Thưởng thức lê mùa thu, thực phẩm tươi ngon Nhật Bản với giá vừa túi tiền
Vào hôm nay 5-10, đứng bên cạnh gian hàng "Xin chào Nhật Bản", Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo niềm nở giới thiệu các sản phẩm cho khách Việt đến mua.
Gian hàng đang mở tại tầng 5 của Saigon Centre (Q.1, TP.HCM), kéo dài đến ngày 12-10 tới, bày bán 74 loại sản phẩm: lê Nhật Bản - giống Kosui từ tỉnh Ibaraki, thực phẩm bổ sung, tốt cho sức khỏe, thực phẩm làm đẹp, nước ép rau củ, nước ép trái cây, bột trà xanh, thạch trái cây, nước sốt, dầu gạo, bánh kẹo...
Chia sẻ rành rọt bằng tiếng Việt, ông Ono Masuo cho biết thực phẩm Nhật Bản được biết đến với hương vị thơm ngon và chất lượng tốt, rất nhiều loại được chọn để làm quà. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều khách hàng khó tiếp cận dùng thử vì giá cao. Do đó, gian hàng "Xin chào Nhật Bản" chọn bày bán các sản phẩm vừa túi tiền.
Theo ghi nhận, nhiều sản phẩm tại gian hàng có giá chỉ từ 19.000 - 50.000 đồng/sản phẩm. Một số mặt hàng được gói chung vào hộp quà để thuận tiện tặng với giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/phần.
"Tôi hy vọng gian hàng lần này sẽ là cầu nối lan tỏa sự phong phú hấp dẫn của sản phẩm Nhật Bản đến nhiều người Việt hơn nữa", vị tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nói. Đồng thời kỳ vọng thông qua nỗ lực của hai nước, thời gian tới nông sản và thủy sản Việt - Nhật được trao đổi nhiều hơn, tạo cơ hội cho đông đảo nhân dân biết đến, thưởng thức.
Chỉ có táo, lê và quýt Nhật nhập khẩu chính ngạch, kỳ vọng sẽ có thêm nho và đào momo
Theo ghi nhận, trên thị trường có nhiều người chào bán bột trà xanh, bánh kẹo, thực phẩm chức năng... và giới thiệu có nguồn gốc Nhật Bản, nhưng thực tế không rõ xuất xứ. Bên cạnh đó, các loại trái cây, điển hình "nho mẫu đơn Nhật Bản" được bán với giá vô chừng, từ 150.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng/kg. Diễn biến này khiến không ít khách hàng hoang mang, không rõ thực hư.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về thực trạng trên, ông Katsunori Nakazawa - phó chủ tịch điều hành, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - nhận định: "Đây là điều rất đáng lo ngại".
Hiện tại JETRO đã kết hợp nhiều bên để thiết lập nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông sản, thủy sản Nhật Bản vào Việt Nam. Qua đó, khi phát hiện ra sản phẩm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm thương hiệu Nhật Bản... người tiêu dùng và các đơn vị có thể phản ánh. Từ đó phía nền tảng thực hiện các biện pháp phù hợp, thông qua cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề.
Qua đây, ông Katsunori Nakazawa cũng cho biết hiện tại chỉ có ba loại trái cây Nhật Bản được phép nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam, bao gồm: táo, lê và quýt. Trong đó, táo là sản phẩm thành công nhất.
Nhật Bản có nhiều trái cây tươi ngon và chất lượng. Kỳ vọng trong tương lai khi một số điểm của quy định kiểm dịch thực vật thống nhất hơn, nhiều loại trái cây Nhật được nhập khẩu vào Việt Nam hơn, mục tiêu trước mắt là nho và đào momo (đào tiên).
Liên quan đến thị trường chung, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cũng cho hay Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm ra thế giới lên xấp xỉ 855.000 tỉ đồng (tương đương 5.000 tỉ yen) vào năm 2030.
Trong đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Nhật Bản trên thế giới, về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế cao, tỉ lệ người dân thu nhập trung bình tăng, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng cao.
"Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, với dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Nhật Bản kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa xuất xuất khẩu sang đây", ông Katsunori Nakazawa cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận