05/07/2017 10:25 GMT+7

Móc nối Hoa kiều hoạt động tình báo

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Kun Shan Chun sinh ra tại Quảng Đông (Trung Quốc - TQ), đến Mỹ vào năm 1980 và sau đó được nhập quốc tịch Mỹ. Năm 1997, Chun vào làm việc tại văn phòng FBI ở New York với vị trí kỹ thuật viên điện tử.

FBI khám xét nhà của Chun và tịch thu tài liệu - Ảnh: Reuters
FBI khám xét nhà của Chun và tịch thu tài liệu - Ảnh: Reuters

 

 Kun Shan Chun là nhân viên FBI, phải làm việc để bảo vệ và phục vụ nhân dân Mỹ nhưng lại hoạt động như nhân viên tình báo ngầm của TQ. Với hành động phản bội này, Chun phải bị kết án tù của liên bang

Công tố viên Preet Bharara

Một năm sau, Chun được cấp quyền bảo đảm an ninh tuyệt mật nên có thể tham khảo thông tin mật của FBI.

Nhận chỉ thị từ “viên chức TQ số 1”

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, dù làm việc cho FBI nhưng Chun vẫn trả lời phỏng vấn tuyển dụng của một số người TQ liên quan đến Công ty Zhuhai Kolion Technology (gọi tắt là Kolion) ở Chu Hải (TQ) cũng như của một viên chức Chính phủ TQ (được gọi là “viên chức TQ số 1”).

Chun bắt đầu kết nối quan hệ với Công ty Kolion từ năm 2005. Người thân gia đình Chun có đầu tư vào Công ty Kolion.

Từ quan hệ này, các công dân TQ đã đề nghị Chun làm công việc nghiên cứu và tư vấn tại Mỹ để giúp cho Kolion, bù lại Chun sẽ nhận được lợi ích tài chính như được thanh toán một phần chi phí đi nước ngoài và tiền mặt trả cho người thân gia đình của Chun.

Trong bốn năm từ năm 2006-2010, theo yêu cầu từ Công ty Kolion, Chun đã lén lút thu thập thông tin mật FBI.

Năm 2007, Chun được giới thiệu với “viên chức TQ số 1” rồi sau đó cung cấp thông tin nhạy cảm của FBI cho người này.

Trong chuyến đi Ý và Pháp năm 2011, Chun đã gặp trực tiếp “viên chức TQ số 1”. Ông này nói toạc ra đang làm việc cho Chính phủ TQ và ông cũng biết Chun làm việc cho FBI.

Trong các cuộc gặp riêng sau đó ở nước ngoài, “viên chức TQ số 1” hỏi han Chun về các thông tin nhạy cảm của FBI không được phép công bố. Có lần Chun đã tiết lộ thông tin về danh tính và cách thức hoạt động của một đặc vụ FBI.

Trong nhiều bản khai theo yêu cầu của FBI từ năm 2000 đến khi bị bắt, Chun cho biết đã đến Hong Kong và TQ đại lục chín lần.

Theo quy định của FBI, đúng ra Chun bắt buộc phải khai báo những lần tiếp xúc với người nước ngoài trong các chuyến đi nước ngoài nhưng Chun vẫn “im như thóc” về “viên chức TQ số 1” và Công ty Kolion.

Theo điều tra của FBI, “viên chức TQ số 1” đã nhiều lần hỏi han Chun về hoạt động nội bộ của FBI.

Có lần vào tháng 3-2013, Chun đã tải biểu đồ tổ chức của FBI từ máy tính của mình tại văn phòng FBI ở Manhattan. Sau này Chun khai nhận đã biên tập lại biểu đồ, bỏ tên các nhân viên FBI rồi chuyển biểu đồ đã chỉnh sửa cho “viên chức TQ số 1” ở TQ.

“Viên chức TQ số 1” còn hỏi Chun về các công nghệ mà FBI sử dụng. Đến tháng 1-2015, Chun chụp ảnh các tài liệu liên quan đến công nghệ giám sát của FBI trong khu vực hạn chế ra vào tại văn phòng FBI ở New York rồi gửi ảnh chụp qua điện thoại cho “viên chức TQ số 1”.

Bị gài bẫy và sa lưới

Tháng 2-2015, FBI cài một đặc tình hóa trang là nhân viên làm việc cho nhà thầu độc lập tiếp cận với Kun Shan Chun và ghi âm lại toàn bộ những điều Chun nói.

Chun đã kể cho anh này nghe về mối quan hệ của Chun với Công ty Kolion và các công dân TQ, đồng thời đoan chắc Kolion có chỗ dựa từ Chính phủ TQ.

Sau đó, Chun nói với đặc tình rằng Chun đã thông báo cho các cộng sự TQ biết anh này có thể giúp họ, Chun có thể làm phụ tá cho anh này và anh này chỉ cần trả ít tiền.

Tháng 7-2015, sau khi tổ chức các chuyến đi với ý định trực tiếp giới thiệu đặc tình hóa trang cho các cộng sự TQ, Chun đã gặp anh này hai lần.

Trong đó có một lần Chun nói thẳng Chính phủ TQ đang tuyển người giúp và bù lại sẵn sàng tạo điều kiện cho nhập cư cũng như chu cấp tiền bạc.

Đặc tình hóa trang bèn đưa ra mồi nhử rằng anh có thể tiếp cận nguồn thông tin mật từ Chính phủ Mỹ. Chun mắc bẫy, nói các cộng sự TQ rất quan tâm đến loại thông tin như thế nhưng trong bụng dự tính sẽ xén bớt tiền thù lao.

Ngày 16-3-2016 Chun bị bắt, sau đó khai nhận các hoạt động chuyển thông tin nhạy cảm của FBI cho “viên chức TQ số 1”. Chun khai động cơ làm gián điệp vì lợi ích tài chính và Chun cũng có ý định giúp Chính phủ TQ.

FBI khám nhà Chun, tìm thấy một khẩu súng ngắn và một khẩu AR-15 không đăng ký tại New York. Chứng cứ quan trọng là một USB chứa ba tập tin của FBI lưu trong năm 2006 và 2007.

Một tập tin có đánh dấu bảo mật mô tả các chi tiết kỹ thuật về cơ sở hạ tầng giám sát của FBI. Tập tin thứ hai chứa thông tin về cách thức các nhân viên FBI có thể tiếp cận thông tin tình báo thô.

Tập tin thứ ba gồm danh tính và số điện thoại của các nhân viên FBI cũng như số điện thoại các đường dây mà các kỹ thuật viên điện tử như Chun dùng để xử lý công việc với văn phòng FBI ở New York.

Hành vi lưu trữ thông tin như thế là sai phạm vì FBI không yêu cầu Chun làm việc tại nhà. Tháng 1-2017, tòa án liên bang ở Manhattan (New York) đã tuyên án 24 tháng tù đối với bị cáo Kun Shan Chun, 46 tuổi, vì đã chuyển trái phép thông tin nhạy cảm của FBI cho Chính phủ TQ.

Chun còn bị nộp phạt 10.000 USD vì hoạt động tại Mỹ với tư cách đại diện cho TQ nhưng không xin phép Bộ Tư pháp Mỹ.

TS hạt nhân Allen Ho làm gián điệp cho TQ - Ảnh: Văn phòng cảnh sát hạt Knox (bang Tennessee)
TS hạt nhân Allen Ho làm gián điệp cho TQ - Ảnh: Văn phòng cảnh sát hạt Knox (bang Tennessee)

Những trường hợp Hoa kiều trở thành đầu mối thông tin của TQ như Kun Shan Chun xảy ra khá nhiều tại Mỹ.

Tháng 4-2016, tòa án ở bang Tennessee đã kết án tiến sĩ hạt nhân Szuhsiung Ho, 66 tuổi (còn gọi là Allen Ho), câu kết với Công ty Điện hạt nhân TQ sản xuất trái phép hạt nhân ngoài nước Mỹ. Allen Ho giữ vai trò tư vấn cho công ty này, sau đó xúi các chuyên gia hạt nhân Mỹ bán thông tin mật về hạt nhân để lấy tiền.

Trước đó, nữ doanh nhân nổi tiếng Katrina Leung ở Los Angeles được người tình là nhân viên FBI tuyển dụng nhưng làm tình báo hai mang cho TQ và đã chuyển tài liệu của FBI về TQ, trong đó có tài liệu về bí mật hạt nhân. Bà bị bắt năm 2003.

Nhà vật lý Peter Lee làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân quân sự ở Los Alamos, đã chuyển thông tin mật quốc phòng cho TQ, trong đó có các công nghệ phát hiện dưới biển.

Peter Lee bị kết án năm 1998. Đến năm 2008, kỹ sư Chi Mak ở California cũng bị kết án 24 năm tù vì đã chuyển cho TQ số lượng lớn tài liệu mật về công nghệ điện từ.

_____________________________________

Kỳ tới: Từ giáo sư già đến cô sinh viên trẻ

Xem các kỳ trước:

 

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên