14/04/2019 09:22 GMT+7

MobiFone mua 95% cổ phần AVG với 8.889,8 tỉ, ông Phạm Nhật Vũ bỏ túi 5.200 tỉ

BÁ SƠN - LÊ THANH - T.HOÀNG
BÁ SƠN - LÊ THANH - T.HOÀNG

TTO - Nếu tính giá trị MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,8 tỉ đồng, số tiền mà ông Vũ nhận được là gần 5.200 tỉ đồng.

MobiFone mua 95% cổ phần AVG với 8.889,8 tỉ, ông Phạm Nhật Vũ bỏ túi 5.200 tỉ - Ảnh 1.

Ông Phạm Nhật Vũ tại cơ quan điều tra - Ảnh: Bộ Công an

Ông Phạm Nhật Vũ, sinh năm 1972, quê tại Hải Phòng. Trong suốt thập niên 1990 và đầu những năm 2000, ông Vũ làm ăn tại Liên Xô (cũ), sau đó trở về nước kinh doanh bất động sản.

Ông Vũ từng là chủ tịch An Viên Group. Tập đoàn này có khá nhiều công ty con, trong đó có AVG, Công ty cổ phần truyền thông và viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty cổ phần truyền thông Tri Thức...

MobiFone mua AVG, ông Vũ nhận 5.200 tỉ đồng

Trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vũ là người đại diện pháp luật cho Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội An Viên, Công ty truyền hình Công an nhân dân, văn phòng đại diện Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên có chung địa chỉ trụ sở chính tại 15A Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Đây cũng là địa chỉ mà ông Vũ đăng ký hộ khẩu thường trú.

Năm 2004, ông Vũ tuyển dụng một nhóm nhân sự và bắt đầu nghiên cứu truyền hình trả tiền. 4 năm sau, AVG chính thức ra đời với vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng. Ngày 11-11-2010, Truyền hình An Viên mới bắt đầu phát sóng thử nghiệm và 1 năm sau đó khai thác thương mại.

Với việc MobiFone mua lại AVG, ông Vũ là người nhận được nhiều tiền nhất từ thương vụ này. Theo thông tin đăng ký kinh doanh của AVG thời điểm đầu năm 2015 - khi được định giá để bán, vốn điều lệ của công ty này là 3.628 tỉ đồng (ông Vũ nắm tới 55,49% cổ phần). Nếu tính giá trị MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,8 tỉ đồng, số tiền mà ông Vũ nhận được là gần 5.200 tỉ đồng. 

Đó là chưa kể số tiền mà ông Vũ có thể nhận được thông qua Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (trụ sở chính tại Nha Trang), cũng là một doanh nghiệp liên quan tới ông Vũ, chiếm tới 10,78% cổ phần của AVG.

Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương, số tiền thuế mà ông Vũ và năm cá nhân khác đã kê khai và đóng thuế thu nhập sau thương vụ bán cổ phần AVG chỉ hơn 8 tỉ đồng.

Mặc dù được kê khai vốn điều lệ và được MobiFone mua lại với giá "ngàn tỉ" nhưng hoạt động của AVG có khá nhiều điều bất thường. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, AVG có trụ sở chính tại Bình Dương nhưng gần như không có bộ máy tại đây. 

Theo thông tin đăng ký, trụ sở chính của AVG tại 324 đại lộ Bình Dương, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhưng khi phóng viên Tuổi Trẻ tìm đến thì đây lại là trụ sở của... Bưu điện tỉnh Bình Dương. Đại diện Bưu điện tỉnh Bình Dương cho biết AVG chỉ dùng địa điểm này để đăng ký, nhận thư từ liên lạc..., không hề có nhân viên của AVG làm việc tại đây.

Việc AVG đặt trụ sở chính tại Bình Dương có thể xuất phát từ việc công ty này hợp tác về nội dung, sử dụng kênh phát sóng của Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Dương (BTV). Ngoài trụ sở chính, AVG có hai chi nhánh tại TP.HCM và Hà Nội.

MobiFone mua 95% cổ phần AVG với 8.889,8 tỉ, ông Phạm Nhật Vũ bỏ túi 5.200 tỉ - Ảnh 2.

AVG đăng ký trụ sở chính cùng địa điểm với Bưu điện tỉnh Bình Dương nhưng chủ yếu chỉ dùng địa chỉ này để liên lạc, nhận thư từ - Ảnh: BÁ SƠN

2 tài sản ngoài ngành của AVG có dấu hiệu bất thường

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), tổng giá trị tài sản của AVG được thẩm định trước khi bán là hơn 3.260 tỉ đồng, trong đó 2 khoản đầu tư ngoài ngành là 2.473 tỉ. Tuy nhiên, theo TTCP, việc định giá 2 tài sản này có "dấu hiệu bất thường" và đã được nâng lên 12 và 17 lần so với giá gốc.

Không chỉ vậy, TTCP còn kết luận việc 4 kênh tần số cấp cho AVG là tài sản nhà nước có giá trị rất lớn nhưng được Bộ TT-TT cấp cho MobiFone là không có căn cứ. "Bộ TT-TT đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt dự án" - kết luận thanh tra nêu.

Quý 1-2015, AVG có 2 khoản đầu tư ra ngoài lĩnh vực truyền hình. Hai khoản này được AVG chào bán cho MobiFone với tổng số tiền 2.473 tỉ đồng. Cụ thể, AVG đã phát hành 147,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) để tăng vốn điều lệ 1.478 tỉ đồng gắn với việc đầu tư chuyển nhượng cổ phần tại Công ty giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P. 

Trong đó các cổ đông Hoàng Thanh Hằng và Phạm Thu Trang mua tổng số 67,3 triệu cổ phần với số tiền 673 tỉ đồng. Mức giá này cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần. Nhưng số tiền này lại được thanh toán bù trừ với số tiền mà hai bà đã chuyển nhượng cho AVG 3,96 triệu cổ phần tại Công ty giống tằm Mai Lĩnh trong năm 2014.

Ông Phạm Nhật Vũ cũng mua 80,48 triệu cổ phần với số tiền 808,8 tỉ đồng. Mức giá này cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần. Số tiền này cũng được thanh toán bằng cách bù trừ với số tiền mà ông Vũ chuyển nhượng cho AVG 15 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần An Viên B.P trong quý 1-2015 với giá 120.000 đồng/cổ phần.

Như vậy AVG đã tăng vốn điều lệ 1.478 tỉ đồng bằng việc phát hành cổ phần và bán cho 3 cổ đông nêu trên. Và hình thức thanh toán bằng cách bù trừ với việc nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông. Do vậy việc AVG tăng vốn điều lệ nhưng đã không tạo ra dòng tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh truyền hình mà chủ yếu sử dụng vốn vay và vốn chiếm dụng.

Hơn nữa việc AVG quyết định mua số cổ phần nêu trên với lý do "ước tính giá trị tương lai" của khu đất tại Hà Đông mà Công ty giống tằm Mai Lĩnh đang thuê của Nhà nước sẽ được chuyển thành dự án bất động sản. 

Theo kết luận của cơ quan chức năng, thực tế đến nay dự án bất động sản chưa triển khai, việc tính lợi ích tương lai ghi nhận qua việc mua cổ phần nêu trên khi chưa có hoạt động kinh doanh bất động sản, đất thuê nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn rủi ro về tài chính cho AVG khi AVG thuộc MobiFone.

Tương tự, việc AVG đầu tư 1.800 tỉ đồng nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần của ông Phạm Nhật Vũ tại Công ty cổ phần An Viên B.P cũng với lý do "tính đến lợi ích tương lai". AVG quyết định mua số cổ phần này vì tương lai của dự án khai thác mỏ quặng bôxit Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất, tỉnh Bình Phước sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác trong năm 2016. 

Thực tế đến nay Công ty cổ phần An Viên B.P chưa hoạt động khai thác bôxit (chưa được cấp phép khai thác, chưa được thuê đất, chưa được cấp quyền khai thác khoáng sản...). Theo kết luận thanh tra, việc tính lợi ích tương lai ghi nhận qua việc mua cổ phần của công ty này khi chưa có hoạt động khai thác khoáng sản tiềm ẩn rủi ro về tài chính cho AVG khi thuộc MobiFone.

Bắt nguyên chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ tội đưa hối lộ

TTO - Theo nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Phạm Nhật Vũ bị cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội đưa hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

BÁ SƠN - LÊ THANH - T.HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên