Phóng to |
Người dân làm thủ tục cấp visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM sáng 28-5-2013- Ảnh: T.T.D. |
Thường những người trẻ xin visa phải chứng minh có những ràng buộc ở nhà như công việc, xác nhận của cơ quan là sẽ trở lại làm việc. Một số người có thể bị bác đơn xin đi Mỹ ngay lập tức nếu chưa từng đi các nước phát triển ở châu Âu, Nhật...
Khi thông tin về vụ Sestak bán visa xảy ra, nhiều người lo ngại việc xin visa đi Mỹ sẽ bị siết chặt hơn, đặc biệt giai đoạn này là cao điểm vì nhiều du học sinh chuẩn bị hồ sơ xin sang Mỹ học và khách du lịch VN đi chơi dịp hè.
Các diễn đàn mạng khi dẫn thông tin về vụ Sestak đều bày tỏ âu lo. Trên diễn đàn VisaJourney.com của cộng đồng người Mỹ di cư, một người có nick Teacher Mark bình luận: “Tôi cảm thấy tiếc cho những người đang chờ phỏng vấn vì chuyện này sẽ chỉ làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn”.
Trên báo McClatchy, một độc giả tên Jacqueline Quyen Thu Hale tỏ ra phẫn nộ: “Kinh khủng. Quá kinh khủng. Đây là sự sỉ nhục đối với tất cả những nỗ lực mà chúng ta cố gắng làm để có mọi thứ đúng chuẩn mực. Tôi hi vọng tất cả những ai phạm tội sẽ phải chịu hình phạt nặng nhất theo luật. Rất buồn cho ngành ngoại giao và hải quân Mỹ”.
Trên diễn đàn expat-blog của những người nước ngoài đang sống ở VN, một người có nick Budman1 bình luận: “Hậu quả của chuyện này không thể tính nổi”. Rồi Budman1 có vẻ lạc quan: “Điểm tốt duy nhất trong vụ này là những người tốt từng xin visa rồi bị từ chối vì không trả tiền [hối lộ] giờ có thể có cơ hội thứ hai”.
“Bộ phận xét visa không di dân không phải là nơi duy nhất có vấn đề” - một nick có tên perry88 từ Rockville, Maryland (Mỹ), nhận định khi đề cập về trường hợp cụ thể của mình. Anh kể đã mất bốn năm để lấy được visa hôn phối cho vợ: “Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng, chúng tôi được đẩy ra ngoài để điền thêm một tờ đơn nữa, bằng bản đánh máy chứ không phải viết tay... Khi chúng tôi ra ngoài, ngay lập tức được một người Việt đưa chúng tôi đến một văn phòng dịch vụ và đòi 100 USD để điền tờ đơn một trang. Vợ chưa cưới của tôi không chấp thuận và đến một văn phòng khác họ đòi có 50 USD. Họ lấy thông tin của tôi gõ vào máy và in ra chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút”.
Hôm qua, Tuổi Trẻ đã liên lạc với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nhưng không nhận được câu trả lời nào liên quan tới những lo ngại về visa này.
Chị Vũ Ngọc Ánh, người đang làm cộng tác cho các tổ chức phi chính phủ tại TP.HCM, và từng xin visa đi Mỹ, tỏ ra bực dọc về chuyện cán bộ lãnh sự Mỹ bị cáo buộc bán visa: “Chuyện này là rất không công bằng. Có những người đi cửa sau thì được, trong khi có những trường hợp có lý do chính đáng lại không được. Đây là việc làm rất bất công và nhiều khi họ quyết định visa rất cảm tính”.
Anh T., 30 tuổi, đang làm kinh doanh ở Q.Tân Phú, từng hai lần bị bác đơn xin visa đi thăm người thân đang du học ở Mỹ, kể lại chuyện xin visa của mình: “Lần đầu họ nói tôi thiếu giấy tờ chứng minh tài chính. Lần hai thì họ từ chối vì tôi chưa đi các nước phát triển bao giờ. Chuyện bán visa rõ ràng là sự bất công lớn khi có những người làm chuyện vì lợi ích cá nhân như vậy. Có những người có nhu cầu rõ ràng như tôi thì không được đáp ứng”.
Sẽ bị trục xuất về nước hoặc bị khởi tố điều tra Luật sự Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết căn cứ theo quy định tại khoản 3.B.iii điều 602 của Luật về nhập cư Mỹ năm 1990, những người VN có liên quan trong đường dây gian lận visa, cho dù đã qua Mỹ hợp pháp nhưng nếu bị chính quyền Mỹ phát hiện, điều tra và làm rõ thì sẽ bị trục xuất về nước. Điều 602 quy định những trường hợp người nước ngoài có thể bị trục xuất như sau: “Bất kỳ người nước ngoài nào (bao gồm cả người lái máy bay, tàu biển) vào trong nước Mỹ... sẽ bị trục xuất nếu người nước ngoài thuộc một trong những trường hợp có thể bị trục xuất như sau: (B) Không đăng ký hoặc đăng ký sai tài liệu; Bất kỳ người nước ngoài nào, trong bất kỳ thời điểm nào, mà vi phạm: (i) theo điều 266(c) của luật này hoặc theo điều 36(c) của Luật đăng ký người nước ngoài năm 1940; (ii) trực tiếp, hoặc đang chuẩn bị, hoặc bị nghi ngờ vi phạm, bất kỳ quy định nào của Luật đăng ký tổ chức nước ngoài 1938 (22 U.S.C. 611 và tiếp theo, hoặc; (iii) trực tiếp, hoặc đang chuẩn bị, hoặc bị nghi ngờ vi phạm, điều 1546, chương 18, Bộ luật Mỹ (liên quan đến việc gian lận hoặc lạm dụng visa, giấy phép và các giấy tờ nhập cảnh khác) thì có thể bị trục xuất”. “Như vậy những người VN xin visa đi Mỹ mà liên quan tới đường dây của Michael Sestak có khả năng sẽ bị phát hiện và bị trục xuất về VN. Những người này, tùy theo mức độ sai phạm, sẽ bị cấm nhập cảnh vào nước Mỹ vĩnh viễn hay có thời gian”, luật sư Hà Hải nói. Riêng đối với những trường hợp xin visa sang Mỹ bằng cách trả tiền cho đường dây này và đã trở về VN, theo luật sư Hải, nếu cơ quan chức năng VN điều tra vụ việc, khởi tố vụ án và khởi tố các bị can là đồng phạm với viên chức lãnh sự Sestak thì chắc chắn họ sẽ bị cơ quan công an triệu tập lên lấy lời khai. Qua quá trình điều tra, tùy theo các tình tiết khách quan của vụ việc và sự khai nhận của họ mà trong số đó sẽ có người được xác định với tư cách là đồng phạm, bị hại hay vừa là bị hại vừa là đồng phạm. V.H.Q. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận