Hãy nhắm mắt và tưởng tượng về TP.HCM hòa quyện giữa sự năng động, hiện đại và những mảng xanh đầy sức sống.

Không chỉ là điểm đến kinh tế sôi động, thành phố xanh mang tên Bác còn là nơi đất lành chim đậu - vùng đất của sự vững bền với các sản phẩm giá trị làm ra từ nguồn năng lượng sạch, chất thải được tuần hoàn, chất lượng sống nâng cao…

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 1.

Trẻ em chơi đùa dưới bóng cây ở quận 7 Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những buổi sáng cuối tuần, các gia đình sẽ quây quần ở công viên và khu vui chơi xanh mát, hòa mình cùng thiên nhiên. Không gian trong lành, mát mẻ.

Hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi, với những chiếc xe buýt, xe điện và tàu điện không phát thải, đưa hành khách đến mọi nơi nhanh chóng và an toàn. Những tuyến đường riêng dành cho người đi bộ và đạp xe rợp bóng cây xanh.

Hình ảnh đẹp đẽ đó không phải là giấc mơ, mà là những nỗ lực mà chính quyền TP.HCM đang phấn đấu hướng đến.

Đó là một tương lai không xa tầm tay, nếu như có sự đồng lòng, chung sức từ các sở, ban ngành và người dân thành phố.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 2.
Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 3.

Ông Tôn Thất Hạc Minh

Theo ông Tôn Thất Hạc Minh - giám đốc bền vững Motul châu Á - Thái Bình Dương và tư vấn trưởng mảng ESG (môi trường - xã hội - quản trị) và quản trị khí nhà kính cho Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh ByeCO2, nhắc đến quy chuẩn cho thành phố xanh sẽ bao gồm cả hệ sinh thái, trong đó có đô thị xanh và các công trình xanh.

Nổi tiếng nhất là khái niệm "thành phố xanh" do tác giả Ogenis Brilhante & Jannes Klaas từ Trường Rotterdam School of Management (Hà Lan) công bố dựa trên nghiên cứu từ 50 thành phố toàn cầu.

Quy chuẩn và tiêu chí cho thành phố xanh thường được công bố và phát triển bởi các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Bảo vệ môi trường (EPA), và các tổ chức phi chính phủ như Green Building Council (GBC) hay World Green Building Council (WGBC). 

Trong đó một thành phố xanh được định nghĩa với các tiêu chí như sử dụng tài nguyên tái tạo, giảm phát thải, tạo ra không gian sống và làm việc lành mạnh cho cộng đồng, đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh và công nghiệp không gây ra tổn hại đến môi trường. 

Thành phố xanh cũng bao gồm các tiêu chí về văn hóa, giáo dục và quan hệ cộng đồng.

Các quy chuẩn cho công trình xanh được thiết lập và công bố bởi các tổ chức uy tín quốc tế và Việt Nam như LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC); WELL Building Standard; Envision; chương trình Green Mark đánh giá tòa nhà xanh của Hiệp hội Công trình xanh Singapore (BCA); LOTUS - hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện được phát triển cho thị trường xây dựng tại Việt Nam.

Những quy chuẩn này đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau, từ các hiệu suất của tòa nhà và khu dân cư, sức khỏe và hạnh phúc của người sử dụng công trình, chất lượng không khí và môi trường trong nhà, ánh sáng tự nhiên, âm thanh, sức khỏe, giao thông vận tải; hiệu quả sử dụng năng lượng, nước, vật liệu và chất thải…

Ông Minh nhấn mạnh một trong những mấu chốt để TP.HCM trở thành thành phố xanh là chính quyền thành phố cần thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ bằng các chiến lược, chính sách cụ thể, dựa vào cách tiếp cận kinh tế phúc lợi và kết quả phân tích chi phí - lợi ích của các giải pháp, từ đó xác định thứ tự ưu tiên đầu tư trong một khung chiến lược phát triển bền vững rõ ràng.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 4.

Cây xanh ở một số tuyến đường tại TP.HCM Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chị Nguyễn Linh Chi, giám đốc quốc gia của Except Việt Nam, công ty tư vấn và thiết kế phát triển bền vững đầu tiên tại Hà Lan, nhấn mạnh các thành phố chịu trách nhiệm cho việc sử dụng đến 80% tài nguyên và phát thải 70% carbon trên thế giới.

Thành phố cũng là nơi con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các thách thức trong xã hội như khủng hoảng việc làm, giao thông, giá nhà ở… Điều này nghĩa là các thách thức của nhân loại nằm ở thành phố rất nhiều.

Vì vậy việc thiết kế và quy hoạch những thành phố xanh và phát triển bền vững sẽ mang lợi ích lâu dài, có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự bền vững của toàn cầu.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 5.

Có những nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững bao gồm khả năng tự lập và tự chủ, sức chống chọi và phục hồi sau biến động, và sự hài hòa của các yếu tố bên trong thành phố.

Quan trọng, thành phố phải được đánh giá như một yếu tố có sự sống, với những thay đổi, co giãn thay vì bất biến. Có tám hạng mục cần được đánh giá khi nhắc đến chiến lược phát triển bền vững, bao gồm năng lượng và vật chất, các giống loài và hệ sinh thái, kinh tế và văn hóa, sức khỏe và hạnh phúc của con người.

"Có thể tham khảo những mô hình thành phố xanh thành công ở các quốc gia khác, nhưng đôi khi không mang về để ứng dụng tại các thành phố của Việt Nam được, vì mỗi nơi còn gắn với những điều kiện văn hóa, chính trị, khí hậu, con người… khác nhau", chị Chi nói.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 6.
Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 7.
Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 8.

Chị Võ Ngọc Tuyền - người sáng lập và giám đốc điều hành Dear Our Community, đơn vị cung cấp các khóa đào tạo về phát triển bền vững và ESG cho người trẻ và các doanh nghiệp - cho biết một báo cáo từ Công ty nhân sự Manpower cho hay có đến 96% công ty không tìm được nhân sự có kỹ năng xanh.

Nhiều trường học tại Việt Nam đã manh nha có các chương trình giảng dạy về môi trường và phát triển bền vững, nhưng làm thế nào để giúp người trẻ có tâm thế sẵn sàng và tự tin bước vào thị trường lao động với kỹ năng xanh là câu chuyện khác.

"Kỹ năng xanh theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc là kiến thức, khả năng, giá trị và thái độ cần thiết để sống, phát triển và hỗ trợ một xã hội bền vững và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Đây là kỹ năng mềm mà trong tương lai mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, đều cần học tập, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM hướng đến là thành phố xanh", chị Tuyền giải thích.

"Người trẻ cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn, đặc biệt là sự chuyển dịch của thị trường lao động, các xu hướng trên thế giới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ cho bản thân mà còn cho thành phố, với vai trò là lực lượng lao động trẻ", chị nói thêm.

Tương tự, chị Nguyễn Linh Chi nói các quốc gia châu Âu đã đưa các môn học về phát triển bền vững vào chương trình giáo dục từ rất sớm, đặc biệt là các môn về đa dạng sinh học, giúp học sinh nhận thức được sự liên quan giữa các giống loài. Từ đó có góc nhìn hệ thống về tất cả những sự vận động xung quanh mình và có trách nhiệm hơn trong mỗi hành động.

Nhận định về sự sẵn sàng và cởi mở, thay đổi trong nhận thức của người trẻ với các chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, chị Tuyền cho biết nhiều bạn trẻ đặt những câu hỏi rất sát với thực tế cuộc sống, liên quan trực tiếp đến các tương tác hằng ngày của họ trong xã hội.

"Các bạn trăn trở về mức giá khá cao của các sản phẩm thân thiện với môi trường, cách sinh hoạt, sử dụng đồ dùng, mua sắm, di chuyển… Điều này cho thấy bên cạnh góc độ vĩ mô, cần có những giải pháp thiết thực để áp dụng trong đời sống", chị nhận định.

Nói về tầm nhìn khi TP.HCM trở thành thành phố xanh, ông Tôn Thất Hạc Minh cho rằng sự phát triển này sẽ giúp nâng cao vị thế, sức cạnh tranh và hình ảnh quốc gia; thể hiện cam kết của Việt Nam với trách nhiệm toàn cầu; tăng cường và thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế và du lịch.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường và năng lượng xanh; tăng cường sức đề kháng của quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao sức khỏe cộng đồng; tạo ra những việc làm xanh.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 9.

Cây xanh ở TP.HCM Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, chị Chi nhận định một thành phố xanh, phát triển bền vững sẽ là nơi đất lành chim đậu, không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp lớn đổ về, mà còn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lựa chọn TP.HCM như một thành phố đáng sống.

"Bên cạnh đó, việc có những tiêu chí dành cho thành phố xanh và phát triển bền vững cũng góp phần đặt ra hàng rào tiêu chuẩn để các đối tác phải tuân thủ khi bước vào thị trường. Chúng ta có khả năng chọn lựa tốt hơn, có vị thế và tiếng nói không chỉ trong khu vực mà trên trường quốc tế", chị Chi chia sẻ.

Để đạt được những mục tiêu này, chị Chi và chị Tuyền nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng bộ từ chính sách, giáo dục đến truyền thông. Theo chị Chi, càng đặt mục tiêu phát triển bền vững sẽ càng có lợi thế đi tắt đón đầu.

Nhìn vào các quốc gia khác có thể học tập được những kinh nghiệm hoặc tránh giẫm vào vết xe đổ của các trường hợp thất bại. Về cơ bản, phát triển bền vững vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, các quốc gia vẫn đang liên tục học hỏi, thử nghiệm, đúc kết và sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn.

"Khi người trẻ hiểu được tầm nhìn của TP.HCM về một thành phố xanh, họ sẽ có tư duy, thái độ và cách tiếp cận khác với các vấn đề liên quan đến sử dụng nguồn lực và phát triển bền vững. Từ đó, đóng góp các giải pháp cho doanh nghiệp và xa hơn là cho sự phát triển chung của cộng đồng, của thành phố và cho Việt Nam", chị Tuyền nói thêm.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 10.
Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 11.
Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 12.

Đạo diễn NHÂM MINH HIỀN

Tôi là một người con của TP.HCM, sinh ra và lớn lên tại đây. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hồ hởi xách cặp táp đi bộ học cấp 1, rồi cấp 2 dưới những hàng cây xanh trên con đường Lữ Gia.

Rồi những buổi sáng sớm tôi chạy bộ quanh trường đua Phú Thọ, bấy giờ toàn cây xanh. Giờ đây khu vực này nhiều khói bụi và ô nhiễm, cây xanh mất mát khá nhiều.

Đó chỉ là một góc nhỏ của TP.HCM trong hành trình phát triển. Nhà cửa mọc lên nhiều, đi kèm theo đó là hình ảnh những thân cây bị ngộp thở. Rễ cây bị đè nén bởi một lớp xi măng hay nhựa đường, chúng cố gắng thoát ra, với những rễ cây trầy trụa, lồi lõm…

Mấy ngày gần đây, thành phố nóng bất thường. Sống ở mảnh đất này năm mươi mấy năm, lần đầu tiên tôi thấy ngột ngạt như vậy. Ngày xưa Sài Gòn cũng nóng nhưng có gió thổi nhờ có nhiều cây xanh tạo bóng mát. Giờ mất cây xanh là mất hơi thở cho mình.

Làm thế nào mang lại màu xanh cho thành phố? Tôi nghĩ cần ý kiến của những nhà khoa học. Tôi chỉ góp ý kiến với vai trò là một người con của thành phố rằng bằng bất cứ mọi giá chúng ta phải gìn giữ những mảng cây xanh hiện đang có.

Nhất định phải giữ. Bên cạnh đó, mỗi gia đình hãy tạo cho mình mảng xanh bằng cách tận dụng trồng cây trên lan can, góc nhà. Cách làm này thật ra nhiều nước đã làm. Tôi từng thấy trên lan can ở chung cư Singapore người ta trồng nhiều cây, tạo mảng xanh mát dễ chịu.

Là đạo diễn, tôi luôn quan tâm đến những đề tài bảo vệ môi trường. Tôi đã từng làm phim tài liệu, phim truyện, phim ngắn tập và cả những tác phẩm sân khấu về đề tài bảo vệ môi trường.

Ví dụ như bộ phim Vùng đất không yên tĩnh năm 2011 nói về một nhà máy trong khu công nghiệp tại TP.HCM chỉ vì lợi ích trước mắt mà chôn ống nước thải từ nhà máy ra sông, đẩy những chất độc hại ra thẳng sông suối. Nguồn nước ô nhiễm kéo theo thảm họa: cá tôm chết nổi đầy, cây dần héo úa, con người thì bệnh tật.

Vụ án được khơi từ đơn tố giác của một người lính xuất ngũ và những người dân sống xung quanh nhà máy. Chính người dân là tai mắt, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm.

Theo tôi, văn hóa và ý thức con người là hai yếu tố quyết định về một thành phố xanh: xanh từ thiên nhiên, môi trường, xanh từ cách sống văn minh, xanh trong quan hệ giao tiếp xã hội, môi trường tập thể và trong chính gia đình mình.

Vì vậy việc dạy, hướng dẫn các em nhỏ ngay từ nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh ý thức gìn giữ môi trường, bảo vệ hơi thở thành phố là việc làm cấp bách, kiên trì, lâu dài.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 13.
Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 14.

Nhiều quốc gia đã đưa vào các chương trình nhằm hướng đến phát triển bền vững và xây dựng thành phố xanh.

Để giữ vị trí là một trong những thành phố xanh nhất thế giới như hiện nay, Singapore từng áp dụng chương trình "Thành phố xanh", tập trung vào phát triển giao thông xanh, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả và tăng cường mảng xanh.

Trong đó khu đô thị Punggol được quy hoạch bài bản với hệ thống giao thông thông minh, nhà ở tiết kiệm năng lượng, khu vườn cộng đồng và nhiều tiện ích xanh; công viên Gardens by the Bay được xem là biểu tượng của Singapore với hệ thống nhà kính khổng lồ, siêu cây năng lượng mặt trời và vườn sinh thái đa dạng.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 15.

Indonesia áp dụng chương trình "Phát triển xanh" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái và quản lý tài nguyên thiên nhiên;

Trong đó thành phố Bandung nổi tiếng với các chương trình trồng cây, cải thiện chất lượng không khí và phát triển giao thông công cộng; khu đô thị Ecopark Sentul là mô hình đô thị sinh thái với hệ thống năng lượng tái tạo, nhà ở tiết kiệm năng lượng, vườn sinh thái và nhiều tiện ích xanh.

Tại bang California (Mỹ), các thùng rác được phân theo ba loại gồm rác thường, rác hữu cơ và rác tái chế. Bên cạnh đó chính quyền bang này chia lịch thu gom rác theo thời khóa biểu trong tuần, với từng loại rác được gom vào một ngày nhất định.

Điều này giúp người dân có động lực phân loại rác tốt hơn ngay từ đầu nguồn và nhìn thấy những nỗ lực của mình nằm trong một hệ thống vận hành chung.

Mơ về một thành phố xanh - Ảnh 16.

--------------------------------------------------------------------------------------------

BÌNH MINH - HOÀI PHƯƠNG - HOÀNG LÊ
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0