01/04/2021 18:05 GMT+7

Mỗi ngày, bệnh viện ở Cần Thơ tiếp nhận điều trị hơn 70 ca tay chân miệng, nhiều ca nặng

T. LŨY
T. LŨY

TTO - Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, hiện nay bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang gia tăng, mỗi ngày khoa truyền nhiễm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho trên 70 trẻ mắc bệnh.

Mỗi ngày, bệnh viện ở Cần Thơ tiếp nhận điều trị hơn 70 ca tay chân miệng, nhiều ca nặng - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám cho 1 trẻ nghi mắc tay chân miệng - Ảnh: T.LŨY

Theo số liệu trong tháng 3, khu khám của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận trên 1.100 bệnh nhi liên quan đến bệnh tay chân miệng, trong đó có trên 200 trường hợp nhập viện điều trị.

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng - trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - nhận định bệnh bắt đầu tăng từ đầu tháng 3 đến nay, đa số trẻ mắc là dưới 6 tuổi (nhiều nhất là độ tuổi dưới 3). 

Năm nay, dù dịch chưa tăng cao đột biến nhưng xu hướng bệnh nhi mắc tay chân miệng biên độ nặng khá nhiều, đa số là bệnh từ các bệnh viện địa phương lân cận chuyển đến ở mức độ từ 2B trở lên. Hiện trong tổng số trên 70 ca bệnh đang điều trị, có 10 bé nặng đang phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong những năm gần đây bệnh tay chân miệng đã trở thành bệnh quanh năm trên cả nước, tuy nhiên số ca mắc thường có xu hướng tăng trong hai khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. 

Trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần trong độ tuổi vì kháng thể sinh ra trong những lần nhiễm bệnh không bền vững, không nhiều nên khi tiếp xúc nguồn lây vẫn có thể nhiễm bệnh. 

Bên cạnh đó, ngoài hai chủng virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến ở nước ta, còn có hơn 10 chủng virus thuộc nhóm đường ruột có thể gây bệnh tay chân miệng.

Mỗi ngày, bệnh viện ở Cần Thơ tiếp nhận điều trị hơn 70 ca tay chân miệng, nhiều ca nặng - Ảnh 2.

Phòng bệnh có khá đông trẻ mắc tay chân miệng nằm điều trị - Ảnh: T.LŨY

Theo các bác sĩ, một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trí loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng, đôi khi có ở niêm mạc, môi hoặc lưỡi… Loét miệng khiến trẻ đau rát không chịu ăn, không chịu bú và chảy nước miếng liên tục. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, giật mình chới với, run tay chân, đi đứng loạng choạng, nôn ói, quấy khóc nhiều… là dấu hiệu bệnh nặng, cần được đưa đến bệnh viện ngay.

“Để phòng bệnh tay chân miệng lây lan, nhất là trong các trường mầm non, khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần phải cho nghỉ học ít nhất 10 ngày (kể từ khi phát bệnh) để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác; trong môi trường học đường cần thường xuyên vệ sinh cho trẻ, rửa tay, rửa sạch các vật dụng, đồ dùng trường, lớp”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tăng rất nhanh, 21/24 quận, huyện ở mức báo động TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tăng rất nhanh, 21/24 quận, huyện ở mức báo động

TTO - Từ đầu năm đến giữa tháng 3, TP.HCM ghi nhận 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó từ ngày 8 đến 14-3 có đến 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên