06/10/2024 11:52 GMT+7

Mợ thường xuyên là nỗi nhớ trong tôi

Tôi gọi mẹ ruột của mình là mợ. Về cách gọi này, cậu (tức là bố tôi) vẫn bảo: 'Thì cũng chỉ là học đòi theo cái anh hàng phố, chứ nhà mình gốc quê, hằng bao đời làm ruộng. Và ở đấy người ta xưng là thầy là bu, chứ có ai gọi thế bao giờ'.

Mợ thường xuyên là nỗi nhớ trong tôi - Ảnh 1.

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Ngày còn bé khi dòm ngó đám bạn cùng xóm cùng trường với mình kêu ba má hay bố mẹ, tôi thích lắm cơ! Và nhiều lần ước ao... Chứ "cậu, mợ" nghe chẳng mật thiết tí nào. Nghe hào nhoáng, cách biệt làm sao ấy!

Rồi những ý nghĩ và cảm nhận gắn kết với tôi thuở ấu thơ dần dần biến mất, vào một lúc nào đó chẳng rõ. Cho tôi nhận ra má cũng là mợ và mẹ đích thực cũng là mợ đây thôi! Và cậu và mợ mới hay ho sao! Và máu thịt biết là dường nào.

Tôi đã đi qua thời thiếu nữ rồi trưởng thành thêm và băng băng bước đến tuổi trung niên. Trong niềm hạnh phúc bởi có mợ và còn mợ, cho đến một ngày, người rời bỏ thế gian. Mợ không còn và thường xuyên trong tôi là nỗi nhớ.

Có khi đứng hẳn lại ở khuôn mặt thật đẹp và nụ cười rất tươi của mợ với lúc lặng thinh, với hồi chuyện trò. Có khi ở cách mợ dạy dỗ con cháu hay ứng xử với mọi người. Và cũng có khi dừng lại rất lâu nơi các món ăn mợ vẫn hay nấu.

Miền Trung đã vào mùa mưa và vào lúc thời tiết ẩm ướt như thế này sao mà tôi thèm quá món"ốc om chuối mẻ" của mợ.

Nghĩ thật buồn cười vì cũng chỉ là một món Bắc với ngần ấy nguyên liệu và cách nấu, thế mà bà nội làm nghe ra cứ như thiêu thiếu một thứ gì. Là mẻ chăng? Hay mắm tôm? Những dù sao vẫn còn đỡ hơn các thứ ấy vào tay các chị. Chỉ có mợ.

Duy nhất là mợ, một món ăn bỗng như thăng hoa, dậy hương và đậm vị đến lạ lùng. Vẫn còn khắc in trong tâm trí tôi những sẫm chiều lướt thướt trong mưa ở trường về. Vậy mà chân vừa dợm bước đến bậc thềm, cả người mình bỗng ráo khô, ấm sực trong đẫm ngập món ngon mợ nấu từ gian bếp nhỏ tỏa lan khắp cùng.

Tôi thường đứng sững và hít thật sâu cho bằng hết mùi thức ăn và cũng là mùi của mợ. Sướng quá đi thôi, khi nhà mình có mợ...

Mấy năm trước khi trời mưa, đi chợ gặp ốc ngon, tôi vẫn chịu khó đứng bếp chế biến rồi cặm cụi cả buổi, thế mà "ốc om chuối mẻ" chẳng ra hồn vía gì. Chợt nhận ra khi không còn mợ còn cậu còn bà, còn các chị các anh và sự đầm ấm sum vầy. Khi mà gia đình chỉ trơ trốc ra đó hai con người, một món ăn nào đâu còn ý nghĩa.

Cũng nghĩ lại để mà buồn cười thêm cho cái quy định đến là oái ăm của mợ, ấy là "ai làm vỡ bất cứ một món đồ nào đó trong nhà thì phải đền". Và tôi, cái đứa vụng đoảng nhất trong sáu đứa con của mợ.

Vốn tính lơ láo ít chịu tập trung đụng đâu vỡ đấy thì thôi rồi. Trong khi các chị của tôi tiền mừng tuổi hằng năm chẳng sứt mẻ là mấy thì tôi năm nào cũng âm. Âm từ năm trước lấn sang năm sau, mà đó cũng là nhờ mợ có châm chước cho.

Giả như cái đĩa trị giá năm đồng chỉ bị bắt đền có mỗi hai đồng. Mợ không biết chữ nhưng đã có các chị làm thư ký với những ghi chép đành rành. Tôi làm vỡ nhiều, bị đền nhiều, sinh cáu, già mồm cãi bừa nhưng chẳng yên với mợ đâu nhé!

Đừng hòng cái út nhà này nhé! Đấy là lời của mợ. Thật may, khi tôi bước vào cấp hai và đã áo dài tha thướt đến lớp, quy định nói trên cứ lỏng lẻo dần rồi kết thúc hẳn. Nhưng tôi nào quên như chưa hề quên bất cứ một điều gì về mợ.

Vào ngày giỗ, nỗi nhớ bỗng trồi lên, mạnh mẽ và sắc bén, nhưng chẳng khiến mình quắt quay như những năm đầu mợ mới mất. Chỉ theo tháng năm như lặng lẽ thêm và âm thầm hơn.

Phải rồi! Cái út nay đã tuổi bảy mươi, và mợ ra đi mới đó đã hai mươi ba năm tròn...

Mợ thường xuyên là nỗi nhớ trong tôi - Ảnh 2.Bước vào tuổi 'gánh' cha mẹ và con cái

Chúng ta bước vào tuổi trung niên, cha mẹ cũng đến tuổi xế chiều. Nhiều cặp vợ chồng ở tuổi này đã phải đối diện với thực tế: vừa nuôi con ăn học, vừa chăm sóc cha mẹ già mắc nhiều bệnh nền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhớ mẹ Cha mẹ