Trẻ uống sữa học đường từ đóng góp của ngân sách, gia đình và doanh nghiệp sản xuất sữa - Ảnh: T.A
Ngày 23-10, Hiệp hội sữa Việt Nam phối hợp Cục an toàn thực phẩm tổ chức hội nghị đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa dùng trong trường học.
Theo báo cáo của 25 tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình Sữa học đường và Hiệp hội sữa, tính đến ngày 30-5-2020, mới có hơn 15% số học sinh mẫu giáo và tiểu học trong cả nước được thụ hưởng chương trình sữa học đường.
Ông Trần Đăng Khoa - phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế - cho biết mặc dù địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ về giá cho mỗi hộp sữa học đường, có nơi phụ huynh chỉ đóng 10-50% giá một hộp sữa nhưng nhiều gia đình khu vực nông thôn, miền núi vẫn khó khăn đóng góp tiền cho con uống sữa. Điển hình như tại Kon Tum, phụ huynh chỉ đóng 10% tiền sữa, tương đương với 72.000 đồng/năm nhưng nhiều phụ huynh vẫn không có tiền mua sữa.
Tổng hợp từ 25 tỉnh triển khai chương trình sữa học đường, tổng kinh phí huy động cho chương trình là 9.709 tỉ đồng. Đến nay vẫn còn đến 38 tỉnh/thành phố chưa bố trí được ngân sách địa phương để triển khai chương trình sữa học đường. Nhiều tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho cả tỉnh hoặc cho các huyện nghèo, các trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…
PGS TS Trần Quang Trung - chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam - cho biết đến tháng 6-2020 có 4 đơn vị của Hiệp hội sữa tham gia chương trình tại 24 tỉnh/thành trên cả nước là Vinamilk, Nutifood, CGHL, MC Milk và Công ty TH TrueMilk đang triển khai ở Nghệ An.
Là đơn vị triển khai tại nhiều địa phương, đại diện Vinamilk chia sẻ một số khó khăn từ thực tế triển khai chương trình sữa học đường như: nhiều cơ sở giáo dục nằm ở vùng sâu, vùng xa, xe chở sữa không vào được, nhân viên công ty phải gùi sữa gần chục kilomet, có nơi thì phải đi phà, thuyền để đưa sữa đến được các điểm trường. Tuy nhiên, địa phương và đơn vị cung cấp đều linh hoạt tìm cách thức phù hợp nên hiện vẫn đảm bảo được công tác đưa sữa đến các điểm trường, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.
Nhận thức của cộng đồng đặc biệt là vùng sâu, vùng xa về vai trò và lợi ích của chương trình còn nhiều hạn chế; nhiều địa phương mong muốn triển khai chương trình nhưng chưa cân đối được ngân sách và phải ưu tiên cho nhiều hoạt động phát triển địa phương, an sinh xã hội khác quan trọng hơn. Ngành học mầm non số trẻ ra vào lớp thường xuyên biến động, cơ sở vật chất chật hẹp nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, xây dựng và ban hành chương trình sữa học đường trong giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025), tiếp tục thực hiện chương trình sữa học đường hiện nay cho đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chương trình mới cho gia đoạn 2021 - 2025, các tỉnh chủ động thực hiện đến 31-12-2020.
PGSTS Bùi Thị Nhung - trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện dinh dưỡng - cho biết thêm sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và là một trong nhóm thực phẩm được WHO khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày.
Sữa và chế phẩm sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng cho trẻ, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, xương phát triển nhanh, nhu cầu canxi và các chất dinh dưỡng tăng cao. Ngoài ra trẻ học đường còn nên bổ sung thêm các loại vi chất khác để đảm bảo đủ chất kết hợp với hoạt động thể chất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận