Khi nhắc đến chuyển đổi số, người ta thường nghĩ đến các công ty công nghệ, các đô thị hiện đại, vùng nông thôn hiếm khi được nhắc đến. Nhưng với dịch vụ tiền di động Mobile Money (MM), "cánh tay" chuyển đổi số sẽ dễ dàng được kéo dài đến từng người dân dù ở bất kỳ nơi đâu của Việt Nam. Họ sẽ được trải nghiệm thanh toán không tiền mặt và dần dà tham gia các dịch vụ thương mại điện tử, tiến tới số hóa nhiều hoạt động thường nhật.
Cấp phép là triển khai ngay
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Hiện tại, ba nhà nhà cung cấp là Viettel, MobiFone và Vinaphone đều cho biết đang xin phép để triển khai dịch vụ MM sớm nhất có thể. Để chứng minh sự sẵn sàng, Tập đoàn Viettel cho biết họ đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép.
Đại diện Viettel cho biết, với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel có năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến tất cả hơn 60 triệu khách hàng di động của mình ở mọi miền Tổ quốc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, khó khăn.
Tiền di động Viettel thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví hay tài khoản ngân hàng - điều mà người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo gặp trở ngại. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money của Viettel để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng…
"Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi bởi trước khi được thử nghiệm tiền di động tại Việt Nam, Viettel đã có kinh nghiệm triển khai thương mại tại 6/10 thị trường. Do đó về cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều đã được Viettel tính toán kỹ lưỡng.
Cuối năm 2020, đầu năm 2021, hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước đã tham gia thử nghiệm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ", đại diện Viettel thông tin.
Bùng nổ thanh toán điện tử nhờ Mobile money
Theo quyết định của Thủ tướng, tài khoản Mobile Money có thể chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân.
Việc thanh toán chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp bằng đồng Việt Nam tại các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money, không được thực hiện thanh toán, chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Người dùng dịch vụ Mobile Money có thể nạp và rút tiền mặt trực tiếp tại các điểm kinh doanh được cấp phép hoặc từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money...
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đang có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Như vậy, đối chiếu với thực tế, số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam có thể lên đến hàng chục triệu khi được triển khai.
Bên cạnh đó, theo báo cáo Fintech và ngân hàng số 2025 do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.
Với lợi thế hạ tầng internet di động 3G, 4G phủ rộng khắp đất nước cùng với lượng thuê bao di động rất lớn, thanh toán qua điện thoại di động được dự đoán sẽ chiếm vai trò chủ đạo trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu hướng trên có thể diễn ra nhanh hơn nhờ những tác động mạnh mẽ của bối cảnh xã hội bất ngờ (dịch bệnh COVID-19), cùng với chính sách điều hành của chính quyền (chuyển đổi số quốc gia, tiền điện tử di động Mobile Money).
Theo khảo sát về sử dụng ứng dụng thanh toán di động tại Việt Nam do Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus công bố đầu năm nay, 70% người dùng thanh toán di động ít nhất một lần một tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày. Trong đó, hoạt động thanh toán qua ứng dụng di động phổ biến nhất là nạp thẻ điện thoại với hơn 50% người dùng thực hiện.
Những hoạt động khác được người dùng thực hiện nhiều còn có một số dịch vụ như: hóa đơn internet, điện, nước (41%), chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân (40%), vé tại rạp chiếu phim (35%)…
Hình thức thanh toán Mobile Money rất phù hợp với những hàng hóa như cốc trà đá, vé gửi xe, mua hàng hóa nhỏ lẻ cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế, vay tín dụng...
Do đó, Mobile Money phát triển sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện.
Đưa ra quan điểm của mình về thí điểm này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ chủ trương của Chính phủ là một nền kinh tế muốn phát triển thì sẽ phải hạn chế dần dần việc thanh toán bằng tiền mặt, vì tiền mặt để lại nhiều hậu quả khó lường.
Doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng
Trao đổi với chúng tôi, các doanh nghiệp viễn thông cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn hạ tầng, kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu về an toàn, bảo mật cũng như phòng chống rủi ro, nguy cơ rửa tiền có thể xảy ra.
Đại diện Viettel cho biết đã áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất - với lợi thế sở hữu các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ.
Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Trong quá trình triển khai ViettelPay, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro theo dõi 24/24 về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận