
Ông Nguyễn Tuấn Hà - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ tâm huyết tổ chức lễ hội cà phê, thúc đẩy kinh tế và du lịch - Ảnh: BÔNG MAI
Họp báo về việc tổ chức "Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột" 2025 vừa được diễn ra ngày 21-2 ở TP.HCM.
500 quán cà phê miễn phí thức uống cho du khách
"Cà phê là loại nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng", ông Nguyễn Tuấn Hà - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, trưởng ban tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2025 - chia sẻ.
Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam với khoảng hơn 210.000ha, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 520.000 tấn - chiếm 30% sản lượng cà phê Việt Nam.
Qua 8 lần tổ chức, lễ hội cà phê đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành tại Việt Nam, có ảnh hưởng lớn với người dân và du khách trong và ngoài nước.
"Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột" lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13-3 tại Đắk Lắk, bao gồm nhiều hoạt động sôi động. Thông qua lễ hội, địa phương cũng thúc đẩy hoạt động chế biến sâu, thu hút thêm nhà đầu tư.
Ông Lại Đức Đại - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - cho biết lễ hội có khoảng 17 hoạt động xoay quanh hạt cà phê, tạo nên không khí sôi động.
Nổi bật như: hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP, cuộc thi rang cà phê đặc sản, hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối nâng tầm cà phê Việt, lễ hội đường phố, hội voi Buôn Đôn, hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk...
Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 500 quán cà phê địa phương đăng ký vào chương trình cho du khách thưởng thức miễn phí cà phê ở quán, trong khuôn khổ lễ hội. Số lượng quán tham gia có thể tiếp tục tăng lên. Các quán hưởng ứng chương trình đều có bảng thông báo để khách hàng nhận diện.
Chung tay làm rạng danh cà phê

Hoa hậu H'Hen Niê bày tỏ mong muốn lan tỏa tình yêu cà phê, nâng cao giá trị nông sản Việt - Ảnh: FBNV
Là người con của Đắk Lắk, hoa hậu H'Hen Niê chia sẻ chân thành: "Cà phê đã thay đổi cuộc sống nhiều người dân Đắk Lắk, có cả gia đình Hen". Cô tâm sự, khi ở quê, 5h sáng tiếng gà gáy, mẹ thức dậy và ba lấy cà phê do mẹ rang để đem pha cho cả nhà thưởng thức, rồi bàn công việc. Khoảnh khắc ấy cũng khiến cô nhớ nhà và cảm thấy ấm áp.
Tại TP.HCM nơi cô đang sinh sống và làm việc, cà phê cũng được nhiều người dân ưa chuộng. Với vai trò là đại sứ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, cô hy vọng sẽ góp phần mang đến những tác động tích cực cho ngành cà phê tỉnh nhà và Việt Nam.
"Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột" năm nay còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk, nỗ lực nâng tầm nông sản, vươn ra thị trường quốc tế, tạo sinh kế bền vững cho bà con nông dân.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Danh Hữu - giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông Trại EDE - cho hay doanh nghiệp vừa xuất khẩu thành công container 20 feet với 18.000 gói cà phê rang xay Miss Ede sang thị trường Mỹ, sắp tới tiến vào Thụy Điển và các nước châu Âu.
Đây là các sản phẩm cà phê hoàn chỉnh, không phải gia công gắn nhãn mác hay nguyên liệu thô. Cà phê được tạo ra từ các vườn canh tác bền vững, không xâm lấn rừng tự nhiên, giảm phát thải carbon, quy trình canh tác hiện đại, đồng thời tạo sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế địa phương.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2024 đã đạt kỷ lục 5,2 tỉ USD, lần đầu tiên trong lịch sử. Ngành cà phê Việt Nam đang tiến tới việc chinh phục vượt kỷ lục của chính mình trong năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận