Các đại biểu tham quan trưng bày Mỗi kỷ vật một câu chuyện ngày 13-10
Đó là những câu chuyện xúc động từ bức tượng bán thân Bác Hồ do họa sĩ Vũ Cao Đàm thực hiện, từ bộ tặng phẩm của nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, của nguyên soái Diệp Kiếm Anh, của các Việt kiều năm châu, của đồng bào miền Nam, miền Bắc, đồng bào dân tộc thiểu số, của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế tặng Bác Hồ.
Các tặng phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong trưng bày chuyên đề Mỗi kỷ vật một câu chuyện (sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969), do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức, khai mạc ngày 13-10, với sự tham gia của đông đảo đại biểu trong nước và các đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao các nước tại Việt Nam.
Trưng bày thu hút các bạn trẻ
Những hiện vật tiêu biểu nhất nằm trong bộ sưu tập kỷ vật của đồng bào trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những kỷ vật Người đã tặng đồng bào, bạn bè quốc tế được tuyển chọn giới thiệu tới công chúng lần này cùng những chú thích thú vị.
"Đây là những kỷ vật nói lên tình cảm, sự ngưỡng mộ của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta… Mỗi hiện vật là một câu chuyện cảm động, thú vị gắn với một con người, một tổ chức hay một quốc gia, dân tộc trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ đó chúng ta cảm nhận được phong cách giản dị, tình cảm chân thành, tình hữu nghị trong sáng của Người cũng như lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam, sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế đối với Người", tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - nói trong phát biểu khai mạc.
Và cả những người lớn tuổi cũng say mê tìm hiểu những câu chuyện về Bác
Tại đây, người xem sẽ được biết về bối cảnh họa sĩ Vũ Cao Đàm nặn bức chân dung bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm Pháp với mong muốn tìm giải pháp cho nền hòa bình của Việt Nam năm 1946, hay chuyện các em học sinh đã tự tay làm những món quà dễ thương tặng Bác Hồ, và hàng trăm câu chuyện ít người biết khác.
Xem trưng bày, mỗi người chắc chắn sẽ tìm thấy những câu chuyện xúc động, gợi nhiều suy nghĩ về Bác Hồ, về một thời đại đặc biệt, khi mà những tình cảm của nhân dân dành cho lãnh tụ tha thiết, sáng trong và tuyệt đối.
Nó cũng gợi nhắc về một thời người ta bày tỏ tình cảm bằng những món quà tự tay làm hay tự lựa thật cẩn thận, bằng những tấm thiếp tự vẽ, những chiếc khăn, chiếc áo tự đan…
Trưng bày cũng hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài
Với những người yêu cái đẹp và hoài cổ, trưng bày này ngoài đem đến những xúc động về Bác còn là những cảm xúc đặc biệt khi gặp lại những đồ vật gây thương nhớ của một thời đại đã lùi xa hơn nửa thế kỷ trước, khi con người còn sống chậm trong một thế giới chưa bị thiêu đốt bởi chủ nghĩa tiêu dùng, với vật phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt.
Ở đây, công chúng được khám phá không chỉ "văn minh vật chất của người Việt" hơn nửa thế kỷ trước, mà còn được ghé con mắt khám phá nghệ thuật thủ công tinh xảo của nhiều nước trên thế giới thông qua những tặng phẩm quý mà nhân dân thế giới tặng Bác Hồ.
Trưng bày sẽ kéo dài hàng tháng để đón người xem, cho tới khi có trưng bày mới.
Chiếc quạt điện Ấp Bắc do Xí nghiệp điện khí Thống Nhất (Hà Nội) kính tặng Bác Hồ năm 1967
Chiếc khăn len quàng cổ do bà Marie Louise - phu nhân Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch - đan tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968
Máy ghi âm M20 do đoàn sinh viên thực tập tại Hungary kính tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 79 của Người tháng 5-1969
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận