17/04/2019 11:44 GMT+7

Mỗi gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường cho trẻ đọc sách

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TTO - Trước thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam chưa cao, ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, nhấn mạnh mỗi gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường cho trẻ đọc sách.

Mỗi gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường cho trẻ đọc sách - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Lưu Hữu Phước (Q.8, TP.HCM) trong Ngày hội đọc sách tổ chức tại trường - Ảnh: KIM NHUNG

Nhân Ngày sách Việt Nam 21-4, Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM và Hội Xuất bản Việt Nam dự kiến tổ chức tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen cho trẻ?".

Ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM - cho rằng từ thực tế văn hóa đọc của người Việt Nam chưa cao, nguyên nhân do chúng ta chưa có thói quen đọc được tạo dựng từ khi còn nhỏ.

Việc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM cùng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm chỉ ra thực trạng này và tìm kiếm các giải pháp khuyến khích hình thành thói quen đọc sách hữu ích cho trẻ em, học sinh ngay trong môi trường giáo dục và gia đình.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 26% người VN không bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng đọc. Đó là những con số rất đáng suy nghĩ"

Ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM


* Tại sao tọa đàm chỉ bàn đến việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ, thưa ông?

- Chúng tôi chỉ chọn chủ đề này để đi vào mấu chốt của vấn đề phát triển văn hóa đọc hiện nay. Nếu chúng ta không tìm cách để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé thì sau này khó mà tạo lập thói quen này.

Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài tham luận gửi về cho ban tổ chức tọa đàm thì: "Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả "khám phá kho báu tri thức" hay "nâng cao văn hóa đọc" như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không".

* Theo quan điểm của cá nhân ông, để tạo thói quen đọc sách cho trẻ thì gia đình, nhà trường và xã hội cần phải làm gì?

- Trong gia đình cần xây dựng môi trường sẵn sàng cho việc đọc của trẻ. Đó là trong mỗi gia đình nên có không gian đọc thân thiện để trẻ dễ tiếp cận như sách cần đặt ở trong phòng khách, phòng học hay phòng ngủ - hay bất cứ nơi nào mà trẻ thường lui tới, với nguồn sách được chọn lọc phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý.

Cha mẹ, người lớn trong gia đình cũng luôn phải là người bạn cùng đọc với trẻ, cùng con đọc sách vào một giờ nhất định trong ngày hoặc trong tuần; chuyện trò với con trẻ về cuốn sách mình đang đọc, gợi ý cho con về những cuốn sách hay sẽ góp phần kích thích sự tò mò và niềm yêu thích đọc của trẻ.

Người lớn cũng có thể cùng con trẻ đi đến thư viện, các hiệu sách, đường sách, nơi con có thể được "tắm mình" trong môi trường sách, được hấp dẫn bởi những đầu sách mới hoặc những hoạt động giao lưu, sinh hoạt sôi nổi của những người yêu thích, say mê sách.

Trường học cần phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện để thư viện đạt chuẩn, trở thành thư viện thân thiện...

Thư viện trường ngoài việc cung cấp tài liệu nhằm đáp ứng yêu cầu của giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập nên thường xuyên có nhiều hoạt động lôi cuốn học sinh như: thi kể chuyện, thuyết trình, trưng bày, triển lãm sách, giới thiệu sách, tổ chức ngày hội đọc sách, giao lưu tác giả... để qua đó thư viện lôi cuốn học sinh đến với sách, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.

Chúng tôi thấy một số trường - tất nhiên không nhiều - từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS, THPT đã sắp xếp các giờ (tiết) đọc sách cố định trong giờ học, trong tuần, trong tháng, đọc sách đầu giờ sáng mỗi ngày... có tính thường xuyên, tạo ra hoạt động đọc sách của học sinh. Bước đầu những hoạt động này đã đi vào nề nếp và có hiệu ứng rất tích cực.

* Những kỳ vọng và mục tiêu đặt ra của tọa đàm là gì?

- Chúng tôi muốn qua cuộc tọa đàm này tạo ra sự nhận thức đúng của toàn xã hội từ các bậc phụ huynh, các cơ quan - đơn vị ngành văn hóa, giáo dục... về tầm quan trọng của sự phát triển văn hóa đọc. Từ đó có những chuyển biến thật sự từ những nỗ lực cụ thể, những giải pháp thiết thực, cùng nhau giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách, giúp sự phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng trong tương lai.

* Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM sẽ có những giải pháp gì để những ý tưởng đề xuất từ tọa đàm đi vào thực tiễn?

- Chúng tôi sẽ tập hợp và kiến nghị với lãnh đạo UBND thành phố, Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan chức năng có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại khó khăn hiện nay của ngành thư viện trường học.

Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp để văn hóa đọc trong nhà trường phát triển với những biện pháp cụ thể như hình thành tiết đọc sách trong khung giờ giảng dạy chính thức của nhà trường.

Thực tế cho thấy 10 năm qua (2010-2019), chúng ta chưa thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 6 đầu sách/người/năm mà chỉ thị 42 của Ban Bí thư đã đề ra. Thống kê của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về việc tiếp cận thư viện của người dân Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp, chỉ 564.133 người/90 triệu dân.
Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là HSSV) sử dụng thư viện theo quyết định 329 về phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 15-3-2019 thì quả thật còn có sự chênh lệch lớn.
Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, bình quân 4 đầu sách/người. Tuy nhiên, lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập đã chiếm 80%. Như vậy, số bản sách còn lại gần 100 triệu bản dành cho trên 90 triệu dân là quá thấp.

Đưa sách vào khắp nơi trong trường để học trò ham đọc sách

TTO - Mang sách từ nhà tới trường để sẻ chia với bạn, tận dụng 20 phút đầu giờ để đọc, dành 2 tiết mỗi tuần để thầy hướng dẫn trò đọc sách và cảm nhận sách…

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên