Thông tin nói trên được đưa ra tại tọa đàm "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" do báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức chiều 7-3, tại Hà Nội.
Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Xuân Thủy - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Hiện nay nước ta đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày.
Khoảng 60% rác là từ các đô thị.
Theo ông Thủy, điều đáng nói, rác thải nhựa không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các rác khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý, tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương.
Rác thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng khi tốc độ gia tăng trong giai đoạn năm 2021 - 2030, trung bình là 6%/năm.
"Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 64% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 20% chôn lấp hợp vệ sinh", ông Thủy nói.
Ông Tạ Đình Thi - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng nguyên nhân dẫn đến lượng rác thải nói chung tăng lên có cả khách quan và chủ quan.
"Như khâu quản lý hay năng lực về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế, đặc biệt là ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường đối với rác thải rắn nói chung, rác thải nhựa nói riêng", ông Thi cho hay.
Các địa phương bắt đầu hướng dẫn phân loại rác tại nguồn
Theo ông Thi, để quản lý chất thải nói chung thì năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường với nhiều quy định, chính sách đột phá. Hàng loạt chính sách ra đời nhằm quản lý rác thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, phát triển ngành công nghiệp môi trường…
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện phân loại rác thải rắn sinh hoạt để các địa phương hướng dẫn cho người dân. Theo thống kê đã có 16 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý chi tiết rác thải rắn và 30 địa phương bắt đầu hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.
Để giải quyết lâu dài "bài toán" xử lý rác thải sinh hoạt, theo ông Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cần hỗ trợ các địa phương khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của trung ương, quốc tế trong xử lý rác thải.
"Hiện nay Quảng Trị đã triển khai trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 90%, nông thôn khoảng 60% đối với xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương gặp khó khăn nên công tác phân loại, xử lý, tái chế, giảm rác thải nhựa vẫn chưa đồng bộ, còn đặt ra nhiều thách thức", ông Đồng cho biết thêm.
"Nguồn gốc" của rác thải nhựa đại dương đến từ đâu?
Trả lời câu hỏi nhận định thế nào về "rác thải nhựa đang là "hiểm họa" đến hệ sinh thái đại dương của Việt Nam", ông Nguyễn Đức Toàn - cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - cho biết "nguồn gốc" chính của rác thải nhựa đại dương phát sinh từ đất liền và trên biển. Mỗi năm cả thế giới phát thải ra đại dương khoảng 8 triệu tấn rác, trong đó 82% từ các con sông, 18% từ biển. Trong đó 88% trôi về biển ven bờ, 10% chìm dưới biển, 2% chìm ngoài khơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận