01/06/2017 11:41 GMT+7

Mỗi đứa  con một điện thoại khi ăn cho nhà yên

Ths NGUYỄN VĂN CÔNG
Ths NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Điện thoại iPhone, máy tính bảng, iPad… dường như đang làm cho trẻ thiếu hụt đi những kỹ năng cần thiết, khoảng cách cha mẹ - con cái dường như càng xa dần. Làm sao kéo con trẻ ra khỏi vòng luẩn quẩn của công nghệ?

Nhiều trẻ em mê mẩn máy tính bảng - Ảnh: tư liệu TTO

Thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ đã xâm nhập vào từng ngõ ngách của mỗi gia đình. Tuy nhiên, mặt trái của các phương tiện công nghệ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta mà nhất là trong việc giáo dục con trẻ, đã quá rõ.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của ThS Nguyễn Văn Công - giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai).

Ăn, học, chơi, ngủ… cùng công nghệ

Trong gia đình hiện nay, việc trang bị cho mỗi đứa trẻ một hay một vài phương tiện công nghệ là hết sức bình thường.

Có nhiều lý do mà cha mẹ đáp ứng. Chẳng hạn như sắm cho con điện thoại để có thể quản lý con được dễ dàng, trang bị cho con phương tiện hiện đại để con có thể thường xuyên nắm bắt được thông tin mới.

Hoặc có thể giúp con dễ dàng với việc học tập, tham gia các cuộc thi trên mạng, hoặc nhờ có công nghệ mà trẻ có thể liên hệ trực tiếp với thầy cô giáo để hỏi bài, tư vấn hoặc trao đổi bài với các bạn cùng lớp hoặc là chia sẻ, giao lưu…

Tất cả những lý do đó đều hợp lý và cũng là mong muốn của các bậc phụ huynh.

Song, thực tế việc hướng dẫn để trẻ sử dụng như thế nào cho phù hợp quả là khó khăn hơn bao giờ hết. Việc trẻ lạm dụng công nghệ trở nên phổ biến và hậu quả để lại thì khó lường hết được.

Một hôm tôi đến nhà anh bạn tôi chơi, đúng vào lúc cả gia đình đang dùng cơm tối. Thật bất ngờ là ba đứa con vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, có đứa vừa chơi điện tử, có đứa thì chát với bạn, đứa thì xem phim…

Mỗi thành viên một thế giới riêng, bữa cơm quây quần giữa các thành viên trong gia đình bỗng dưng nhạt nhẽo, đơn điệu và thiếu những lời nói rôm rả.

Thậm chí, tôi đến mà các cháu vẫn say mê với thú vui của mình. Cha mẹ cháu nhắc đến lần thứ ba thì có cháu mới nhìn tôi chào qua quýt rồi lại dán mắt vào màn hình điện thoại, iPad.

Cha mẹ chúng còn lý giải nếu không được vừa ăn vừa coi điện thoại thì chúng chẳng chịu ăn mà còn tranh cãi nhau ồn ào, căng thẳng.

Giao cho các con mỗi đứa một máy để con giữ trật tự, gia đình được yên tĩnh, thoải mái sau những giờ làm việc vất vả hay đang cần tiếp khách.

Con trai anh bạn hàng xóm tôi học lớp 7 cũng mê mẩn với những trò game trên chiếc điện thoại mà cha mẹ mua cho. Tưởng rằng con học được nhiều điều hay khi có điện thoại nhưng thực tế thì học hành chểnh mảng, sa sút.

Cô giáo đã phải gọi điện cho cha mẹ về hành vi nghe nhạc, chát với bạn trong lúc cô giáo giảng bài. Có lần trong lúc đi chơi với bạn, vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại dẫn đến không tập trung và gây ra tai nạn cho một học sinh khác phải đi nhập viện.

Đúng là khi được đáp ứng thì chúng im lặng thật sự với những trò tiêu khiển của mình. Còn cha mẹ thì cũng có quá ít thòi gian để biết con chơi cái gì ở đó

Từ nhận thức hạn chế đến hệ lụy nghiêm trọng

Trẻ con là độ tuổi đang hoàn thiện về mặt sinh học và từng bước trưởng thành về xã hội nên các em chưa đủ hiểu biết để nhận dạng được với những tác hại của các thiết bị điện tử gây ra.

Ở độ tuổi vui chơi đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách thì bất cứ thứ gì mới mẻ, cuốn hút, hấp dẫn là các em bi mê hoặc.

Khi thiếu định hướng của người lớn mà nhất là các phương tiện kết nối Internet thì các em có thể bị cuốn hút bởi các trang mạng xã hội phức tạp như các trang mạng kích dục, bạo lực hoặc các loại hình game thủ mới nhất hiện nay.

Thật không khó khăn gì để vào các trang mạng mà trẻ muốn. Bên cạnh đó, các em còn hạn chế trong phân tích, đánh giá, chọn lọc giá trị, đúng - sai, phải - trái.

Sự lạm dụng các thiết bị điện tử có thể dẫn đến nhiều hệ quả:

1- Ảnh hưởng thể chất: Sóng điện từ của các thiết bị công nghệ có thể gây ra những tác hại không lường ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Theo các nghiên cứu cho rằng khả năng đọc và trí nhớ của trẻ có thể sẽ bị suy giảm rõ rệt nếu thường xuyên xem tivi hoặc dùng máy vi tính.

Sóng điện từ và sóng bức xạ từ tivi và máy tính cũng như điện thoại di động có thể sẽ tác động tới não và gây ra chứng giảm thị lực và giảm trí nhớ, gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nguy hiểm hơn là trẻ có thể gặp phải những vấn đề về tim mạch.

Thực tế đã chỉ ra rằng việc sử dụng máy tính bảng hay smartphone trước khi đi ngủ vào ban đêm sẽ làm cho giấc ngủ khó khăn hơn, điều này làm thay đổi chu kỳ sinh học tự nhiên của cơ thể.

2- Giao tiếp, học tâp kém hơn: Giờ đây những biểu hiện nhận thức, cảm xúc qua giao tiếp đang dần mất đi và thay vào đó là các thiết bị công nghệ hiện đại đang dần chiếm chỗ.

Trẻ em dành quá nhiều thời gian cho việc giao tiếp qua các thiết bị công nghệ, sẽ dần mất đi kỹ năng giao tiếp cơ bản.

Nếu trẻ chỉ chăm chú vào những thiết bị công nghệ này sẽ không còn hứng thú với những việc học tập các kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ nghèo nàn, thiếu linh hoạt, các em khó khăn trong biểu đạt cảm xúc của mình.

Khi các em dành nhiều thời gian cho việc sử dụng đồ công nghệ hiện đại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập của trẻ, vì khi sử dụng nó làm cho trẻ không tập trung, dẫn đến xao nhãng việc học, hạn chế sự sáng tạo của trẻ cũng như làm phát triển chậm các giác quan, thậm chí trẻ dẫn đến sự lười biếng và quay cóp, gian lận trong thi cử.

3- Thiếu những bài học giá trị: Nhiều bố mẹ thiếu sự tương tác quan trọng đối với sự phát triển của con cái.

Khoảng cách vô hình này bởi các thiết bị điện thoại làm cho trẻ thiếu đi những phẩm chất cần thiết như sự chia sẻ, quan tâm đến người khác trong gia đình.

Thậm chí khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng xa hơn khi mỗi người một thế giới riêng. Trẻ sống vô cảm, thờ ơ, bàng quan với mọi người nếu chìm đắm trong thế giới công nghệ.

Kiểm soát và định hướng cụ thể

Không nên để trẻ tiếp xúc với máy tính quá lâu trong ngày, chỉ khi nào các em có cần thư giãn sau thời gian học tập, lao động vất vả thì cha mẹ có thể thưởng cho con 15-20 phút/ngày.

Hạn chế tối đa việc con sử dụng thiết bị có kết nối Internet, có chăng dành vào việc truy cập thông tin bổ ích trên mạng như hướng dẫn học tiếng Anh, cách chế biến món ăn, tham gia các cuộc thi trên mạng…

Tất nhiên chúng ta cần giải thích, định hướng hơn là sự ép buộc, cấm đoán bởi khi mà càng bị cấm thì các em thường hay tò mò, khám phá. Cha mẹ có thể theo dõi tiến độ và quá trình học của con ở trường thông qua các phần mềm hỗ trợ.

Cha mẹ phải dành thời gian thường xuyên trò chuyện cùng con, cho con thật nhiều cơ hội trải nghiệm từ thực tế cuộc sống mà không phải từ truyền hình hay Internet. Những trải nghiệm thông qua lớp học được tổ chức kỷ luật cao sẽ hình thành cho trẻ những thói quen cần thiết, nhất là không được sử dụng điện thoại, iPad… trong giờ học.

Đặc biệt, ở thành thị khóa học kỹ năng tốt như học kỳ trong quân đội, trải nghiệm qua khoa học này các em phải tuân thủ một cách chặt chẽ và yêu cầu cao về kỷ luật quân đội, qua đó phần nào giúp các em ý thức hơn trong việc sinh hoạt và cũng như duy trì nền nếp.

Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi thể thao như bơi lội, gia nhập đội bóng, đi dã ngoại… để trẻ không bị sa đà vào thế giới mạng.

Khi có thời gian như những ngày hè này thì nên cho trẻ về quê hoặc đi du lịch ở những vùng nông thôn để trẻ được trải nghiệm. Ở quê trẻ thường phải đối mặt với những khó khăn như thời tiết, khí hậu, sự thay đổi môi trường sống…

Đó chính là điều kiện tốt cho trẻ rèn luyện thể lực cũng như các kỹ năng tự phục vụ như tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng khi cha mẹ vắng mặt. Những điều kiện mới cũng như sự hấp dẫn của quá trình trải nghiệm với thiên nhiên sẽ giúp trẻ ít tiếp xúc hơn với các thiết bị điện tử.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

 

Ths NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên