Ông Long nói: Theo các chuẩn của Liên Hiệp Quốc, năm 2023 này chúng ta ghi nhận thời điểm tròn 100 triệu dân, tôi rất thích slogan đã được nói gần đây: "100 triệu dân, 100 triệu giấc mơ, 100 triệu hy vọng, 100 triệu giải pháp". Có rất nhiều vấn đề để nhìn vào mốc 100 triệu này xem đó là giấc mơ, hy vọng hay có thêm những điều gì đó khác.
* Ở góc độ chuyên gia, ông thấy có gì ở mốc "100 triệu giấc mơ" này?
- Nhìn vào cơ cấu dân số, khi đạt mốc 100 triệu dân Việt Nam đang có 13,7 triệu người cao tuổi, tương ứng với 13,7% dân số, cùng lúc đó rất thú vị là người trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng tiếp đến giữa những năm 2030, hàm ý rằng đây là giai đoạn Việt Nam vẫn tận dụng được cơ cấu dân số vàng.
Sau mốc này, số người cao tuổi đang tăng nhưng dân số trẻ, người trong độ tuổi lao động đang chiếm tỉ lệ lớn, vừa tạo ra của cải vật chất, vừa tích lũy cho chính họ về sau. Với người cao tuổi hiện tại, khảo sát cho thấy sức khỏe và kinh nghiệm làm việc của họ tốt hơn so với người cao tuổi trước đây, nếu biết tận dụng thì họ là "tài sản", chưa phải là gánh nặng.
Và trong tương lai gần thì những người cao tuổi sẽ là những người trẻ hiện nay, rõ ràng so về sức khỏe và trình độ sẽ tốt hơn người cao tuổi hiện tại. Vì thế tôi nhìn thấy có những cơ hội ở mốc 100 triệu.
* Vậy thách thức là gì khi Việt Nam có diện tích không lớn nhưng dân số đông?
- Thách thức rõ nhất là thu nhập hiện ở mức trung bình nhưng già hóa dân số nhanh, nếu chúng ta không chuẩn bị thì sẽ có những khó khăn trong 2 - 3 thập kỷ tới. Đến khoảng năm 2050 Việt Nam sẽ có 28 triệu người cao tuổi, có nghĩa cứ 4 người Việt thì có 1 người cao tuổi, dù đã có những cải thiện về sức khỏe và năng lực so với thế hệ người cao tuổi trước đó nhưng nói chung vẫn cần hệ thống y tế, bảo hiểm y tế, mức thu nhập của từng người...
Bởi thế dù chúng ta hiện đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng nếu không tận dụng thì sẽ không là vàng nữa. Theo khảo sát lao động việc làm, lao động của chúng ta trẻ nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng chậm, nếu không thay đổi vấn đề này thì tiếp cận kỹ năng, trình độ của thời kỳ 4.0 sẽ chậm hơn.
Thứ nữa là sự chưa tương thích một cách hoàn toàn giữa đào tạo và việc làm, điều trớ trêu là trình độ càng cao thì sự chưa tương thích cũng càng cao. Ví dụ như học kế toán lại làm nghề chứng khoán và hiệu quả do đó cũng chưa thật tốt. Đào tạo chưa khớp với thị trường lao động và nếu cứ lạc nhịp khó khớp với rãnh phát triển của nền kinh tế.
Ngoài ra, theo khảo sát sức khỏe người Việt đã được cải thiện nhưng còn gánh nặng bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm cũng nổi lên theo hướng trẻ hóa. Hiện nay những người trẻ đã huyết áp cao, đột quỵ, trầm cảm... khá nhiều, đòi hỏi hệ thống y tế có những thay đổi để thích ứng.
* Ông đang nói về lao động và đào tạo đang có những "lệch pha", điều này có tác động gì bất lợi khi dân số của chúng ta bước vào mốc 100 triệu người?
- Ở điểm này có rất nhiều điểm cộng để tận dụng nhưng cũng có những điểm trừ. Gần đây người ta lo ngại đến việc số người rút bảo hiểm xã hội một lần mà rất nhiều trong đó là người trẻ tuổi. Lúc tuổi trẻ, thanh xuân nhất thì thu nhập vẫn bấp bênh không đủ lo cho cuộc sống hiện tại cũng như tích lũy trong tương lai, nguy cơ tạo nên một thế hệ già mong manh về thu nhập và là gánh nặng cho an sinh.
Hiện nay chúng ta vẫn trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Nghĩa là cứ 2 người trong độ tuổi lao động "gánh" 1 người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi), nhưng cơ cấu dân số vàng sẽ bước sang dân số già vào năm 2039, khi tỉ lệ người phụ thuộc cao lên. Chúng ta chỉ còn khoảng 15 năm để chuẩn bị vì thế mốc 100 triệu dân rất quan trọng để có đà bứt phá.
* Từ năm 2006 chúng ta đã bước vào thời kỳ dân số vàng và đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn có những điểm trừ, theo ông điểm nghẽn ở đâu?
- Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào năng suất lao động và tỉ lệ người lao động có việc làm. Nhìn các nước có cùng mức thu nhập, chúng ta vẫn thường xuyên tạo được các việc làm mới hằng năm. Nhưng vấn đề ở chỗ năng suất lao động không tăng nhiều, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế không tăng vọt.
Nếu số người bước vào độ tuổi lao động ở giai đoạn sức khỏe tốt, năng suất lao động cao sẽ mang lại giá trị thặng dư lớn hơn nhiều. Còn nếu sa đà vào những công việc đào tạo nhanh, năng suất và thu nhập thấp, nếu mất việc mà không có công việc thay thế thì cơ hội cho người lao động đó sẽ ít đi.
Bài học của Nhật Bản ở giai đoạn phát triển mạnh là giảm số lượng lao động làm trong nông nghiệp, chuyển dịch sang phi nông nghiệp nhưng năng suất lao động lại tăng, từ đó tăng trưởng mạnh. Điểm nghẽn của chúng ta là năng suất lao động, nếu chuyển dịch lao động và tăng được năng suất, chất lượng thì sẽ khơi thông được phát triển.
* Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang khuyến sinh, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh nhưng lại chênh lệch giữa các vùng, theo ông Việt Nam nên khuyến sinh như thế nào?
- Ở Hàn Quốc mặc dù khuyến sinh nhưng mức sinh bình quân vẫn dưới 1, Nhật Bản cũng có tỉ lệ sinh thấp hơn. Việc sinh mấy con phụ thuộc vào việc làm, điều kiện kinh tế..., bên cạnh chính sách như tăng thời gian nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng, hỗ trợ tài chính, nhà ở...
Tuy nhiên Việt Nam vẫn có nhiều vùng có mức sinh cao và có thể dịch chuyển lao động/dân cư từ vùng mức sinh cao đến vùng mức sinh thấp. Do vậy, vấn đề của chúng ta chưa phải là số lượng dân mà vẫn là phấn đấu cho chất lượng.
Không thể lơ là công tác dân số
Theo Tổng cục Dân số, đứng trước cột mốc 100 triệu dân, công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức, điển hình như sự chênh lệch giữa mức sinh các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, chỉ số phát triển con người thấp...
Vì vậy cần triển khai các công tác dân số với các nhiệm vụ về kế hoạch giảm sinh, khẳng định đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, thích ứng với già hóa dân số...
Dự báo trung tuần tháng 4-2023, Việt Nam sẽ chính thức trở thành 1 trong 15 quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia khu vực Ðông Nam Á có quy mô dân số 100 triệu người.
THẢO NGUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận