Phóng to |
Bác sĩ Dương Đức Hùng (trái) khám lại cho anh Thống ở ngày thứ tư sau phẫu thuật - Ảnh: Dương Ngọc |
Hôm qua là ngày vui với anh Đoàn Ngọc Thống, 38 tuổi ở Thanh Hóa, bệnh nhân đầu tiên được mổ tim bằng nội soi. Anh Thống cho hay đã bị thấp tim từ bé, hở van hai lá khoảng 10 năm nay. Năm năm trở lại đây, bệnh diễn biến theo chiều hướng nặng dần: nghề nghiệp chính là làm ruộng nhưng anh Thống không thể gắng sức, không thể làm việc nặng. Đi khám bệnh, các bác sĩ chỉ định anh phải mổ để thay van hai lá do đã hở van hai lá nhiều, hẹp van hai lá khít, tăng áp lực động mạch phổi và suy tim.
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng (trưởng khoa C4 Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, chủ trì ca phẫu thuật), khác với kỹ thuật kinh điển là cưa xương ức để thay van hai lá, các bác sĩ đã mở hai vị trí nhỏ trên ngực bệnh nhân để đưa dụng cụ nội soi vào và sau đó rạch một vết dài 3cm ở chân ngực để đưa van nhân tạo vào. Sau mổ bốn ngày, các vết mở đều đã khô, bệnh nhân có thể ngồi dậy và đưa đi lại bằng xe đẩy. Trong khi ở thời điểm sau mổ bốn ngày, bệnh nhân được mổ bằng phương pháp kinh điển còn rất đau, chưa thể ngồi được. So với phương pháp kinh điển bệnh nhân ra viện sau 10 ngày, thì nội soi thay van hai lá bệnh nhân có thể ra viện sau năm ngày. Do vết mổ nhỏ, ít xâm lấn, không phải cưa xương ức..., nội soi phẫu thuật tim cũng giảm đau và giảm nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hùng cho biết hiện bệnh nhân thay van hai lá, sửa van hai lá, ba lá, vá lỗ thông liên nhĩ, lấy u nhầy trong tim... có thể sử dụng kỹ thuật nội soi để điều trị.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, tại châu Á đã có Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore áp dụng nội soi điều trị một số bệnh lý tim mạch. Ở VN, đây là trường hợp đầu tiên được mổ tim bằng nội soi, đem lại nhiều hi vọng được áp dụng kỹ thuật cao cho bệnh nhân mắc các bệnh lý này trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận