Trạm thu phí chi chít khu vực lân cận TP.HCM đi Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, Vũng Tàu. Thông tư số 159/2013/TT-BTC ban hành, quy định: khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường bảo đảm tối thiểu 70km - Đồ họa: T.ĐẠT |
Tự nhiên chúng ta đưa ra quy định khoảng cách tối thiểu 70km. Tôi không hiểu dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định ấy? Ở Singapore, xe cứ ra khỏi nhà là bị tính tiền, dựa trên số kilômet lưu hành thực tế |
Câu nói đáng tranh luận của Bộ trưởng Bộ GTVT TRƯƠNG QUANG NGHĨA |
* TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Phải dời trạm thu phí vào đường tránh
Việc cho đặt trạm thu phí Cai Lậy ở vị trí trên quốc lộ 1 để thu phí toàn bộ xe cộ đi trên tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường tránh như vậy là không hợp lý.
Chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm lại mặt đường đường tránh, đường quốc lộ nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí cả hai con đường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng là việc sửa chữa đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền.
Ngân sách đường bộ của người dân vẫn đóng tại sao không sử dụng để sửa chữa đường sá mà phải nhờ đến nguồn vốn tư nhân.
Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hạ tầng giao thông tối thiểu cho người dân đi lại. Còn những dự án đường tránh, đường cao tốc làm thêm cần kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thì phải rõ ràng, minh bạch. Chính quyền có trách nhiệm cung cấp cho toàn dân được biết số vốn như thế nào và thu phí trong thời gian bao lâu để người dân đóng góp ý kiến.
Trong trường hợp này, đường quốc lộ 1 phải được sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách, cho nên không thu thêm bất kỳ chi phí nào nữa. Đường tránh do tư nhân xây dựng thì trạm thu phí phải dời vào vị trí đường tránh.
Về phần chi phí cải tạo quốc lộ mà tư nhân đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả cho nhà đầu tư. Nhà nước làm được như vậy thì toàn dân cũng sẽ đồng thuận và hết lòng ủng hộ. Nhiều dự án đường cao tốc, quốc lộ sau này sẽ được đầu tư hiệu quả hơn.
Tài xế hò reo khi các xe qua trạm BOT Cai Lậy không phải trả phí - Ảnh: THANH TÚ |
* Ông Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế):
Giảm phí và không kéo dài thời gian thu
Tôi thường xuyên đi lại tuyến đường này và nhận thấy trạm thu phí Cai Lậy đặt ở vị trí hiện nay là chưa phù hợp. Nếu không có hướng giải quyết thích hợp thì sẽ bị người dân tiếp tục phản đối.
Tuyến đường tránh được xây dựng để những người dân có nhu cầu đi nhanh hơn hoặc tiện đường hơn. Do vậy, trạm thu phí phải đặt trên đường tránh là đúng. Nhưng còn quốc lộ 1 là con đường tồn tại từ xưa đến nay. Bây giờ nhà đầu tư chỉ sửa chữa lại rồi đặt trạm thu phí để thu phí cả hai tuyến đường rõ ràng là bất hợp lý.
Không chỉ vậy, đây còn là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang nên lượng xe cộ đi lại cực kỳ lớn.
Theo thống kê, mỗi ngày có đến 50.000 - 60.000 lượt xe đi qua trạm thu phí này. Như vậy, nếu thu theo đúng thời gian quy định thì số tiền thu được là một con số khủng khiếp, cao hơn rất nhiều so với số vốn ban đầu là 1.400 tỉ đồng.
Nhà đầu tư phải nhanh chóng có kế hoạch giảm phí thu cho phù hợp và không kéo dài thời gian thu phí. Việc xây đường sá là để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, rất mong Chính phủ có thể nghe được tiếng nói của nhân dân.
Chiều 14-8, tài xế đưa tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông:
Bộ tiếp thu và điều chỉnh
Thực tế không phải bây giờ bộ mới có điều chỉnh, xử lý mà đã thực hiện từ năm ngoái đến năm nay.
Sau hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng BOT, bộ đã rà soát lại để chốt quyết toán, phương án tài chính cùng bàn bạc với địa phương, nhà đầu tư để thống nhất. Tùy thuộc vào thực tế từng dự án, có dự án điều chỉnh được ngay, có dự án buộc phải chờ vì phụ thuộc vào nhiều chủ thể pháp lý khác nhau.
Đơn cử như việc các dự án liên quan tới ngân hàng vì ràng buộc khoản vay của doanh nghiệp, nếu kéo dài sẽ nguy cơ gây ra nợ xấu. Riêng với những dự án tính toán lại được tổng mức đầu tư, mật độ phương tiện, giá thành... thì có thể giảm được.
Thực tế có dự án giảm được giá thu, có dự án giảm cả giá lẫn thời gian. Quan điểm của bộ là đưa ra những nguyên tắc chung, trên cơ sở đó tính toán cụ thể cho từng dự án.
Liên quan tới hướng xử lý 27 dự án BOT sau kiểm toán, bộ đã tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh. Hiện rà được 35/51 dự án BOT đã hoàn thành xây dựng.
Quan điểm là căn cứ vào thực tế trong đầu tư xây dựng, thực tế của địa phương, nhà đầu tư, các chi phí và khung pháp lý liên quan sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Các vụ phản ứng tại trạm thu phí * Ngày 9-4: Hơn 200 hộ dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng để khiếu nại về việc thu phí bất hợp lý tại trạm thu phí BOT Bến Thủy. Tại trạm Bến Thủy, các tài xế chuẩn bị tiền có mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng từ trước để mua vé qua trạm. Các phương tiện di chuyển chậm khiến các làn đường dẫn vào trạm thu phí đều bị ách tắc kéo dài. * Sáng 1-6: Nhiều người dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đưa ôtô đến đỗ chắn đường tại trạm thu phí BOT Quán Hàu của Tập đoàn Trường Thịnh để phản đối việc thu phí qua trạm này. * Từ ngày 13-8: Rất nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ để đóng phí khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) khiến hàng ngàn xe tải, ôtô kẹt cứng trên đường. Hành động này nhằm phản đối việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 không hợp lý và mức phí thu quá cao. Trước tình hình ùn tắc nghiêm trọng, trạm thu phí đã phải “xả trạm”, không thu phí để giải tỏa kẹt xe. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận