11/07/2018 14:17 GMT+7

Mổ xẻ chuyện 'cò' mứt cấu kết liên tỉnh gây hại du lịch Đà Lạt

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng sáng 11-7, Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Lê Hồng Phong nói cò mứt hoạt động có tổ chức, cấu kết từ Đà Lạt đến nhiều tỉnh thành gây nhức nhối trong dư luận.

Mổ xẻ chuyện cò mứt cấu kết liên tỉnh gây hại du lịch Đà Lạt - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Phong, phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, trả lời chất vấn chuyện "cò" mứt, "cò" du lịch - Ảnh: M.VINH

Tại phiên chất vấn, đại biểu bày tỏ sự bức xúc về nạn , "cò" du lịch hoạt động phức tạp tại thành phố nhiều năm qua, gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như đánh, lừa, ép du khách mua mứt, đặc sản làm ảnh hưởng xấu hình ảnh của thành phố du lịch Đà Lạt.

Có mối liên liên hệ liên tỉnh

Ông Phong thừa nhận "cò" mứt và "cò" du lịch nói chung cấu kết hoạt động theo nhóm, có mối liên hệ liên tỉnh để tiếp cận các đoàn khách du lịch khi đoàn còn chưa bước chân vào địa phận Đà Lạt.

Trong cách thức hoạt động có hành vi côn đồ, bạo lực. Không những ép du khách, "cò" còn uy hiếp các hướng dẫn viên, các nhóm khách đi theo đoàn đến các điểm mua mứt với giá cao do "cò" và chủ cơ sở đặc sản cấu kết sắp đặt sẵn.

Lực lượng công an ghi nhận các nhóm "cò" mứt chèo kéo, chào mời khách từ phương xa đến với chiêu thức tham quan hái dâu tại vườn miễn phí hoặc với giá rẻ.

Du khách đi theo "cò" đều bất ngờ vì "cò" đưa thẳng đến lò mứt, đặc sản Đà Lạt và buộc phải mua mứt mới được tham quan, hái dâu tại vườn.

Mổ xẻ chuyện cò mứt cấu kết liên tỉnh gây hại du lịch Đà Lạt - Ảnh 2.

"Cò" mứt đi xe máy bám theo xe của du khách để chèo kéo, phát danh thiếp hướng dẫn đến các cơ sở mứt, đặc sản với lời chào mời được hái dâu tây tại vườn với giá rẻ - Ảnh: M.VINH

Khách bấm bụng mua để được đưa đi vườn hái dâu hoặc mua với giá dễ chịu, nhưng sau đó lại được đưa đến vườn dâu lèo tèo vài quả và giá bán dâu hái tại vườn cũng chẳng hề rẻ như lời chào mời.

Nếu du khách phản ứng lại sẽ bị đánh, đe dọa.

Không chỉ du khách bị đánh, hướng dẫn viên và tài xế cũng gặp phen khốn khổ vì không chở khách đến mua mứt tại các cơ sở mứt, đặc sản ở các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực và nhiều cung đường khác tại Đà Lạt mà "cò" chào mời trước.

Hiện trên địa bàn TP Đà Lạt có 176 cơ sở kinh doanh mứt, bước đầu có quan chức năng xác định và công bố danh sách 42 cơ sở mứt đặc sản sử dụng "cò" mứt.

Từ cuối năm 2017 tới nay, Công an TP đã xử lý 89 đối tượng "cò" đặc sản, tạm giữ 78 xe gắn máy, xử phạt hành chính trên 108 triệu đồng; xử lý 42 cơ sở kinh doanh đặc sản Đà Lạt có hành vi thuê "cò", phạt hành chính và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với trị giá trên 200 triệu đồng.

Xử lý cò mứt "rất khó khăn và mất thời gian"

Theo ông Phong, khi phát hiện bị lừa, ít du khách phản ứng hoặc tố cáo đến cơ quan công an do không muốn rắc rối hoặc mất thời gian du lịch.

Trả lời đại biểu, ông Phong cho biết xử lý cò mứt rất khó khăn và mất thời gian. Các đối tượng làm "cò" chủ yếu là dân ngoại tỉnh tới Đà Lạt công an địa phương khó nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý.

Mặt khác, những nhóm này thường mua xe có giá trị thấp để đi lôi kéo khách. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản thu xe thì bỏ luôn xe máy và không đến trình diện, làm việc với công an.

Mổ xẻ chuyện cò mứt cấu kết liên tỉnh gây hại du lịch Đà Lạt - Ảnh 4.

"Cò" mứt đeo bám khách trước Thung lũng Tình yêu - Ảnh: M.VINH

Về mặt quy định, ông Phong lý giải chưa có quy định chế tài mạnh để xử lý "cò" mứt.

Chủ yếu cơ quan chức năng phải vin vào các quy định sử dụng lao động không có hợp đồng, không có giấy khám sức khỏe, vi phạm cam kết không sử dụng "cò" để xử phạt các cơ sở mua bán đặc sản.

Còn đối với "cò’ mứt cần phải bắt quả tang mới xử lý được.

Ông Trần Đức Quận, Phó bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu giải pháp khả thi để chấm dứt tình trạng "cò" mứt lộng hành ở Đà Lạt.

Tháng 6-2017, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Lâm Đồng ‘phải xử lý triệt để nạn "cò" mứt để bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, an toàn của người dân và du khách; khôi phục hình ảnh, uy tín du lịch Đà Lạt".

7 cơ sở kinh doanh hàng đặc sản vi phạm nhiều lần

Theo Công an TP Đà Lạt, 7 cơ sở kinh doanh mứt, các loại nông sản Đà Lạt vi phạm thuê "cò" tiếp thị, chèo kéo khách du lịch nhiều lần, gồm: cơ sở Tấn Phát (437 đường Nguyên Tử Lực, P.8); cơ sở Trung Thành (426 Nguyên Tử Lực, P.8); cơ sở Dâu Rừng (423 Nguyên Tử Lực, P.8); cơ sở Quỳnh My (82 đường Mai Anh Đào, P.8); cơ sở Bảo Uyên (82 Mai Anh Đào, P.8); cơ sở Bảo Nghi (270 Phù Đổng Thiên Vương, P.8); cơ sở Bảo Khanh (190 Phù Đổng Thiên Vương).

Trong số 7 cơ sở trên, có nhiều cơ sở bị xử phạt hành chính tới 12 lần (cơ sở Tấn Phát) và nhiều cơ sở vừa nhiều lần thuê "cò" tiếp thị chèo kéo khách vừa kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

_mg_0047

Xe máy của "cò" mứt bị thu giữ tại Công an TP Đà Lạt - Ảnh: M.V

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên