31/12/2017 09:47 GMT+7

Mở tung không gian sáng tạo để đất nước không hụt hơi

QUỐC LINH - TƯỜNG HÂN
QUỐC LINH - TƯỜNG HÂN

TTO - Phạm Gia Vinh đam mê sáng chế vật thể bay. Nhưng "phi thuyền" anh chế tạo không thể bay được trên đất mẹ vì nhiều trói buộc, phải mang sang Úc thử nghiệm.

Mở tung không gian sáng tạo để đất nước không hụt hơi - Ảnh 1.

Trưởng nhóm Phan Gia Luân (trái) cùng các sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo lắp ráp và lập trình cho robot service có thể phục vụ lễ tân, giải đáp thắc mắc thông qua nhận diện giọng nói, nhận diện gương mặt… - Ảnh: TỰ TRUNG

TS TRẦN NGỌC HUY (phụ trách mảng điều khiển tự động, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia DCSE):

Đã thiếu tiền lại cứ phải... xin phép

Những người trẻ khi đề xuất ý tưởng mới có thể sẽ đối mặt với một số kiểu phản hồi như đề tài cũ, thế giới đã làm rồi. 

Nhưng điều quan trọng, nước mình đã làm được chưa? 

Dân trong nghề chúng tôi thường nói cuộc cách mạng lần thứ ba mình còn chưa làm xong thì làm sao tiến tới lần thứ tư. Đi tắt đón đầu, đi hoài kết quả ra sao? Gốc vấn đề ở chỗ: phải có nền móng vững mới đi lên được.

Người trẻ muốn làm cái này cái kia nhưng không có kinh phí, không đủ mối quan hệ, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đề tài, dự án. 

Những chương trình hỗ trợ tiến sĩ dưới 35 tuổi là có nhưng không phải dễ tiếp cận. Việc đánh giá đề tài nghiên cứu nhiều lúc dựa vào cảm tính chủ quan, người trẻ khó trao đổi lại. Vì vậy, cần những người đánh giá đề tài có tầm nhìn.

Ví dụ drone (máy bay không người lái) là hướng nghiên cứu đang phát triển rất mạnh trên thế giới vì khả năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực môi trường, quân sự, hậu thảm họa..., những nơi con người không tiếp cận được. 

Chưa kể rất nhiều người thích chơi drone, học sinh cấp I, cấp II tò mò loại hình này, đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ. 

Nhưng luật quy định muốn bay phải xin phép. Chúng ta không tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lĩnh vực này, liệu có ai xin được đề tài nghiên cứu về drone phục vụ dân sự?

Tôi có cảm giác máy bay không người lái, tàu ngầm và một số hướng nghiên cứu khác tưởng chừng đang là sân chơi riêng của ai đó. Trong khi khu vực đại học, giới nghiên cứu mới là nơi tạo ra nhiều đóng góp cho sự phát triển. Nếu khu biệt trong một giới nghiên cứu thì bao giờ mới phát triển chất lượng?

Nghiên cứu cũng như tay nghề, phải làm nhiều mới giỏi được, không thì lụt nghề. Mặc dù có đề tài tâm huyết, nhưng xoay xở hoài không được, người ta vì cơm áo gạo tiền phải tính đường khác, kiếm việc nhẹ nhàng, thu nhập tốt; nhưng như vậy con đường nghiên cứu để tạo điều gì có giá trị chẳng đi đến đâu cả. 

Tuy nhiên, cũng còn nhiều nhóm nghiên cứu chuyển hướng, tự nuôi đề tài họ tâm huyết, không ngồi không đợi đầu tư.

Mở tung không gian sáng tạo để đất nước không hụt hơi - Ảnh 2.

Nhóm sinh viên Trường đại học Sài Gòn (TP.HCM) nghiên cứu lắp ráp hệ thống băng chuyền tự động - Ảnh: TỰ TRUNG

ĐINH THÀNH HIẾU (hạng nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học 2017, Bộ GD-ĐT):

Gặp được người khơi dậy khả năng sáng tạo

Cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học của sinh viên tại trường học thật lòng mà nói còn khá hạn chế. Do vậy, các thí nghiệm, thực nghiệm khoa học để đi đến kết quả cuối cùng sẽ khó thực hiện được với quy mô lớn.

May mắn là nhóm chúng tôi được nhà trường và người hỗ trợ, hướng dẫn rất tận tình. Nhờ các mối quan hệ của giảng viên hướng dẫn mà chúng tôi có điều kiện thực nghiệm các nghiên cứu tại các vườn tiêu thực tế bên ngoài.

Mỗi người có sự sáng tạo riêng nhưng sự dẫn dắt của người hướng dẫn là rất quan trọng vì họ sẽ biết cách khơi dậy khả năng sáng tạo trong chúng tôi. Song song đó cần đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, máy móc phục vụ nghiên cứu và nếu sinh viên được tạo điều kiện đến nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở các viện, trung tâm thì quá tốt.

Tham gia các cuộc thi cũng là cách giới thiệu đề tài nghiên cứu ra thực tế. Tuy nhiên những người nghiên cứu trẻ chúng tôi rất cần được các công ty bên ngoài đặt hàng, hỗ trợ điều kiện, trang thiết bị nghiên cứu và cả quy trình sản xuất để có thể thương mại hóa, phát triển sản phẩm vào thực tế cuộc sống.

Mở tung không gian sáng tạo để đất nước không hụt hơi - Ảnh 3.

Sinh viên, học viên cao học nghiên cứu drone cho các doanh nghiệp tư nhân - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Anh ĐOÀN KIM THÀNH (Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM):

Kết nối, chuyển giao kết quả nghiên cứu

Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka được Thành đoàn TP.HCM kiên trì tổ chức nhiều năm qua ngoài phát huy khả năng nghiên cứu của sinh viên còn góp phần tạo động lực, môi trường cho sinh viên sáng tạo. 

Từ giải thưởng của riêng TP.HCM, sau khi mở rộng ra cả nước hai năm qua đã chứng minh có sức hút lớn và số lượng trường tham gia giải thưởng mỗi năm đều tăng.

Có thể nói đến nay Euréka đã cùng góp phần với ngành giáo dục xây dựng môi trường học thuật, tạo đam mê cho sinh viên nghiên cứu khoa học, cũng là cơ sở xây dựng nguồn lực khoa học trẻ sau này.

Không dừng trao thưởng cho các nghiên cứu có kết quả tốt, chúng tôi còn tìm kiếm các nguồn học bổng để giúp các bạn tiếp tục đeo đuổi đam mê học tập, nghiên cứu; tạo điều kiện để các bạn phát triển đề tài, hỗ trợ nghiên cứu sâu hơn và phát triển sản phẩm ứng dụng vào thực tế.

Ngoài ra, sau trao thưởng, chúng tôi kết nối chuyển giao đề tài của các bạn cho những đơn vị quan tâm. 

Với nghiên cứu sử dụng được liền kết quả sẽ chuyển giao ngay cho nơi có nhu cầu. Tuy nhiên nghiên cứu dạng này với sinh viên còn khá hạn chế nên phần lớn là chúng tôi giúp chuyển giao để các bạn có môi trường, điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn, tiếp tục phát triển đề tài mang tính ứng dụng cao hơn và sử dụng được sau đó.

pham gia vinh 7(read-only)

Phạm Gia Vinh, một bạn trẻ đam mê sáng tạo, đã không thể thí nghiệm vật thể bay ở trong nước mà phải mang qua Úc để... được bay - Ảnh: NVCC

Những đôi chân tập tễnh

Tôi tự hỏi: Nếu Frank Wang là người Việt Nam thì sao nhỉ?

Frank Wang là một người Trung Quốc, sinh ở Hàng Châu năm 1980. Thời trai trẻ, Wang thích sáng tạo, thích làm giàu, thích bay lượn... Và rồi anh sáng chế ra vật thể bay, cho nó mang theo chiếc máy ảnh tí hon mà bây giờ chúng ta gọi là flycam.

Trên thế giới này, ai quan tâm đến flycam đều biết thương hiệu Phantom lừng lẫy, đó chính là sản phẩm của Công ty DJI mà chính Wang là người đã sáng lập vào năm 2006, khi anh tròn 26 tuổi.

Hiện tại, DJI được đánh giá trị giá 10 tỉ USD, và Wang được gọi là tỉ phú công nghệ trẻ nhất châu Á.

Nếu Wang là người Việt thì sẽ như thế nào? Chắc chắn cái vật thể bay mà anh sáng tạo nên khi còn trẻ sẽ chẳng được cấp phép bay thử. Và đã không được bay thử thì Trung Quốc không thể nào có DJI trị giá 10 tỉ USD, không thể có Phantom lừng lẫy để tự hào.

Nhưng tại sao lại dám nói như đinh đóng cột về số phận của Wang nếu ở Việt Nam? Bởi ở Việt Nam, có một chàng trai nhỏ hơn Wang 3 tuổi, cũng có sở thích sáng tạo, thích làm giàu, thích bay lượn như Wang.

Chàng trai đó tên là Phạm Gia Vinh. Vinh có một bản lý lịch cực đẹp, đó là cháu ngoại của thiếu tướng Võ Đông Giang, là cháu của nguyên phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Vậy mà, một cái "phi thuyền" của Vinh sáng chế đã không thể nào xin được phép bay thử nghiệm tại Việt Nam.

Bí bách, chàng trai trẻ mang nó qua Ấn Độ và ở đó "OK", cho bay thử. Cứ tưởng sau chuyến ấy mọi sự sẽ dễ dàng hơn, Vinh về làm chiếc to hơn, nặng 600kg, bay đến tầm cao 30km. Nhưng, "đất mẹ" vẫn lắc đầu, không cấp phép.

Chàng trai trẻ lại mang ra nước ngoài, và lần này thì Úc cấp phép cho bay thử nghiệm vào đầu năm 2018.

Câu chuyện này đã được giới thiệu và mở rộng bàn về môi trường sáng tạo cho những người trẻ đam mê khoa học, đam mê sáng tạo trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 17-12.

Tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Trần Quốc Vượng - thành viên thường trực Ban Bí thư - đã dẫn ra bài báo "Phi thuyền của Vinh và câu chuyện môi trường sáng tạo" và đề nghị ngành tuyên giáo phải chú trọng hơn nữa công tác tham mưu trên lĩnh vực giáo dục, khoa học môi trường..., kịp thời phát hiện và tham mưu cho Đảng giải quyết các vấn đề bất hợp lý trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách.

Lâu nay, mỗi khi có dịp ngồi với các nhà khoa học, tôi vẫn thường hỏi tại sao một thành phố chỉ có 1,6 triệu dân như Adelaide (Úc), nhưng khi nghe David Attenborough - một nhân vật nổi tiếng khi dẫn chuyện trong các bộ phim khoa học về Trái đất, về động vật hoang dã - có buổi nói chuyện ở Adelaide Entertainment Center có sức chứa 12.000 chỗ, đã bán sạch vé trong vòng ba giờ đồng hồ?

Mà giá vé nào có rẻ, khi thấp nhất là 95 AUD cho đến 235 AUD!

Rõ ràng, một nhân vật khoa học có sức hút không thua gì ngôi sao showbiz.

Hay tại sao khi sóng hấp dẫn được phát hiện, các buổi nói chuyện của các nhà khoa học đều thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học trên thế giới, thì tại VN, nó như một hòn sỏi ném xuống ao, nghe "tõm" một tiếng lạc lõng trên truyền thông rồi hết!?

Chính cái môi trường sáng tạo bị bó hẹp, cản trở bởi cái hộp mang tên "bảo thủ", "sợ trách nhiệm", "giáo điều"... đã khiến cho giới trẻ VN ngày càng ít mặn mà với khoa học, với sáng tạo, tìm tòi cái mới.

Không gấp rút giải quyết những bất hợp lý như ông Trần Quốc Vượng đề nghị, đất nước sẽ hụt hơi bởi những người trẻ đam mê sáng tạo đều bị tập tễnh trên đôi chân bị đánh khi mới cất bước.

THẢO NGUYÊN

“Phi thuyền' của Vinh và câu chuyện môi trường sáng tạo

TTCT - Khoảng cuối tháng 1-2018, từ thị trấn Alice Spring (Úc), khí cụ bay không người lái do một bạn trẻ người Việt Nam - Phạm Gia Vinh nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm.

QUỐC LINH - TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên