Trong bối cảnh AI trở thành cuộc đua mới của các quốc gia, buổi tọa đàm cũng dành một phần quan trọng để thảo luận về chính sách phát triển AI tại các nước, đặc biệt là Việt Nam.
Các diễn giả là những nhà khoa học danh tiếng thế giới trong lĩnh vực AI cũng đã trao đổi về việc tận dụng những tiềm năng của công nghệ này một cách có trách nhiệm và bền vững.
AI có thể tái định hình tương lai thế giới
Dưới sự chủ tọa của TS Xuedong David Huang - Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture - các nhà khoa học đến từ các trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ đã chỉ ra một bức tranh toàn diện về cách mà AI đang tái định hình thế giới, từ môi trường học thuật đến đời sống kinh tế, xã hội… từ đó có thể hình dung về cuộc sống tương lai của chúng ta trong 5-10 năm tới.
"Hiện có nhiều cơ hội đột phá và cơ hội rất gần chúng ta. Hiện tại là thời khắc lịch sử. Năng suất toàn cầu từ ứng dụng AI sẽ tăng nhanh hơn nhiều các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trước đây. Tôi tin đây là cơ hội đột phá thay đổi lịch sử. Cho dù bạn ở đâu, quốc gia nào thì đều có tiềm năng. Nếu nắm bắt được cơ hội này thì chúng ta là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có cơ hội để đổi mới", TS Xuedong Huang khẳng định.
TS Bùi Hải Hưng - người sáng lập và là Tổng Giám đốc VinAI, Việt Nam - cũng đánh giá: Ngay cả những người nghiên cứu, tạo ra các ứng dụng AI phổ biến nhất trên toàn cầu cũng không ngờ sự phát triển của AI nhanh đến thế. "Và đây là thời điểm ta cần nghiêm túc hơn trong nghiên cứu ứng dụng AI. AI không còn là giấc mơ nữa", TS Hưng nói.
Còn theo TS Padmanabhan Anandan, đến từ tổ chức AI Matters for Development (Hoa Kỳ), "chắc chắn AI sẽ sớm chuyển sang làn sóng tiếp theo. Giai đoạn sau sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa".
Tuy nhiên bên cạnh việc ghi nhận những triển vọng đáng kinh ngạc cho tăng trưởng kinh tế từ thành tựu trong phát triển AI, các nhà khoa học cũng cho rằng trên thực tế, AI đang đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an ninh và sự bình đẳng trong tiếp cận, đặc biệt khi khả năng của AI ngày càng lớn.
Các thách thức có thể đến từ việc sức mạnh của AI bị sử dụng vào mục đích xấu, AI đưa ra quyết định thiếu toàn diện trong những tình huống khó xử về mặt đạo đức hoặc quyền kiểm soát năng lực khổng lồ của AI nằm trong tay một nhóm thiểu số...
TS Xuedong Huang phân tích: AI chỉ được đào tạo và xây dựng bằng dữ liệu. Nếu dữ liệu bạn thu thập bị sai lệch, điều đó sẽ được phản ánh trong kết quả cuối cùng và quyết định cũng sẽ bị sai lệch.
"Và tất nhiên, bản thân mô hình AI cũng không hoàn hảo. Vì vậy, chúng tôi cần thực sự phát triển một lớp sàng lọc để đảm bảo rằng nội dung đầu ra từ AI đáp ứng các tiêu chuẩn cộng đồng", TS Xuedong Huang nói.
GS Leslie Gabriel Valiant bày tỏ kỳ vọng: "AI là công nghệ mạnh như hóa học vật lý hạt nhân, đều sử dụng cho mục đích tốt và xấu. Nó đơn thuần là công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chung tay để giảm được rủi ro, và với AI, không có gì khác biệt so với công nghệ khác".
Cùng chung quan điểm, TS Padmanabhan Anandan cũng cho rằng: "Mọi công nghệ đều được dùng cho mục đích tốt và xấu. Vấn đề là kiểm soát sản xuất, trao đổi về ứng dụng AI có trách nhiệm, làm giảm thông tin sai lệch".
Cơ hội cho Việt Nam với AI
Theo GS Leslie Gabriel Valiant - nghiên cứu về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại trường ĐH Harvard (Hoa Kỳ): "AI là cơ hội để tạo bình đẳng cho tất cả. Có thể ứng dụng AI trong giảng dạy, đào tạo máy móc theo nhu cầu con người. Tất cả đều có thể tham gia cuộc chơi này".
Thảo luận tại cuộc toạ đàm, TS Bùi Hải Hưng cho rằng: "Một số người cho là châu Á có tiềm năng ứng dụng AI trong 5-10 năm tới. Các nhà khoa học nghiên cứu AI cũng tin là AI có nhiều ứng dụng hữu ích. Việc hoạch định chính sách phát triển các ứng dụng của AI cần được cân nhắc nghiêm túc".
Đánh giá về những ứng dụng hiệu quả của AI ở các nước đang phát triển, TS Padmanabhan Anandan cho rằng AI có thể mang lại nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hiện đang thể hiện rõ nhất ở ba lĩnh vực.
Một là trong lĩnh vực y tế, liên quan công cụ thiết bị như đọc Xquang, cộng hưởng từ... Hai là trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa ra hướng dẫn cho người nông dân để trồng trọt tốt hơn. Ví dụ nông dân cần dự đoán tình trạng xảy ra dịch bệnh. Ba là trong xã hội khi có dịch bệnh, ví dụ như trong đại dịch COVID, ứng dụng AI cũng hữu ích khi phòng ngừa lây lan…
Với kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu về AI tại Việt Nam trong những năm qua, khi nói đến cơ hội của Việt Nam với AI, TS Bùi Hải Hưng chia sẻ: "Với tôi đây là thời điểm thú vị bởi mỗi khi có thời điểm tạo ra bước ngoặt thì cũng có thách thức. Một, hai năm trước còn là thách thức lớn. Trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ này, với AI, chúng tôi không nghĩ Việt Nam ta tụt hậu bởi đây là phát hiện khoa học mới, cũng là cơ hội để ta hiểu bản chất công nghệ".
TS Bùi Hải Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Thách thức với các nước như Việt Nam là không cạnh tranh được về nguồn lực với các tập đoàn đa quốc gia, họ có nhiều tài nguyên tính toán. Hy vọng những mô hình AI nhỏ vẫn có đất sống với điều kiện và nguồn lực hạn chế".
"Việc xây dựng tập dữ liệu tốt là tiền đề quan trọng chứ không dễ. Một số nước đang phát triển nguồn lực hạn chế phải sử dụng những gì đang có và dễ kiếm để đáp ứng nhu cầu", GS Leslie Gabriel Valiant đưa ra gợi ý với các nhà khoa học Việt Nam.
"Thế giới sẽ có cái nhìn khác về Việt Nam"
Lễ trao giải thưởng VinFuture 2023 sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) vào 20h ngày 20-12. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Giải thưởng sẽ bao gồm một giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD và ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho Nhà khoa học nữ, Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
"Thế giới sẽ có cái nhìn khác về Việt Nam qua cách Giải thưởng VinFuture khẳng định rõ sứ mệnh của mình", GS Albert P. Pisano - Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture - chia sẻ trước thềm Lễ trao giải mùa 3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận