29/05/2020 15:47 GMT+7

Mỗi cơ quan báo chí của TP.HCM có không quá 6 phó tổng biên tập

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Ngày 29-5, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.

Mỗi cơ quan báo chí của TP.HCM có không quá 6 phó tổng biên tập - Ảnh 1.

Ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP, thông tin về việc sắp xếp cơ quan báo chí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Liên quan đến việc triển khai thực hiện đề án, ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP, cho biết trước khi đề án sắp xếp, TP.HCM có 28 cơ quan báo chí gồm: 16 báo in và 10 tạp chí in, một đài truyền hình, một đài tiếng nói (riêng báo Công an TP thực hiện sắp xếp theo đề án của Bộ Công an). Như vậy, có 27/28 cơ quan báo chí thuộc diện cần sắp xếp.

Giai đoạn 1 (từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020), TP còn 19 cơ quan báo chí gồm: một đài phát thanh, một đài truyền hình, 7 báo (2 báo tôn giáo), 10 tạp chí, như vậy là giảm 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin).

Giai đoạn này, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và truyền thông TP sẽ hướng dẫn cơ quan báo chí trực thuộc trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện sắp xếp, phát triển. 

Về tổ chức bộ máy và nhân sự tại các cơ quan báo chí, Ban tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ TP sẽ phụ trách hướng dẫn cụ thể.

Sở Tài chính TP có trách nhiệm hướng dẫn bàn giao, sắp xếp về tài chính, tài sản, đồng thời phối hợp Sở Thông tin và truyền thông TP tham mưu UBND TP trình HĐND TP bố trí kinh phí sự nghiệp hỗ trợ phát triển báo chí TP thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị theo quy định.

Mỗi cơ quan báo chí của TP.HCM có không quá 6 phó tổng biên tập - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Minh, phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sang đến giai đoạn 2 (từ 2021-2025) là giai đoạn các cơ quan báo chí ổn định hoạt động và thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Đáng chú ý là đến năm 2023, TP tập trung đầu tư ngân sách nghiên cứu thí điểm xây dựng cơ quan báo chí TP.HCM chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, có vai trò định hướng thông tin tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời định hướng tư tưởng văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội TP.

Ông Lê Văn Minh, phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, thông tin thêm trước khi xây dựng đề án sắp xếp, phát triển, quản lý cơ quan báo chí, các lãnh đạo và cơ quan chức năng TP đã gặp gỡ các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí nhiều lần để trao đổi, lắng nghe.

“Đề án giúp quản lý báo chí tốt hơn, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí phát triển đúng định hướng, tôn chỉ, mục đích nhằm hướng đến mục tiêu các cơ quan báo chí trở thành người bạn đáng tin cậy của bạn đọc trên dịa bàn TP và cả nước”- ông Minh nói.

Mỗi cơ quan báo chí của TP.HCM có không quá 6 phó tổng biên tập - Ảnh 3.

Ông Đặng Hữu Vinh (đại diện văn phòng Bộ thông tin và truyền thông tại TP.HCM) đánh giá cao các bước đi của TP.HCM trong xây dựng cũng như tổ chức thực hiện đề án - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cũng theo ông Minh, vì đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên chắc chắn sẽ còn nhiều băn khoăn trong quá trình thực hiện. Nội dung nào còn băn khoăn nên đưa ra để bàn thảo, làm rõ để có giải pháp phù hợp.

“Các cơ quan báo chí cần triển khai cho đội ngũ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bình thường, không vì chuyện sắp xếp mà lơ là không đảm bảo quy trình nghiệp vụ gây sai sót không đáng có” - ông Minh lưu ý.

Ông Đặng Hữu Vinh (đại diện văn phòng Bộ thông tin và truyền thông tại TP.HCM) đánh giá cao các bước đi của TP.HCM trong xây dựng cũng như tổ chức thực hiện đề án. Đặc biệt, sự lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến đa chiều đã giúp đề án nhận được nhiều sự đồng tình. Từ đó, việc triển khai thực hiện đề án tại TP.HCM thuận lợi hơn.

Mỗi cơ quan báo chí của TP.HCM có không quá 6 phó tổng biên tập - Ảnh 4.

Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trình bày các đề xuất liên quan việc thực hiện đề án sắp xếp cơ quan báo chí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trong diện sẽ sắp xếp, sáp nhập đề xuất lùi thời gian hoàn thành xây dựng đề án chuyển đổi trong từng cơ quan, bởi đây là việc làm cần sự chỉn chu, thận trọng để cho ra đời đề án phù hợp nhất.

Không cơ quan báo chí nào bị “xóa tên”

Theo ông Từ Lương, so với Hà Nội thì TP.HCM ban hành đề án chậm hơn trên tinh thần tôn trọng và giữ nguyên các cơ quan báo chí, chỉ chuyển đổi loại hình.

“Sắp xếp nhưng không có cơ quan báo chí nào bị xóa tên - đó là một yêu cầu rất khó mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện”- ông Lương thông tin.

Cũng theo ông Lương, đội ngũ nhân sự sau sắp xếp cũng cơ bản được giữ nguyên, các cơ quan báo chí cần có sự bố trí, điều chuyển công việc cho hợp lý. Số lượng phó tổng biên tập ở mỗi cơ quan báo chí sau sắp xếp, sáp nhập không quá 6 người.

TP.HCM còn 19 cơ quan báo chí TP.HCM còn 19 cơ quan báo chí

TTO - Ngày 22-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ban hành quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP đến năm 2025.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên