đông lạnh hay đóng hộp.

Ở VN, tôi bất ngờ và thích thú khám phá những khu chợ bán đủ loại đồ tươi sống. Một người nước ngoài như tôi như được mở mắt và hiểu ra giá trị của những thực phẩm tươi nguyên được bán và tiêu thụ trong ngày. Tôi mê mẩn với đủ chủng loại trái cây và rau quả căng mọng, màu sắc tươi tắn bày trên những quầy hàng.

Tuy mua thức ăn hằng ngày có thể tốn thời gian, nhưng đây là một thói quen từ lâu của người Việt và vẫn còn duy trì đến tận ngày nay.

Ngoài ra, quy trình chuẩn bị bữa ăn cũng cho thấy những điểm khác nhau thú vị về văn hóa Đông - Tây. Món ăn kiểu Mỹ thường có khẩu phần lớn, những miếng thịt nướng hay đút lò to bản ăn kèm với bánh mì hay khoai tây. Còn món Việt đặc trưng bởi những miếng nhỏ được xào nấu và ăn kèm với cơm.

Có lẽ sự khác biệt trong ẩm thực một phần là do cách ăn uống: người phương Tây dùng dao và nĩa trong khi người Việt dùng muỗng và đũa.

Tôi nhận thấy người Mỹ thích sử dụng những nguyên liệu chế biến sẵn hơn là nấu từ đầu. Làm món mì Ý có thể chỉ mất 10 phút với nước xốt cà chua đóng hộp và một nhúm mì mua từ siêu thị. Xã hội phương Tây còn nhiều lo toan, chúng tôi tìm kiếm sự dễ dàng, hiệu quả và muốn hoàn thành mọi thứ nhanh chóng.

Ngược lại, người Việt trân trọng giá trị truyền thống và sẵn sàng dành thời gian chế biến món ăn. Ví dụ để nấu món phở, nhiều người không ngại hầm xương trong vài giờ để nước dùng có độ đậm đà, độ ngọt nhất định. Người Việt thích chăm chút cho từng công đoạn, biến những nguyên liệu tươi ngon thành những món ăn bắt mắt, gợi nhiều hương vị dù phải bỏ ra cả ngày trời để chuẩn bị, nấu nướng.

Yêu ẩm thực Việt Nam, tôi thường dành bốn giờ mỗi ngày dạo quanh các hẻm và ngóc ngách Sài Gòn để khám phá những hàng quán bên đường. Dù những chiếc ghế nhựa nhỏ xíu không dành cho người nước ngoài như tôi, dù vốn tiếng Việt hạn chế có thể làm người bán hàng phì cười, nhưng tôi đã có dịp khám khá và thưởng thức nhiều món ngon như bún bò Huế, mì Quảng, bún thịt nướng...

Từ đầu năm nay, mỗi ngày tôi đều viết blog về hành trình khám phá những món ngon ở VN. Hi vọng đến cuối năm nay, tôi sẽ giới thiệu trọn vẹn 365 món ăn Việt khác nhau trên trang web của mình cho bạn bè, người thân ở Mỹ cũng như những người nước ngoài chia sẻ tình yêu ẩm thực Việt với tôi.

JOHN RUSSACK (người Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên