TTCT - Việt Nam đã bắt đầu thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ năm 1990, năm 1992 chính thức được thực hiện, năm 2010 có kế hoạch cổ phần hóa dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Cho đến nay đã trải qua 31 năm nhưng quá trình cổ phần hóa vẫn chưa kết thúc và chưa hề có luật về cổ phần hóa. Nhiều đại biểu Quốc hội khóa XV trong đợt 1 kỳ họp thứ hai vừa kết thúc ngày 30-10-2021 cũng đã nhấn mạnh yêu cầu cổ phần hóa DNNN trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế đến năm 2025. Quá trình cổ phần hóa phức tạp liên quan đến đất đai, sở hữu trí tuệ, biến động thị trường..., nhưng đến nay chỉ được điều chỉnh bằng các nghị định của Chính phủ. Vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử chưa được chế định và chưa phát huy đầy đủ, các tổ chức xã hội chưa được tham gia đóng góp ý kiến hay hỗ trợ, giám sát. Lỗ hổng pháp luật này đã dẫn đến những vụ như cổ phần hóa khách sạn Phú Gia bên cạnh hồ Hoàn Kiếm hay Bánh tôm hồ Tây với giá rất thấp mà cho đến nay vẫn không biết cổ đông là ai, hay chuyển nhượng tài sản của Sabeco ở TP.HCM và AVG ở Bộ Thông tin và truyền thông gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, khiến nhiều cán bộ cao cấp phải vào tù - những thiệt hại quá lớn cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc. Ảnh: Business Standard Một nghịch lý là trong khi quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường sau đổi mới, các biện pháp gian nan như bỏ trợ cấp giá, điều chỉnh tỉ giá, chấp nhận kinh tế tư nhân... đều được thực hiện quyết đoán, không có tư vấn quốc tế, thì quá trình cải cách, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN lại diễn ra chậm, rất khó khăn, dù phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay vốn hay hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.Nguồn lực khổng lồTheo Sách trắng doanh nghiệp được công bố năm 2019, có 2.486 DNNN đang hoạt động, thu hút 9,5 triệu tỉ đồng tiền vốn, chiếm 28,8% tổng nguồn vốn, 22,9% tổng lợi nhuận trước thuế, thu nhập lao động bình quân tháng của lao động trong DNNN đạt 11,4 triệu đồng, cao nhất trong các thành phần kinh tế, trong khi lợi nhuận thấp hơn hai khu vực ngoài nhà nước và FDI. Phát hiện này cho thấy tiềm năng nâng cao hiệu quả DNNN còn lớn và cần được phát huy trong thực tế.Về cơ cấu kinh tế, bài viết quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (đăng trên nhiều báo) - nêu rõ: “Xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”.Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) ngày 26-4-2021 cho thấy hiện cơ quan nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bao gồm phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư quy mô lớn, quyết định việc tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn... khiến doanh nghiệp chưa có quyền tự chủ đầy đủ, hoạt động gặp khó khăn, khó áp dụng phương thức quản trị tiên tiến.Để cải cách DNNN, Việt Nam đã không chấp nhận khái niệm “tư nhân hóa” (privatization) mà quốc tế quen sử dụng, đồng nghĩa cho phép chuyển 100% vốn nhà nước cho tư nhân nắm giữ, mà sử dụng khái niệm của Việt Nam là “cổ phần hóa” (equitisation), tức không bán 100% vốn cho nhà đầu tư tư nhân mà Nhà nước vẫn giữ lại một tỉ lệ nhất định đủ lớn để là cổ đông chiến lược cũng như bán cho người lao động ở các doanh nghiệp đó.Yêu cầu này được các tổ chức tài chính quốc tế chấp nhận. Việt Nam thì hy vọng cổ phần hóa sẽ vẫn duy trì sự quản lý của Nhà nước và biến công nhân làm việc trong doanh nghiệp sở hữu cổ phần thành người “đồng sở hữu”, dân chủ hóa quản trị doanh nghiệp. Vai trò của chủ sở hữu Nhà nước còn giúp bảo đảm hoạt động thực chất của các tổ chức Đảng và đoàn thể trong công ty.Ý tưởng về vai trò người lao động đồng sở hữu rất tốt đẹp, song chỉ đạt được kết quả hạn chế, vì người công nhân không có điều kiện tiếp cận thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, không được trang bị kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp nên khó lòng trực tiếp tham gia quản trị hay giám sát hoạt động của công ty. Tại không ít DNNN sau cổ phần hóa đã xuất hiện nhà đầu tư mua lại cổ phiếu của người lao động với giá cao, khiến kỳ vọng để người công nhân cùng làm chủ càng khó thành hiện thực.Một lịch sử sơ lượcNăm 1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định số 143/HĐBT ngày 10-5-1990 lựa chọn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa để thử chuyển đổi thành công ty cổ phần. Kết quả là có 2 doanh nghiệp trong năm 1990 - 1991 được cổ phần hóa. Năm 1991, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lại ra quyết định số 202 ngày 8-6-1992 yêu cầu mỗi bộ ngành trung ương và mỗi tỉnh thành chọn 1 - 2 DNNN để thí điểm cổ phần hóa.Ngày 29-6-1998, Chính phủ ban hành nghị định số 44/1998/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần. Nghị định này quy định rằng đối với cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp được chuyển đổi nhưng Nhà nước vẫn muốn nắm quyền chi phối, cá nhân không được phép mua quá 5% và pháp nhân không được phép mua quá 10%. Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối, cá nhân được phép mua tới 10% và pháp nhân được phép mua tới 20% tổng cổ phần phát hành lần đầu.Việt Nam cũng đã ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) từ ngày 1-8-2020, trong đó có chương 9 về Mua sắm chính phủ và chương 10 về Doanh nghiệp nhà nước đặc quyền và độc quyền, trở thành những ràng buộc quốc tế hy vọng sẽ là một động lực thúc đẩy quá trình cổ phần hóa trong thời gian tới.Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, kinh tế số và thương mại điện tử, người máy, trí thông minh nhân tạo (AI) dẫn đến những thay đổi về vị trí, tầm quan trọng của các ngành kinh tế, kỹ thuật trong nền kinh tế và năng lực cạnh tranh... cũng đòi hỏi phân tích và xác định lại những ngành, lĩnh vực nào có ý nghĩa chiến lược cho quốc phòng, an ninh, cho kinh tế quốc dân cần duy trì DNNN; và lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư từ kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài để tận dụng cơ hội này. Về việc này, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.Đến tháng 6-2019, Việt Nam đã cổ phần hóa được 3.700 DNNN, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, theo Bộ Tài chính, đã có 177 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị là trên 443.000 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.000 tỉ đồng.Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện. Đến tháng 6-2019, sau 29 năm kể từ khi bắt đầu cổ phần hóa, vẫn còn 91 tập đoàn, tổng công ty lớn có cơ sở trải dài trên nhiều tỉnh thành phố chưa thể cổ phần hóa; một số tập đoàn lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Mobifone, Argibank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Đáng chú ý, một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hóa như ở Hà Nội và TP.HCM, cho thấy tính phức tạp của quá trình này.Tỉ lệ cổ phần hóa thấp, Nhà nước vẫn nắm giữ quyền kiểm soát công ty, nên quá trình quản lý ở không ít doanh nghiệp đã được cổ phần hóa thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”. Vai trò của cổ đông chiến lược chưa được bảo đảm nên chưa thu hút được những nhà đầu tư chiến lược quan trọng trong và ngoài nước. Ngoài ra còn nhiều vấn đề kỹ thuật khác cũng không được giải quyết: thiếu chính sách với cổ tức, lợi nhuận từ đầu tư; chưa bảo đảm được sự công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc thị trường; và tạo sự bình đẳng giữa các DNNN với ngoài nhà nước.Rất mong Quốc hội khóa XV quan tâm giám sát và thúc đẩy quá trình cải cách DNNN, bổ sung Luật cổ phần hóa vào chương trình soạn thảo để ban hành luật ngay trong khóa này.Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 là 128 doanh nghiệp. Lũy kế trong giai đoạn 2016 - 2020 đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị là 489.690 tỉ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỉ đồng. Trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 39 doanh nghiệp nằm trong số 128 doanh nghiệp thuộc kế hoạch ban đầu, chiếm 30%. Đến hết năm 2020, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa. Từ đầu năm đến nay chỉ có 3 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng lại không nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp theo kế hoạch. Như vậy, để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra thì từ giờ tới cuối năm trung bình một ngày phải cổ phần hóa hơn 7 doanh nghiệp. Tags: Doanh nghiệp nhà nướcCổ phần hóaKinh tếTiêu điểmCổ phần hóa doanh nghiệpCổ phần hóa nửa vời
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.