Các con trai của ông Rơ Ô Mok với xấp giấy tờ để làm chế độ cho cha - Ảnh: B.D. |
Cha tôi tên Rơ Ô Mok (ở buôn Hyu, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Từ năm 1959-1975 cha tôi tham gia hoạt động bí mật, làm cán bộ kháng chiến tại vùng Phú Túc (nay là Krông Pa, Gia Lai). Làm cán bộ hoạt động bí mật, cha tôi phải mang một thân phận khác. Khi địch vào làng càn quét, chúng tôi phải đốt toàn bộ giấy tờ liên quan đến cha tôi để đảm bảo an toàn cho gia đình, cha tôi và những đồng đội. Từ năm 1972, cha tôi bị địch bắt và đưa đi tù đày tại nhà tù ở Pleiku cho đến năm 1975 thì ông được về địa phương.
Năm 2007, cán bộ xã Ia Dreh đến nhà phổ biến và đề nghị gia đình làm hồ sơ để cha tôi hưởng chế độ tù đày. Theo sự hướng dẫn của xã, huyện, cha tôi làm hồ sơ và khi nộp hồ sơ mới biết con đường thủ tục quá nhiêu khê. Khi nộp hồ sơ, cán bộ hướng dẫn cha tôi về nhà chờ đợi. Đợi lâu quá cha tôi lên hỏi thì được báo lại là thiếu giấy tờ này nọ. Nhiều lần như vậy, cha tôi phải đi tới đi lui bổ sung hồ sơ...
Thấy cha đi lại vất vả, nhiều lần tôi cầm hồ sơ trình lên cơ quan chức năng. Có lần tôi cầm hồ sơ nộp cho cán bộ Phòng Lao động - thương binh & xã hội huyện và được báo lại là hồ sơ đã trình lên tỉnh, nhưng đợi mãi không thấy trả lời nên tôi đi hỏi thì được hướng dẫn thẳng lên tỉnh. Tìm đến phòng chức năng của tỉnh, cán bộ lục mãi mới phát hiện là hồ sơ của cha tôi không còn nữa, rồi thông báo hồ sơ đã bị thất lạc phải về làm lại bộ mới. Theo lời chỉ dẫn, tôi tiếp tục về làm lại và nộp, rồi lại chờ đợi. Nhiều lần như thế tôi cũng cảm thấy mệt mỏi.
Cha tôi sau nhiều năm đi làm hồ sơ nhưng không được nên sinh ra buồn phiền. Nhiều hôm về thăm thấy cha không có ở nhà, chúng tôi hỏi thì mẹ bảo cha buồn lắm, thấy đồng đội được hưởng chế độ mà mình vẫn chưa đâu vào đâu nên bỏ vào rẫy sống một mình. Thỉnh thoảng ông mới về nhà lấy gạo, muối rồi tiếp tục vào rẫy. Tháng 11-2013 cha tôi qua đời, trước lúc chết ông dặn sau này nếu làm được chế độ thì ra mộ báo để ông yên lòng.
Chúng tôi là người dân, có thể chưa hiểu hết quy trình thủ tục. Lẽ ra cán bộ chuyên môn phải tiếp nhận và hướng dẫn cặn kẽ để chúng tôi biết mình thiếu những hồ sơ nào mà bổ sung một lần, có đâu lại bắt chúng tôi phải chờ đợi, đi lại nhiều lần để hỏi thăm, bổ túc hồ sơ... Để rồi sau bảy năm làm hồ sơ, đến bây giờ chúng tôi cũng không biết khi nào chế độ cho cha tôi mới được công nhận?
Sẽ sớm có quyết định ÔngNGUYỄN VĂN HƯỜNG (phó Phòng LĐ-TB&XH Krông Pa): Phòng đã tiếp nhận hồ sơ làm chế độ của ông Mok từ nhiều năm trước. Nguyên nhân dẫn đến hồ sơ làm trong thời gian dài là các giấy tờ liên quan đến thân phận ông Mok bị thất lạc. Mỗi lần nhận và xem xét hồ sơ, phòng đều thông báo cho gia đình để bổ sung. Mới đây Công an tỉnh đã xác minh lý lịch và các giấy tờ liên quan đến ông Mok, sau đó chúng tôi đã làm đề xuất trình lên Sở LĐ-TB&XH. ÔngVÕ THÀNH HUẾ (phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai): Hồ sơ lý lịch của ông Mok bị thất lạc khá nhiều nên chúng tôi phải thẩm tra kỹ. Những trường hợp cán bộ hoạt động bí mật như thế này phải hết sức thận trọng, không thể làm nhanh được. Hiện tại Công an tỉnh đã có xác nhận, hồ sơ của ông Mok đã hoàn tất. Chúng tôi sẽ tập hợp để trình ký. Trong tháng tới gia đình sẽ nhận được quyết định giải quyết chế độ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận