Thịt kho hột vịt hay thịt kho tàu, cái món ngon thần thánh, ninh nhừ mấy tiếng đồng hồ mà vừa vẫn giữ được đặc trưng từng chất liệu vừa thấm đều hòa quyện với nhau giữa miếng thịt heo và hột vịt giữa mùi thơm lừng của nước dừa, nước mắm đậm màu cánh gián, màu của phù sa sông nước Nam Bộ, của ruộng, của vườn… chao ôi, cắn miếng nào đã miếng đó.
Nét độc đáo mâm cỗ cúng ngày Tết của ba miền Bắc, Trung, Nam
Thịt kho hột vịt, thịt kho tàu là món ăn thường nhật, mà cũng là thứ không thể thiếu được trong mâm cơm ngày Tết của dân Sài Gòn, người miền Nam, quen mà vẫn nhớ, vẫn thèm, ăn quanh năm mà Tết không thể thiếu bên dĩa bánh tét, tôm khô củ kiệu, lạp xưởng…
Mâm cỗ Tết mỗi vùng sẽ có những sự khác nhau. Người miền Bắc hẳn sẽ không thiếu được món thịt mỡ, dưa hành, giò lụa, gà luộc, bánh chưng, nem rán hay bát canh măng. Người Huế thì có nem công, chả phượng, dưa món, bánh tét… Mỗi miền một phong tục, mỗi địa phương một đặc sản, góp phần tạo nên một cái Tết Việt đầm ấm, tươi vui.
Hấp dẫn nem công, món ăn sang trọng trong mâm Tết của người Huế
Nhưng Tết Tân Sửu năm nay đánh dấu một sự kiện đặc biệt: Tết của năm COVID-19 thứ nhất. Sẽ có những gia đình không thể đoàn viên, chưa kịp đón người thân từ nước ngoài về nước, từ thành phố về quê…
Dù gì, ngày Tết vẫn phải tươm tất để hi vọng một mùa ấm no, thành công phía trước và mỗi người sẽ vẫn quây quần bên nhau với những món ngon trăm nhớ ngàn thương.
Dưa hành, giò lụa của người miền Bắc - Ảnh: GIA TIẾN
Ở Tết năm ngoái, các độc giả của Tuổi Trẻ đã có dịp "thi triển" công phu với những món ăn quỷ khốc thần sầu, từ đặc sản Tây Bắc, bánh chưng chuẩn Lang Liêu xứ Nghệ chấm mật mía ngon không thể cưỡng… hay món thịt ngâm nước mắm ở miền Trung, miếng chả bò Đà Nẵng cắn ngập răng, món dưa hấu vùng miền Tây sông nước.
Giữa sự sum họp quây quần là nỗi nhớ nhung da diết của những người Việt xa Tổ quốc, một mình giữa xứ lạnh đón Tết. Cũng lần mò đi gói bánh chưng, nhưng ở Latvia thì tìm đâu ra lá dong, thôi đành thay bằng lá chuối. Mà lá chuối mắc gấp 15 lần thịt gà nên chỉ bọc một lớp cho có mùi lá, màu lá… thêm lớp màng bọc thực phẩm cho khỏi thấm nước.
Cả nhà quây quần gói bánh, ăn bánh, nhà tràn ngập mùi Tết giữa trời đông lạnh giá, tối đen ở Latvia
Khổ nhất là những cậu bé, vì qua từ nhỏ, chỉ biết đồ Tây, giờ các bậc phụ huynh hướng cho con nghi lễ, món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, dưa muối… thật là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng vẫn phải giữ hồn Việt, hồn Tết, nên phải làm cái điệp vụ bất khả đó.
Với nhiều độc giả, dù gì, ngày 30 Tết thịt treo trong nhà, trưa mùng 1 sà vào mâm cao cỗ đầy thưởng thức món ngon vật lạ. Nhưng với không ít người, mùng 1 Tết, món dưa cải muối vàng hươm, giòn sụm bỗng nổi lên trở thành món ăn được ưa thích nhất. Vì sao? Vì cái món này, mùng 1, ăn chay cũng tốt, ăn mặn cũng ngon, mà ăn kèm với thịt kho tàu, với heo quay, thịt bò hay tôm hay nấu canh đều tuyệt cú mèo!
Nồi bánh tét của người miền Nam - Ảnh: GIA TIẾN
Sơn hào hải vị hay món ăn ngày Tết có ngon, có trân quý hay không, lắm lúc lại là do tay nghề người nấu, cách bài trí, sắp đặt mâm cỗ hay ứng xử của gia chủ, khách mời… Cho nên cũng là bánh chưng nhưng ngoại gói, nội đun mới là chứa chan hương Tết. Cũng là món thịt kho hột vịt nhưng phải là món qua tay má nấu, mẹ kho mới là tuyệt đỉnh công phu…
Để chuẩn bị mâm cỗ Tết có bao nhiêu chuyện phải làm. Và đó là dịp các bà mẹ trổ tài cho các con cháu từ xa về, là cô con dâu lấy lòng mẹ chồng bằng món tủ, hay chút "thử thách" của ai đó dành cho đối tượng của mình. Đam mê mà cũng đầy áp lực lắm chứ!
Ở thời công nghệ lên ngôi, một phần của hương Tết được lưu giữ và chuyển tải trong những chiếc điện thoại, máy ảnh. Khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia định, bè bạn bên mâm cỗ Tết… được lưu lại. Những cái Tết xa bỗng trở không còn khoảng cách với các cuộc gọi video, những lời hỏi thăm, chúc Tết khi nhờ có công nghệ Tết xa hóa gần.
Những món ngon đó, những khoảnh khắc đó, đặc biệt là những những câu chuyện gia đình xoay quanh mâm Tết, xin hãy cùng nhau chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online trong diễn đàn Mâm Tết Nhà Tôi tại địa chỉ https://tuoitre.vn/mamtetnhatoi .
Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương,... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.
Diễn đàn do Báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".
Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).
Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.
Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng để tòa soạn trả nhuận bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận