Mời các bạn đón xem và tham gia góp ý kiến về vấn đề này.
Ba năm trước tôi đã dự lễ tri ân của con trai đầu. Năm nay lại sắp sửa đi dự lễ tri ân của con gái út, tôi giật mình khi con gái nói: “Con ước có một lễ tri ân đúng nghĩa để chúng con có thể nói lên được tình cảm thật của mình, mẹ ạ”.
Tôi hỏi sao lại nói vậy thì mặt con buồn buồn: “Chúng con phải tập dượt lễ tri ân, từ cái ôm thắm thiết đến cảnh rơi nước mắt mẹ ạ. Con cứ thấy giả tạo sao ấy nhưng cô giáo bảo phải làm thế mới gây xúc động được”!
Tôi nhớ hôm đi dự lễ tri ân của con trai ba năm trước, điều tôi nhận ra khá rõ là đa số học trò tỏ ra mệt mỏi, uể oải trước những bài diễn văn dài lê thê. Ngay cả phụ huynh ngồi dự cũng thở dài vì buổi lễ mang tính hình thức quá nhiều.
Nhiều phụ huynh truyền tai nhau rằng lễ tri ân ở trường này năm nào cũng vậy, không có gì mới: trên đọc diễn văn dài mấy trang giấy, dưới học sinh tha hồ làm việc riêng như chơi điện tử, đọc báo, lướt Facebook, chụp hình lưu niệm...
Một phụ huynh thắc mắc: “Sao học trò thiếu nghiêm túc thế?”. Mặc kệ người dẫn chương trình liên tục nhắc nhở trật tự nhưng các em vẫn cười đùa, trêu chọc nhau, hầu như các em không biết mình đến đây để làm gì. Nhìn cảnh các em thản nhiên giơ điện thoại lên chụp ảnh lia lịa, tôi thấy buổi lễ chẳng còn gì là trang nghiêm...
Ngay cả phụ huynh cũng “giết thời gian” bằng việc tí tách điện thoại, hết nhắn tin đến lướt Facebook, đọc báo. Tôi có cảm giác nhiều phụ huynh đến dự cho có, cho xong nghĩa vụ, cho đông đủ chứ thực chất họ không hào hứng.
Có phụ huynh ghé tai nhau trò chuyện rôm rả chuyện học, chuyện thi của con. Có người cắm mặt vào điện thoại từ đầu buổi đến cuối buổi để chơi trò đuổi hình bắt chữ trên di động, thi thoảng cười khúc khích, vỗ đùi cái đét, đến khi kết thúc lễ mới thốt lên: “Xong rồi à? Xong lúc nào vậy?”...
Riêng tôi cảm thấy hơn hai giờ ấy chẳng khác nào bị tra tấn vì những bản báo cáo thành tích là chính, ít thời gian cho học trò được bày tỏ tình cảm của mình với thầy cô, cha mẹ.
Tại sao không để các em được nói lên những lời tự đáy lòng, dẫu vụng về nhưng đầy cảm xúc, còn hơn là cả bài báo cáo dài mấy trang giấy được đọc lưu loát đến từng dấu chấm, dấu phẩy nhưng lại sáo rỗng kia?
Con gái tôi bảo rằng hai tuần nữa đến lễ tri ân của trường, cháu rất muốn được xin lỗi thầy giáo dạy lịch sử vì có lần trong giờ học của thầy, cháu đem bài môn khác ra học.
Cháu cũng muốn được nói lời cảm ơn cô giáo chủ nhiệm đã giúp cháu thấy được điểm mạnh của mình...
Nhưng con gái thở dài bảo rằng các cháu đã tập dượt qua lễ tri ân, mọi thứ đã vào “khuôn” cả rồi! Trong đó còn có cả cảnh tập ôm thầy cô, phụ huynh cho thật tình cảm, thật đẹp, tập rơi nước mắt để gây xúc động...
Liệu phụ huynh có tin được không, có xúc động được hay không trước những giọt nước mắt, trước những cái ôm thật chặt mà các con đã tập luyện, được “duyệt” trước?
Thật lòng chúng tôi không cần những giọt nước mắt giả tạo ấy của các cháu, không cần sự cố gắng “diễn” cho thật xúc động kia.
Chúng tôi chỉ muốn được nhìn thấy các con trưởng thành từ việc nói lên tình cảm mộc mạc, chân thành của lòng mình.
Tôi đã thấy nhói lòng khi nghe con mơ ước về một lễ tri ân không phải được chuẩn bị chu đáo, mang tính hình thức giả tạo.
Không chỉ con mà chính phụ huynh chúng tôi cũng mong chờ một ngày lễ tri ân đúng nghĩa, đầy xúc cảm thật sự, chứ không phải quá chú trọng vào hình thức, màu mè như đang “diễn” văn nghệ...
Có những lễ tri ân hình thức vì thi đua! Từ hơn chục năm về trước, “lễ trưởng thành và tri ân” được Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký do PGS.TS Trần Hữu Tá làm hiệu trưởng tổ chức riêng cho học sinh khối lớp 12. Hoạt động này ngày càng được nhiều trường THPT khác tìm hiểu, hưởng ứng và xác định là “một hoạt động nên có trong trường THPT”. Có lẽ cũng từ đây mà ngày 25-8-2009, Bộ GD-ĐT đã quy định năm nhiệm vụ của năm học mới, trong đó nhiệm vụ thứ hai là: tất cả các trường THPT phải tổ chức tốt lễ trưởng thành và tri ân cho HS khối 12. Tuy nhiên, trong thực tế từ năm học 2009-2010 đến nay không chỉ các trường THPT mà ở cả các trường tiểu học, THCS, thậm chí là trường mầm non cũng tổ chức lễ tri ân. “Lễ trưởng thành và tri ân” cho HS khối 12 là cần, là đúng nhưng HS lớp 9 (15 tuổi), lớp 5 (11 tuổi) và mẫu giáo “lá” (5 tuổi) thì thật sự không cần và cũng không đúng. Có chăng bệnh hình thức đã xuất hiện ở đây? Sự lạnh nhạt của một số phụ huynh đối với các buổi lễ còn có nguyên nhân từ cách tổ chức của nhà trường. Nhiều trường tổ chức hoành tráng quá, hình thức quá và đương nhiên là quá tốn kém, mà kinh phí đó ở đâu ra, chẳng phải từ sự đóng góp của phụ huynh hay sao? Nhiều trường tổ chức lễ mà y như một buổi diễn kịch hay hát cải lương, có kịch bản hẳn hoi, kể cả chuyện khi nào khóc, khi nào cười và phải khóc cười như thế nào cho “chất” mới được! Nhiều buổi lễ lại biến thành “sàn” để ở đó một số phụ huynh thuộc hàng đại gia tranh nhau, “đấu nhau” thông qua giá trị vật chất của những món quà mà họ trao cho con mình, và tất nhiên bên cạnh đó là sự buồn lòng, mặc cảm của nhiều phụ huynh khác. Bản thân giáo viên chủ nhiệm cũng rất sợ “lễ trưởng thành và tri ân” vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức vào đó. Học sinh càng nhỏ giáo viên càng cực, nhất là với các lớp tiểu học, mẫu giáo. Các em có biết gì là “tri ân”, là “trưởng thành” để mà viết. Thầy cô phải viết hết, mà như vậy hóa ra mình tự tri ân mình. Áy náy lắm nhưng chẳng đặng đừng, có điểm thi đua cả đấy! Thiển nghĩ, để khẳng định sự cần thiết phải tổ chức “lễ trưởng thành và tri ân” cho HS lớp 12 (còn các lớp khác thì không cần) nên chăng Bộ GD-ĐT hãy tổng kết, rút kinh nghiệm cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức buổi lễ này. Đặc biệt phải minh chứng cho được giá trị thực tiễn của buổi lễ đối với sự nghiệp giáo dục nói riêng và xã hội nói chung, để từ đó có sự điều chỉnh một cách hợp lý hợp tình. Nếu cứ để tự phát như hiện nay, chắc chắn sẽ còn có nhiều nỗi buồn khác trong các buổi “lễ trưởng thành và tri ân” tại các trường học. |
Bài “tri ân” không đoạt giải... Năm đó, trường tôi chuẩn bị làm lễ tổng kết năm học và làm lễ tri ân cho học sinh lớp 12 - lớp cuối cấp sắp rời xa mái trường sau ba năm học tập và rèn luyện. Để đảm bảo chất lượng các bài viết tri ân, trường tổ chức phân công học sinh các lớp 12 viết và thầy cô sẽ chấm điểm về nội dung, mức độ cảm xúc... thể hiện trong bài “tri ân”. Yêu cầu của bài viết là thể hiện tấm lòng thành kính của bản thân đối với ông bà, cha mẹ bằng cảm xúc chân thành, không gượng ép, nói quá, nói sai sự thật... Có bốn bài viết vào chung kết với số điểm cao và sẽ được trình bày trong lễ tri ân cùng phần thưởng 200.000 đồng của hội phụ huynh. Nhưng khi đưa ra bàn bạc lần chót thì có một ý kiến cho rằng bài “Ông ngoại tôi” của N.M. (lớp 12A8) nên rút lại vì nhân vật ông ngoại hiện đang ở... nước ngoài! Hơn nữa, hình ảnh ông ngoại ở đây đâu có nghèo khổ, đâu phải đi bán vé số, lượm bọc, mò cua bắt ốc... nghĩa là khó gây hiệu ứng cảm xúc cho người nghe! Đọc lại bài “Ông ngoại tôi”, ban đầu tôi cũng nghĩ thế. Nhưng càng đọc kỹ càng thấy bài viết kể rất thật tình về ông ngoại. Đồng ý là nhân vật ông ngoại không thiếu thốn vật chất nhưng ông lại cực kỳ thiếu thốn tinh thần, thiếu tình cảm quê hương, thiếu tình người nơi đất khách quê người. Lúc bị bệnh nặng, ông ngoại nguyện ước “có bề gì” thì xin đưa về Việt Nam, đưa về nơi chôn nhau cắt rốn... Lúc còn khỏe mạnh ông dành dụm từng đồng tiền để giúp cháu học giỏi nơi quê nhà. Lúc nằm bệnh viện, ông ngoại than thở vì bệnh mà xài hết tiền gửi về cho cháu, giúp đỡ cháu học tập... Tấm lòng yêu thương của ông thật vô bờ bến. Và tấm lòng đau đáu, thắc thỏm với quê nhà, với cháu nhỏ ấy đã được đứa cháu cảm nhận một cách gần như trọn vẹn... Cuối cùng, theo “số đông biểu quyết” đành rút lại bài bởi lý do nêu trên. Thế là bài “Ông ngoại tôi” không được giải, không được trình bày trong ngày lễ tri ân long trọng, thiêng liêng của buổi tổng kết năm học. Ba bài còn lại là những bài kể trực tiếp về cha mẹ mình với bao cảnh nghèo khổ, từ làm ruộng không đủ sống, đi bán vé số cho tới làm mướn làm thuê để nuôi con nên người hôm nay. Tôi báo lại cho em N.M. biết là bài tri ân “Ông ngoại tôi” không được xét giải vì lý do nhân vật ông ngoại hiện định cư ở nước ngoài. Em N.M. dường như muốn bật khóc vì ông ngoại ở đâu mà không được, miễn là giàu tấm lòng thương cháu, thương quê... Tôi an ủi N.M. rằng phần thưởng hôm nay có thể không có, nhưng con có phần thưởng từ tấm lòng ông ngoại, suốt một đời luôn canh cánh vì cháu, vì quê nhà... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận