21/11/2016 14:54 GMT+7

"Mới đi mấy bữa mà bày đặt sửa tiếng!"

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

TTO - Là người vùng Quảng Nam, Bình Định, sau vài tháng ở TP.HCM trở về quê nhà, nói theo giọng miền Nam, chắc chắn sẽ bị bạn bè, bà con ở quê nhà nhận xét: “Mới đi mấy bữa mà bày đặt sửa tiếng!”.

Bà con Quảng Nam coi âm giọng xứ mình và mì Quảng như một đặc sản riêng của Quảng Nam - Ảnh tư liệu TTO

Đọc bài bài viết về , ThS Đỗ Thành Dương, giảng viên chính, trưởng bộ môn ngữ văn Trường Dự bị đại học trung ương Nha Trang đã có bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online. Chúng tôi xin được đăng phản hồi này như một cách nhìn đa chiều trong khoa học ngôn ngữ, một ngành khoa học vốn ủng hộ tranh luận. Tác giả viết:

hóm hỉnh, trêu đùa nhưng không hề giễu cợt, đả kích hay có chút gì kỳ thị vùng miền. Chúng ta mong muốn tiếp tục được đọc thêm nhiều bài báo dí dỏm, thú vị mà chuyên chở nhiều tri thức về ngữ học như thế.

Qua bài viết, tác giả Lê Hồng Lâm đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và vốn hiểu biết khá phong phú về giọng/tiếng nói của các vùng miền trên cả đất nước ta.

Nhưng cũng qua bài báo, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề muốn chia sẻ thêm cùng tác giả và tỏ bày cùng các bạn đọc.

Không phải "ngọng nghịu" mà là sai âm chuẩn?

Trước hết, về chuyện “nói ngọng”, bài viết đã đưa ra nhiều dẫn chứng khá phong phú về hiện tượng “nói ngọng” của cư dân các vùng miền trên cả nước, lý giải nguyên nhân rằng: “Nói ngọng cũng như đặc sản vùng miền, nó thấm vào tận gan ruột, ăn vào tận cơ lưỡi rồi, uốn lắm rồi mà bản năng nó trỗi dậy là thua, đâu phải muốn mà thoát... ngọng”; và khẳng định: “Cả xứ mình thử hỏi đố tìm ra vùng nào không ngọng xem nào?”.

Băn khoăn về nhận xét trên, lần tìm trong Từ điển Tiếng Việt, chúng tôi có được giải nghĩa về tính từ “ngọng” là: “Không phát âm được đúng một số âm do có tật hoặc do nói chưa sõi”, ví dụ như: Nói ngọng. Người ngọng; tính từ “ngọng nghịu” nghĩa khái quát cũng tương đương như là “ngọng”.

Căn cứ vào lời giải nghĩa đáng tin cậy của nhóm tác giả Hoàng Phê nêu trên, rõ ràng toàn dân cả nước ta, hoàn toàn đâu phải là “nói ngọng do có tật hoặc nói chưa sõi”, mà đó chính là hiện tượng cư dân các vùng miền nói không đúng âm chuẩn, mà các nhà ngữ học xếp vào loại “lỗi phương ngữ”.

Bộ môn phương ngữ học chuyên nghiên cứu về tiếng/giọng nói của các vùng miền trên đất nước ta xem đây là hiện tượng phát âm chưa đúng chuẩn ngữ âm tiếng Việt.

Chúng tôi nhất trí với tác giả L.H.L. về nhận xét: Cả nước ta hiện khó/không tìm ra một vùng nào cư dân phát âm hoàn toàn đúng âm chuẩn. Vì rằng âm chuẩn là khái niệm do các nhà ngữ học đặt ra dưới góc độ nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt, chứ trong thực tế xã hội thì chưa có cứ liệu gì xác thực cho lắm.

Qua quá trình dày công khảo sát, các nhà ngữ học hàng đầu nước ta là là GS Nguyễn Kim Thản và GS Nguyễn Văn Tu cũng không hề dám cả quyết, mà chỉ dè dặt nhìn nhận rằng: “thổ ngữ xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng (thuộc phương ngữ Bắc bộ) có thể xem là âm chuẩn của ngữ âm hiện đại nước ta” (dẫn theo TS Võ Xuân Hào, ĐH Quy Nhơn).

Cho nên tiếng/giọng nói của cư dân các vùng phương ngữ trên đất nước ta hiện nay đã tồn tại qua hàng ngàn năm và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nhiều năm sau nữa – khó có khả năng thay đổi, không phải là nói ngọng như tác giả và nhiều người khác ngộ nhận, mà là lỗi phát âm của từng phương ngữ, thổ ngữ chưa đúng với cái được gọi là “chính âm” mà thôi.

Tiếp theo, nhận xét trong bài là “vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ có vẻ ngọng nhiều nhất” thật ra cũng không hoàn toàn như vậy, mà phải nói trái lại mới đúng.

Vùng phương ngữ Bắc bộ hiện chỉ đang phát âm lệch “chính âm” phụ âm đầu [l/n] và đồng nhất ba tổ hợp phụ âm quặt lưỡi - bẹt lưỡi: [s-x],  [tr-ch],  [r-gi/d], cùng với phát âm các vần [ươu/ưu] thành [iu] mà thôi.

Đối sánh ra, so với các vùng phương ngữ còn lại trên cả nước, sự “lệch chuẩn” trong phát âm của vùng phương ngữ Bắc bộ là ít nhất.

Đó cũng chính là lý do mà các nhà ngữ âm học tiếng Việt đã thống nhất chọn thổ ngữ Hà Nội (có điều chỉnh những lỗi phát âm chưa chuẩn nêu trên) làm âm chuẩn cho ngữ âm tiếng Việt. Vậy nên, xem ra – như tác giả nhận xét: “Dân Hà Nội cứ bảo giọng mình là chuẩn, là tiếng quốc gia” không phải là không có lý.

Một ngộ nhận khác cũng xin giãi bày thêm, kiểu nói như nói lái “lốp xe đạp” thành “láp xe độp” hoàn toàn không xuất hiện ở nhiều phương ngữ miền Trung như tác giả nhận xét: “Cả một vệt Nam Trung bộ từ Quảng Nam, Đà Nẵng vô tới Phú Yên, Bình Định thì ngọng kiểu gì mà toàn tưởng... nói lái. Ai đời cái lốp xe đạp mà không ít người nói là cái... láp xe độp”.

Trong thực tế, chúng tôi thấy hiện tượng ngữ âm này chỉ tồn tại trong ba thổ ngữ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mà thôi, không hề nghe thấy ở các thổ ngữ Phú Yên, Bình Định.

Còn một số trường hợp phát âm vần [ôi] thành [âu], [ê] thành [ơ] điển hình cho thổ ngữ Bình Định, Phú Yên kiểu "Thôi rồi Lượm ơi" sẽ thành "Thâu rầu Lụm quơi" và hát “karaokê” thành “ca-rao-cơ”; hoặc phát âm phụ âm đầu [r] thành [g] của vùng phương ngữ Nam bộ kiểu “con cá rô, bỏ trong rổ nó kêu rồ rồ” lại nói thành “con cá gô, bỏ trong gổ nó kêu gồ gồ” mà tác giả nêu ra là khá chính xác.

Có nên sửa tiếng/giọng theo chính âm hay không?

Chúng tôi cho rằng có trường hợp thì nên nhưng cũng nhiều trường hợp thì không. Những người đang hoạt động trong các ngành nghề như phát thanh viên, dẫn chương trình... dù đến từ vùng phương ngữ nào (đặc biệt là có phạm vi giao tiếp với khán thính giả cả nước) cũng đều nhất thiết cần phải thường trực có ý thức sửa tiếng/giọng thổ ngữ của mình theo chính âm, để phù hợp với sự tiếp nhận của cư dân mọi vùng phương ngữ trên cả nước.

Còn trong phạm vi giao tiếp trong vùng thổ ngữ, phương ngữ của những người cùng quê hương bản quán thì việc sửa tiếng/giọng nhất thiết là không nên, vì chắc chắn nó sẽ trở thành trò cười trong không ít trường hợp.

Hãy tưởng tượng bạn là người vùng Quảng Nam, Bình Định, sau vài tháng đi học ở TP.HCM trở về quê nhà, bạn nói theo giọng của vùng phương ngữ Nam bộ, thì chắc chắn bạn sẽ bị bạn bè, bà con ở quê nhà nhận xét một cách không mấy thiện cảm rằng: “Mới đi mấy bữa mà bày đặt sửa tiếng!”.

Họ hoàn toàn có lý, vì rằng với những người bà con, thân hữu ấy, kể cả với chính bản thân bạn, cả chính tôi nữa và với tất cả chúng ta - tiếng nói, giọng nói quê hương với mỗi chúng ta bao giờ cũng là những thanh âm ngọt ngào, thân thiết nhất trên đời!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên