31/07/2017 14:02 GMT+7

Mỗi đứa con một cuộc chiến tranh

  HOÀNG HƯNG
HOÀNG HƯNG

TTO - 93 tuổi, mẹ Trần Thị Duẩn đôi lúc nhớ, đôi lúc quên những câu chuyện thường ngày. Nhưng chưa lúc nào mẹ nguôi ngoai chiến tranh.

*** Error ***
Giấy báo tử ố màu thời gian của liệt sĩ Bùi Văn Ta - Ảnh: H.H

“Để xác định chính xác phần mộ anh tôi thì buộc phải tìm được người đồng đội đã chôn cất anh tôi mà gia đình không có thông tin gì. Mỗi khi về gặp mẹ, thấy mẹ khóc mà lòng tôi rối bời

Anh Bùi Văn Tăng

Mẹ đã mất hai người con trong hai cuộc chiến khốc liệt. Đau xót hơn, đến giờ này vẫn còn một người con của mẹ chưa tìm thấy hài cốt.

Chúng tôi tìm về thôn Bình Tiến, xã Bình Thành, huyện Định Hóa để thăm mẹ, một trong 39 bà mẹ của Thái Nguyên được trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014.

Nỗi đau cuộc chiến thứ nhất

Mẹ có chín người con thì tới ba người con lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Câu hát (trong bài Đất nước) “ba lần tiễn con đi/hai lần khóc thầm lặng lẽ” vận đúng vào trường hợp của mẹ vì hai trong ba người con ấy đã vĩnh viễn nằm xuống.

Đó là liệt sĩ Bùi Văn Ta, hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và liệt sĩ Bùi Văn Thắng hi sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Anh em họ đã chiến đấu anh dũng và hi sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong ngôi nhà tình nghĩa nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp ở thôn Bình Tiến, mẹ Duẩn nay sức đã yếu, đôi mắt cũng mờ dần theo thời gian, nhưng chiều nào mẹ cũng ngồi võng ở hiên nhà mắt dõi xa xăm.

Mẹ bảo: “Nhớ các con lắm. Ngày tiễn con đi, đứa nào cũng bảo khi hết chiến tranh sẽ về với mẹ. Vậy mà chúng chẳng giữ lời hứa...”.

Năm 1968, người con cả của mẹ là anh Bùi Văn Ta lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi.

“Nó hỏi tôi: Con đi đánh Mỹ, mẹ có cản không? Tôi bảo: Đi mà đánh giặc con ạ. Không đánh giặc thì nó cướp nước mình à!” - mẹ kể.

Ngày tiễn anh lên đường nhập ngũ, mẹ muốn nấu bữa cơm tươm tất, ngặt nỗi nhà nghèo chỉ có khoai sắn. Mẹ tủi cho bản thân mình vì không có nổi bữa cơm thịt cho con ăn trước ngày ra chiến trường.

Mẹ nói: “Thằng Ta hiền lành, khỏe mạnh. Vì nhà nghèo mà lại là anh cả nên học đến lớp 4 phải nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ làm đồng, phát đồi khai hoang trồng chè. Làm việc gì nó cũng tự giác mà gọn gàng. Nó nhập ngũ, chắc chắn sẽ góp sức cho kháng chiến thành công”.

Do hoàn cảnh chiến tranh, suốt gần một năm sau đó dù biết anh Ta huấn luyện ở Hà Bắc nhưng mẹ không thể đến thăm anh, chỉ sau đó được người làng báo tin anh đã vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Mẹ bặt tin anh suốt nhiều năm. Cho đến một buổi sáng mùa đông năm 1974, mẹ được tin đứa con cả của mình hi sinh.

Mẹ bảo: “Tôi cứ khóc mãi, rồi lẩm cẩm nghĩ mình chưa một lần được trông thấy con mặc quân phục. Không biết nó mặc có vừa không? Có đẹp không? Trong những năm đi bộ đội ấy, con tôi có được ăn bữa cơm nào có thịt không?”.

Tiếp bước người anh cả, năm 1972 người con thứ tư của mẹ Duẩn là anh Bùi Văn Tăng cũng tòng quân khi vừa tròn 18 tuổi.

Mẹ Duẩn lại tiễn anh lên đường bằng một bữa cơm khoai sắn. May cho mẹ và gia đình là anh Tăng còn nguyên vẹn trở về sau khi chiến tranh chống Mỹ chấm dứt, dù mang trong người không ít vết thương.

Chất độc da cam mà anh bị nhiễm khiến sau này hai đứa con đầu của anh sinh ra ốm yếu và chết khi chưa đầy 3 tuổi.

Mẹ Trần Thị Duẩn - Ảnh: H.H
Mẹ Trần Thị Duẩn - Ảnh: H.H

Cuộc chiến thứ hai

Năm 1978, khi mặt trận Tây Nam của đất nước đang nóng bỏng, đến lượt người con thứ năm của mẹ là anh Bùi Văn Thắng nhập ngũ.

Mẹ kể: “Thắng nó cũng ngoan, hiền lành như anh nó. Thắng học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp và được bạn bè quý mến. Năm nó đi bộ đội, thằng Tăng cản ghê lắm, bảo nó phải ở nhà giúp mẹ nuôi các em nhưng nó không nghe. Nó bảo các anh đi bộ đội được thì cũng phải để em đi”.

Đầu năm 1979, Thắng được điều lên biên giới phía Bắc. Khi gia đình biết tin chiến tranh với Trung Quốc nổ ra, mẹ Duẩn linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra cho con trai của mình.

Nhiều đêm mẹ không ngủ được khi dõi theo tin chiến trận. Khi quân xâm lược Trung Quốc rút về nước, các đồng đội cùng xã với anh Thắng lần lượt trở về nhưng mẹ không thấy anh đâu.

Một buổi sáng mùa thu cùng năm đó, mẹ đang cùng bà con đào công sự đề phòng giặc quay lại tấn công thì tin dữ báo về: anh Thắng hi sinh đúng vào tối 17-2-1979 - ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới.

Mẹ kể: “Mới trước đó tôi còn động viên bà con an tâm sản xuất vì quân Trung Quốc không thể tiến đến Thái Nguyên do trên biên giới đã có con trai tôi và đồng đội của nó chặn chúng lại. Vậy mà...”.

Sau này đồng đội của anh Thắng kể lại tối 17-2-1979, anh Thắng đang trực chiến đấu bên khẩu đại liên 12 li 7 tại chốt sát biên giới thuộc địa bàn huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) thì bị thương do đạn pháo của Trung Quốc găm vào xương ống chân trái.

Dù vậy anh vẫn quyết tâm bám lấy trận địa, cản bước quân thù. Khuya 17-2-1979, anh Thắng bị địch bắn thẳng vào ngực và đã ngã xuống như một anh hùng.

Mong nắm xương tàn của con trai

Thông cảm nỗi đau, sự mất mát của mẹ mình, cô con gái út là chị Bùi Thị Chín sinh năm 1966 đã từ chối lấy chồng để chăm sóc mẹ cho đến nay.

Mẹ Duẩn cho biết: “Đã nhiều lần tôi động viên Chín xây dựng gia đình nhưng nó cứ bảo chẳng có người chồng nào bằng mẹ cả...!”.

Căn nhà tình nghĩa nhỏ của mẹ Duẩn những ngày cuối tháng 7 thơm ngát hương trầm của người đến viếng.

Mỗi năm đến dịp tháng 7, mẹ Duẩn dường như buồn hơn. Chiều chiều mẹ lại ra hè ngồi nhìn xa xăm như mong ngóng con trai trở về.

Trong hai người con liệt sĩ của mẹ, chỉ có anh Bùi Văn Thắng là gia đình đã tìm được hài cốt, còn anh Bùi Văn Ta hiện vẫn nằm lại đâu đó với cỏ cây, ruộng đồng.

Nhiều năm trước, anh Bùi Văn Tăng đã đi khắp các tỉnh miền Nam, đến tất cả quân khu để tìm kiếm mộ anh trai mình nhưng vẫn không thấy.

Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Văn Tăng cho biết: “Là dân Thái Nguyên nhưng khi đi bộ đội, anh Ta khai nguyên quán Kiến Xương, Thái Bình nên phải mất rất nhiều thời gian tôi mới tìm được tên anh trong danh sách các liệt sĩ của tỉnh Thái Bình tại Quân khu 9.

Qua đó, tôi biết được anh Ta đã chiến đấu, hi sinh trên địa bàn tỉnh Tà Vẹt của Campuchia. Tôi đã đi khắp các nghĩa trang quy tập mộ liệt sĩ hi sinh ở Tà Vẹt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để tìm nhưng không thấy anh. Có lẽ anh tôi nằm trong số các liệt sĩ vô danh được quy tập về.

Theo đơn vị quy tập, mỗi mộ liệt sĩ vô danh đều có sơ đồ mộ phần khi an táng và hồ sơ liên quan kèm theo.

Để xác định chính xác phần mộ anh tôi thì buộc phải tìm được người đồng đội đã chôn cất anh tôi mà gia đình thì không có thông tin gì. Mỗi khi về gặp mẹ, thấy mẹ khóc mà lòng tôi rối bời”.

Kỳ tới: Những người mẹ M'Nông

Các nhà báo Thái Nguyên với mẹ Duẩn - Ảnh: H.H
Các nhà báo Thái Nguyên với mẹ Duẩn - Ảnh: H.H

Năm 2014, báo Thái Nguyên nhận phụng dưỡng mẹ Duẩn đến cuối đời. Kể từ đó, các cán bộ phóng viên của báo đến thăm hỏi mẹ thường xuyên, chăm sóc những khi mẹ đau ốm; đỡ đần gia đình mỗi khi có công có việc.

Chị Đỗ Thị Thìn, tổng biên tập báo Thái Nguyên, cho rằng những người mẹ anh hùng như mẹ Duẩn đã hi sinh quá nhiều cho đất nước này và họ cần được phụng dưỡng một cách chu đáo.






HOÀNG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên