TTCT - Nếu tri thức của con người có thể dễ dàng biến mất như vậy, tại sao nhiều tập tục văn hóa vẫn tồn tại mà không cần ghi chép thành văn? ĐĂNG KHOA lược dịch từ bài viết trên tạp chí AEON: How do we transmit culture when it cannot be put into words của Helena Miton, phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường kinh doanh sau đại học Stanford California, Hoa Kỳ. Tít phụ do tòa soạn đặt. Bạn không thể nói như tổ tiên đã nói, không thể trồng trọt như họ đã trồng trọt, không thể nhảy múa, chữa lành vết thương hay chào hỏi như họ đã làm. Hầu hết các tập tục văn hóa của tổ tiên xa xưa không còn đến được với bạn. Hóa ra, những chuỗi liên kết ấy vô cùng mỏng manh. Nếu không có những vật chứng hữu hình, tri thức văn hóa có thể dễ dàng tan biến.Di sản thất truyềnThử nghĩ về nền âm nhạc Lưỡng Hà khoảng 2.000 năm trước Công nguyên mà xem. Chỉ nhờ người Sumer cổ đại đã khắc ký hiệu âm nhạc lên các phiến đá, chúng ta mới chơi lại được nó. Tương tự, kỹ thuật săn bắn của tổ tiên thời đồ đá được biết đến nhờ các vũ khí và công cụ chạm khắc được khai quật. Các bảo tàng chứa đầy những thông điệp về thực hành văn hóa trong quá khứ. Mọi thứ đã được mã hóa trong hiện vật và tàn tích, hoặc viết trên giấy da, giấy papyrus và các phương tiện khác.Những thông điệp này khiến ta không khỏi tiếc nuối. Liệu chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về quá khứ nếu có nhiều ghi chép hơn? Giá mà tổ tiên ta có chiếc smartphone để ghi lại mọi thứ: cách họ trò chuyện, trồng trọt, nấu nướng, nhảy múa, làm nhạc, hay chỉ là những sinh hoạt đời thường. Nhưng văn hóa không chỉ đơn giản là những thông tin được ghi lại.Có ai chưa từng thất vọng khi đọc và làm theo những công thức như "nấu cho đến khi chín", "đun nhỏ cho đến khi đặc" hoặc bất kỳ hướng dẫn mơ hồ nào khác? Và đã ai chưa bao giờ thất vọng khi cố gắng bắt chước ai đó thể hiện một kỹ năng đòi hỏi kinh nghiệm trước đó? Không phải việc gì cũng có thể đơn giản được hiểu sau khi xem người khác làm. Một số thực hành văn hóa chỉ có thể học được bằng cách thực hành. Chúng phải được cảm.Đây là lý do khiến các chuỗi liên kết văn hóa trở nên mỏng manh. Những thợ làm nhạc cụ châu Âu không thể sản xuất được những chiếc đàn violin như Antonio Stradivarius dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng các nhạc cụ của ông, những thợ xây không thể tái tạo kỹ thuật lắp đá của người Inca dù đã có mọi công cụ cần thiết, và những thợ làm nước hoa không thể sản xuất được nước hoa cổ đại dù đã có công thức.Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào mà tri thức và kỹ năng không được ghi lại rõ ràng lại có thể tồn tại qua nhiều thế hệ? Dù chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ thông tin, việc truyền tải văn hóa lại không chỉ đơn thuần là lưu trữ dữ liệu. Hiểu cách tri thức được lưu trữ và truyền đạt trong cơ thể con người sẽ giúp chúng ta bảo tồn văn hóa hiệu quả hơn cho các thế hệ tương lai.Văn hóa là gì?Dù mỏng manh, nhưng văn hóa thường được tưởng tượng là một thứ rất bền vững. Marshall McLuhan, nhà nghiên cứu về truyền thông và văn hóa, miêu tả văn hóa như một "biển cả" rộng lớn, bao trùm tất cả chúng ta. Chúng ta hấp thụ các thông tin và thực hành văn hóa một cách vô thức.Edward T. Hall thì đưa ra một hình ảnh khác: văn hóa giống như một tảng băng trôi. Chúng ta chỉ thấy phần trên mặt nước, trong khi phần dưới nằm ẩn sâu. Còn Michael Tomasello đã giới thiệu khái niệm "hiệu ứng bánh răng văn hóa", cho rằng tri thức và kỹ năng tích lũy theo thời gian như các bánh răng chuyển động. Chúng ta học từ quá khứ và xây dựng trên những kiến thức trước đó để phát triển văn hóa của mình.Ảnh: ShutterstockTrên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đang thử tái tạo những món đồ cổ xưa. Điển hình như tại Viện Thời Đại Đồ Đá (Stone Age Institute) ở Indiana, việc tái hiện kỹ thuật nạo đá cho đầu mũi tên và đầu giáo, một kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tinh tế và kinh nghiệm đáng kể, đã cho thấy sự phức tạp của các kỹ thuật thủ công cổ đại.Thấy được khó khăn trong việc truyền tải những thực hành văn hóa, UNESCO đã nỗ lực bảo tồn "di sản văn hóa phi vật thể", bao gồm nhiều truyền thống có nguy cơ bị tuyệt chủng. Khoảng 3.000 ngôn ngữ đang bị đe dọa, như Aka-Cari ở quần đảo Andaman, Ấn Độ, đã tuyệt chủng gần đây khi người nói cuối cùng, Licho, qua đời vào năm 2020. Nhưng còn các thực hành văn hóa ít liên quan đến đọc, viết và nói thì sao? Còn các hình thức tri thức ngầm và thấm nhuần vào cơ thể (*) thì sao?Văn hóa đâu chỉ nằm trong sách vởCultural transmission (nối truyền/truyền tải văn hóa) là một thuật ngữ được các nhà nghiên cứu sử dụng để mô tả quá trình mà một hình thức tri thức nào đó được truyền từ người này sang người khác. Khi tri thức này được trao đổi, dù chỉ qua quan sát thụ động, một "sự kiện truyền tải" diễn ra và một liên kết khác được tạo ra trong chuỗi. Để hiểu quá trình này trong thực tế, hãy nghĩ về một điều bạn biết làm nhưng khó giải thích cho người khác, như một động tác thể thao, một kỹ thuật chế tác, hay cách chào hỏi đúng cách.Bây giờ, hãy nghĩ về việc thực hành văn hóa này đã tồn tại bao lâu. Bao nhiêu sự kiện truyền tải đã diễn ra từ lần đầu tiên và liên kết với lần sau cùng bạn học được? Bao nhiêu thế hệ đã trôi qua? Bao nhiêu người phải học và truyền lại nó? Chuỗi tri thức có thể rất dài và mỏng manh, dễ bị đứt đoạn tại bất kỳ sự kiện truyền tải nào. Đây là nghịch lý đối với các nhà nghiên cứu: nếu chuỗi tri thức quá mỏng manh, làm thế nào mà nhiều hình thức tri thức văn hóa vẫn tồn tại?Một số giải thích cho vấn đề này đã được Olivier Morin, chuyên gia về tiến hóa văn hóa, tổng hợp trong cuốn How Traditions Live and Die (Tạm dịch: Các truyền thống sống và chết như thế nào, 2015). Morin lập luận rằng các thực hành văn hóa tồn tại không bao giờ mỏng manh ngay từ đầu vì chúng có một hoặc cả hai đặc điểm sau: sự dư thừa và sự lặp lại.Sự dư thừa đảm bảo rằng nếu một sự kiện truyền tải không thành công, sự truyền tải khác vẫn có thể xảy ra. Bạn có thể học một kỹ năng từ nhiều người khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Điều này giúp đảm bảo tính bền vững của tri thức văn hóa.Bản scan tranh màu The Historian (Sử gia), do họa sĩ Mỹ E. Irving Couse vẽ năm 1902. Ảnh: WikimediaSự lặp lại đảm bảo rằng các sự kiện khác vẫn có thể giúp bạn học những điều bỏ lỡ ngay cả khi một lần truyền tải thất bại. Bạn có thể không hoàn toàn lĩnh hội được một kỹ năng từ lần đầu, nhưng qua việc thực hành và lặp lại, bạn sẽ trở nên thành thạo hơn.Ngoài ra, nghịch lý giữa chuỗi truyền tải mỏng manh và sự phổ biến của tri thức văn hóa có thể được giải thích qua cách tri thức được lưu trữ. Tri thức văn hóa không chỉ được lưu giữ trên phiến đá hay giấy papyrus, mà còn tồn tại trong cơ thể và hệ thần kinh. Thoạt nhìn thì điều này có thể làm cho việc truyền tải khó khăn hơn, vì loại tri thức này thường yêu cầu cảm nhận để thực hành. Đây là tri thức ngầm, như Michael Polanyi mô tả, là những gì chúng ta biết nhưng không thể nói.Để học loại tri thức này, cả việc bắt chước lẫn sử dụng ngôn ngữ đều không giúp ích lắm. Bạn không thể chỉ nhìn ai đó hoặc đọc một vài hướng dẫn là được. Mặc dù ngôn ngữ rất hiệu quả trong việc truyền tải các thông tin văn hóa, như kể một câu chuyện chẳng hạn, nhưng nhiều loại tri thức cần phải được trải nghiệm trực tiếp. Còn về bắt chước? Mặc dù nhìn người khác làm để học theo cũng có ích, cuối cùng, bạn vẫn cần tự mình thực hành.Giả sử bạn đang xem một nghệ nhân thổi thủy tinh để học cách làm một chiếc cốc. Bạn nên chú ý điều gì? Người thợ thổi mạnh cỡ nào, họ đặt chân, tay ra sao, cách họ di chuyển thủy tinh nóng chảy, hoặc tất cả những điều trên? Khoảng cách giữa việc nhìn thấy và tự mình thực hiện thường rất lớn. Để thu hẹp khoảng cách này, bạn cần biết chính xác nên quan sát phần nào của hành động và chú ý đến điều gì. Sau đó, bạn phải tự suy ra những thứ không thể nhìn thấy, như nhiệt độ của thủy tinh hoặc lực thổi của người thợ.Hơn nữa, hành động chính xác trong mỗi tình huống phụ thuộc vào ngữ cảnh, và đây là một phần quan trọng của việc truyền tải. Ví dụ, trong bóng đá, các pha bóng của một cầu thủ giỏi phụ thuộc vào vị trí và vận tốc của bóng, đồng đội và đối thủ. Bạn có thể viết 10.000 từ về cách ghi bàn mà vẫn không đủ để ai đó thực hiện lại cú đá. Vậy làm thế nào chúng ta có thể truyền tải thành công "những gì chúng ta biết nhưng không thể nói" thông qua cơ thể, đặc biệt khi chúng bị hạn chế về mặt thể chất theo nhiều cách?Vai trò của mỗi chúng taHãy nghĩ về một hình thức tri thức văn hóa thấm nhuần trong cơ thể, như tạo biểu cảm khuôn mặt, cưỡi ngựa, giao bóng quần vợt, hoặc cầm tách trong trà đạo Nhật Bản. Bây giờ, hãy phân chia những thực hành này thành các thành phần nhỏ và xem xét các thành phần này liên quan đến nhau ra sao.Simon DeDeo và tác giả trong bài viết The Cultural Transmission of Tacit Knowledge (Tạm dịch: Sự truyền tải văn hóa của tri thức ngầm, 2022) nhấn mạnh rằng mỗi chuyển động hay tư thế đều bị giới hạn bởi cơ thể và khả năng riêng của mỗi người. Trong trường hợp cưỡi ngựa, vốn là một thực hành văn hóa đã có từ 3.500 năm trước Công nguyên, các thành phần của nó gồm vị trí tay, góc khuỷu tay và cổ tay, vị trí lưng và sự phân bố trọng lượng trên lưng ngựa. Tư thế trên lưng ngựa và cách cầm dây cương liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, vị trí tay trên dây cương có thể không liên quan đến việc bạn nắm chặt nó như thế nào.Điều này có nghĩa là không phải lúc nào tất cả các yếu tố trong mạng lưới này đều ảnh hưởng lẫn nhau. Tri thức ngầm có thể không khó truyền tải như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể truyền tải nó mà không cần giải thích cặn kẽ.Phụ nữ cưỡi ngựa. Tranh Alfred de Dreux (1810 - 1860)Hãy hình dung cơ thể như một mạng lưới các công tắc. Khi bạn thực hiện một hành động, ví dụ như nâng tay khi cưỡi ngựa, các "công tắc" khác sẽ tự động điều chỉnh theo, tạo nên một chuyển động hài hòa. Tương tự, khi học một kỹ năng mới, việc tập trung vào những điểm mấu chốt sẽ giúp kích hoạt toàn bộ hệ thống, tạo nên một kết quả tự nhiên và hiệu quả.Một người dạy có kỹ năng sẽ biết nên tập trung vào phần nào khi truyền đạt kiến thức. Nhà thần kinh nhân chủng học Greg Downey miêu tả những người dạy capoeira (một môn võ Brazil) thường tạo ra các bài tập "giảm sự tự do". Học viên được yêu cầu đặt cơ thể vào các vị trí nhất định ban đầu, chỉ di chuyển theo hướng duy nhất. Những hạn chế này giúp "cố định" một số bộ phận, để các bộ phận khác "ráp" vào vị trí, cho phép học viên cảm nhận chính xác cảm giác thực hiện một động tác.Để cho thấy toàn bộ một mạng lưới các thành phần cho người mới học và tạo ra một sự kiện truyền tải, người dạy thường sử dụng ẩn dụ. Chẳng hạn, khi hướng dẫn nhảy salsa, họ có thể nói "di chuyển toàn bộ trọng lượng", giúp học viên hình dung rõ hơn về cách phân bố trọng lượng. Tương tự, trong quyền anh, hướng dẫn "tung khuỷu tay chứ không phải nắm đấm" giúp điều chỉnh tư thế để tạo ra một đòn mạnh mẽ. Những ẩn dụ này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng lại vô cùng hữu ích để tạo ra các động tác chính xác.Vật thể hay vật liệu xung quanh cũng có thể hướng dẫn chúng ta thực hiện hành động theo một cách nhất định. Ví dụ, cây kéo thiết kế cho người thuận tay phải sẽ tự nhiên hạn chế cách chúng ta cầm và sử dụng nó bằng tay trái. Hãy nghĩ về những con dao và mũi tên bằng đá đầu tiên mà tổ tiên chúng ta làm từ đá lửa và đá obsidian. Những nguyên liệu này được chọn vì chúng đáng tin cậy để tạo nên các cạnh và mũi sắc nhọn.Để truyền đạt một kỹ năng, bạn không cần phải giải thích mọi chi tiết nhỏ nhặt. Chỉ cần truyền đạt những phần quan trọng, những phần còn lại sẽ tự động được kết nối nhờ vào kiến thức nền tảng của người học và sự tương tác giữa các phần trong mạng lưới. Vì mỗi người có cách hiểu và kết nối các phần trong mạng lưới khác nhau, nên sẽ có nhiều cách để thực hiện cùng một việc. Điều này tạo ra sự đa dạng và sáng tạo trong các thực hành văn hóa.Lò thổi thủy tinh, một trang trong sách du ký The Travels of Sir John Mandeville hồi thế kỷ 14. Ảnh: Thư viện AnhTuy nhiên, trong một số trường hợp, các kỹ thuật phi chính thống lại trở thành những đổi mới, thay đổi các truyền tải về sau. Một ví dụ trong lĩnh vực thể thao là cú nhảy ngược của Dick Fosbury. Sau khi kỹ thuật mới này giúp anh giành huy chương vàng nhảy cao tại Thế vận hội Olympic 1968 ở Mexico, giới vận động viên nhảy cao mới bắt đầu thực hiện theo cú nhảy của Fosbury.Hiểu được cách mà văn hóa truyền tải không chỉ giúp chúng ta bảo tồn tri thức hiện tại, mà còn giúp chúng ta tiên đoán các thực hành văn hóa sẽ có trong tương lai. Giữa một thời đại thông tin, các thực hành văn hóa đang được ghi lại nhiều hơn bao giờ hết, và hiển nhiên chúng sẽ đến tay hậu thế. Tuy nhiên, đặt niềm tin vào núi dữ liệu này có thể là sai lầm, vì ta đang hiểu sai bản chất thực sự những thực hành văn hóa và cách tổ tiên chúng ta truyền đạt chúng qua các thế hệ.Phần lớn tri thức văn hóa không thể diễn đạt bằng lời nói hoặc ghi lại, mà được lưu trữ trong những chuyển động của cơ thể. Truyền tải thực hành văn hóa tốt hơn không có nghĩa là cần một lượng thông tin lớn.Thật khó để nói những hình thức văn hóa nào sẽ tồn tại trong 1.000 hoặc 10.000 năm sau. Nhưng nếu tri thức ngầm còn tồn tại, nó có thể sẽ được truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác, biến những giới hạn về thể chất của chúng ta thành điều thuận lợi. Đây là cách "những gì chúng ta biết nhưng không thể nói" có thể liên kết thời đại chúng ta với các nền văn hóa tương lai.---(*) Tacit knowledge (tạm dịch: tri thức ngầm) và embodied knowledge (tạm dịch: tri thức thấm nhuần vào cơ thể) là hai thuật ngữ tương đồng và bao hàm lẫn nhau được cho là do Michael Polanyi đề xuất. Chúng là những hiểu biết sâu sắc, thường khó diễn đạt bằng lời, và thường được miêu tả như là "biết làm thế nào" chứ không phải "biết cái gì". Chúng ta có được những tri thức này thông qua thực hành và trải nghiệm, chứ không phải từ sách vở hay các nguồn thông tin chính thức. Nói cách khác, chúng là những thông tin cơ thể chúng ta "hiểu" mà không cần có ý thức suy nghĩ. (Chú thích của người dịch) Tags: Di sản văn hóa phi vật thểDi sảnDi sản phi vật thểBảo tồn văn hóaBảo tồn di sản
Bầu cử Mỹ: 'Nước Pháp sẵn sàng làm việc với chính quyền Trump mới' NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.